Thị trường tài chính 24h: Lãi suất tăng đe dọa lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đứng tham chiếu; Áp lực tăng lãi suất đè nặng lên cổ phiếu ngân hàng; ESOP không cân bằng quyền lợi lại tiếp tục; Cuộc đua huy động trái phiếu tăng nhiệt; Bình tĩnh lọc tìm cơ hội; Lo ngại nền kinh tế bước vào suy thoái sau cú sốc hàng hoá…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Lãi suất tăng đe dọa lợi nhuận ngân hàng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/3 tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 260.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chiều ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã đảo chiều giảm mạnh 2,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2,38 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 68,60 – 70,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng 54 USD lên 2.052,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm mạnh và về 2.010 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,54 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.172 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.710 – 22.990 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 38.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã đột ngột tăng vọt và lên trên 42.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,76 USD (-1,96%), xuống 121,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,25 USD (-1,76%), xuống 125,73 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index đứng tham chiếu

Thị trường sớm chứng kiến các đợt rung lắc mạnh với biên độ hơn 18 điểm từ đỉnh tới đáy của phiên và giằng co nhẹ sau đó.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu tích cực hơn, dòng tiền hướng tới các nhóm ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa, vận tải như dầu khí, phân bón, vận tải biển, giúp nhiều mã trong các nhóm này khởi sắc.

Sự khởi sắc của các nhóm ngành này, cùng với sự đóng góp của một số lớn đơn lẻ của nhóm ngân hàng, thép, hàng không giúp VN-Index thoát phiên giảm điểm.

Nhóm vận tải biển với GMD, VSC, HAH, VOS, VTO, VIP tăng kịch trần. Các mã khác như TCO, GSP tăng mạnh từ hơn 3% đến hơn 5%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 22,62 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.072,33 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/3: VN-Index tăng 0,03 điểm (+0%), đứng ở mức 1.473,74 điểm; HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,29%), xuống 444,6 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+0,67%), lên 113,37 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có thêm một phiên giảm trong ngày thứ Ba (8/3), khi các nhà đầu tư thận trọng quan sát những diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau quyết định cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga từ Mỹ.

Chỉ số ngành năng lượng, một ngành hoạt động nổi bật trong năm nay, tiếp tục nhích lên và tăng 1,4%, với việc Dầu WTI có thời điểm đã vọt lên trên mức 128 USD/thùng sau quyết định của ông Biden.

Trong khi đó, dầu thô Brent gần chạm mức 130 USD/thùng cùng với các mặt hàng khác cũng đang tăng giá, gây ra cảnh báo về lạm phát gia tăng và tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá xăng của Mỹ đạt kỷ lục vào thứ Ba.

Kết thúc phiên 8/3, chỉ số Dow Jones giảm 184,74 điểm (-0,56%), xuống 32.632,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 30,39 điểm (-0,72%), xuống 4.170,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 35,41 điểm (-0,28%), xuống 12.795,55 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm theo chân các thị trường khác trong khu vực, khi giới đầu tư thận trọng trước tác động của cuộc xung đột ngày càng tồi tệ ở Đông Âu và lệnh cấm mới của Mỹ đối với dầu của Nga

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 24.717,53 điểm, sau khi tăng 1,1% trong phiên. Chỉ số Topix giảm 0,06% xuống 1.758,89 điểm.

Cả hai chỉ số đóng cửa giảm điểm trong phiên thứ tư liên tiếp.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management, cho biết: “Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu Nhật Bản khi thị trường ở các nước châu Á khác suy yếu. Đặc biệt là các nhà đầu tư ở châu Âu, những người đã tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn đối với chứng khoán Nhật Bản cũng đã bán cổ phiếu của họ khi căng thẳng xung quanh Ukraine gia tăng”.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do các nhà đầu tư vẫn lo ngại đà tăng của giá hàng hóa sẽ có tác động rộng hơn đến nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,13% xuống 3.256,39 điểm.Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,92% xuống 4.226,35 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 30/6/2020, sau khi có thời điểm giảm tới 4,6% trong phiên chiều.

“Bán tháo kinh hoàng” đã dẫn đến những đợt giảm mạnh liên tiếp, chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như rủi ro lạm phát toàn cầu khi giá hàng hóa đạt mức cao nhất thập kỷ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, Yang Delong - nhà kinh tế trưởng tại Quỹ First Seafront có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm, do sức ép của nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính và bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,67% xuống 20.627,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,67% xuống 7.189,58 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi cổ phiếu ngành năng lượng, giảm 1,5%, lĩnh vực tài chính giảm 0,73% và bất động sản giảm 1,72%.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày bầu cử Tổng thống.

Kết thúc phiên 9/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 73,42 điểm (-0,30%), xuống 24.717,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,14 điểm (-1,13%), xuống 3.256,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,16 điểm (-0,67%), xuống 20.627,71 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực tăng lãi suất đè nặng lên cổ phiếu ngân hàng

Ngành ngân hàng lo ngại biên lợi nhuận đi xuống khi mặt bằng lãi suất tăng, cổ phiếu vua lao dốc..>> Chi tiết

- ESOP không cân bằng quyền lợi lại tiếp tục

Đầu năm, các doanh nghiệp niêm yết có lịch sử phát hành cổ phiếu ESOP lại tiếp tục thực hiện phát hành cổ phiếu ESOP với mục đích gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động..>> Chi tiết

- Cuộc đua huy động trái phiếu tăng nhiệt

Cuộc đua huy động vốn trên thị trường trái phiếu bắt đầu tăng nhiệt trong bối cảnh nhịp độ sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp được cho là tăng tốc trong năm 2022..>> Chi tiết

- Bình tĩnh lọc tìm cơ hội

Thị trường đã xuất hiện những phản ứng tương đối mạnh khi chiến sự giữa Nga - Ukraine nổ ra. Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư đã mau chóng ổn định trở lại để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh nhiều biến động của thế giới..>> Chi tiết

- Lo ngại nền kinh tế bước vào suy thoái sau cú sốc hàng hoá

Khi cả ba yếu tố đường cong lợi suất thu hẹp, giá dầu tăng, chứng khoán rơi vào trạng thái điều chỉnh xảy ra cùng một lúc, lập luận trở nên mạnh mẽ hơn rằng đã đến lúc phải xem xét mối đe dọa một cách nghiêm túc về một nền kinh tế bước vào suy thoái..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục