Thị trường tài chính 24h: IEA xả kho dự trữ chiến lược, nhưng giá dầu thô vẫn tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index để mất hơn 13 điểm; Sau ồn ào tranh cãi, ngân hàng, nhà mạng "chốt” trọn gói phí dịch vụ tin nhắn; Cổ phiếu hàng không cất cánh; Tìm cơ hội với doanh nghiệp đầu tư cổ phiếu; Các quốc gia thành viên IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: IEA xả kho dự trữ chiến lược, nhưng giá dầu thô vẫn tăng vọt

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 2/3 tăng 850.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 880.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 66,60 – 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 36,6 USD/ounce lên 1.945,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co quanh 1.940 USD/ounce cho cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 97,71 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.133 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 – 22.980 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên trên 44.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và gần như chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 5,43 USD (+5,25%), lên 108,84 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 5,36 USD (+5,11%), lên 110,33 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm hơn 13 điểm

Với việc Mỹ và đồng minh loại Nga khỏi SWIFT đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm ngân hàng. Cùng với nhóm công nghệ, nhóm ngân hàng là nhóm giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên tối qua.

Tại thị trường Việt Nam, dòng bank trên sàn cũng không phải ngoại lệ khi bị bán ra rất mạnh trong phiên hôm nay, trong đó khối ngoại bán ròng lớn. Đây chính là nguyên do chính kéo VN-Index giảm hơn 13 điểm, phá vỡ ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật là đường MA50 ở vùng 1.489 điểm.

Việc dòng bank giảm đã ảnh hưởng tới một số nhóm ngành không có tin hỗ trợ khác như chứng khoán, càng gây thêm áp lực cho thị trường.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 26,57 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.150,82 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/3: VN-Index giảm 13,26 điểm (-0,88%), xuống 1.485,52 điểm; HNX-Index giảm 1,31 điểm (-0,30%), xuống 442,25 điểm; UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,51%), xuống 111,8 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (1/3), với các cổ phiếu tài chính chịu nhiều thiệt hại trong ngày thứ hai liên tiếp, khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng khiến giới đầu tư lo ngại.

Tình hình chiến sự tiếp tục mang đến tin xấu, sau khi Nga cảnh báo người dân Kyiv hãy ra khỏi nhà và tăng cường bắn phá các khu vực đô thị của Ukraine, một sự thay đổi chiến thuật sau khi cuộc tấn công kéo dài 6 ngày của họ đang bị chặn lại.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones giảm 597,65 điểm (-1,76%), xuống 33.294,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 67,68 điểm (-1,55%), xuống 4.306,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 218,94 điểm (-1,59%), xuống 13.532,46 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do lo ngại ngày càng tăng về tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,68% xuống 26.393,03 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,96% xuống 1.859,94 điểm.

“Rủi ro địa chính trị vẫn là yếu tố chính tác động mạnh đến thị trường. Sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng với Nga, các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi cổ phiếu", Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities cho biết.

Tại Tokyo, các cổ phiếu lớn về công nghệ là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, với Tokyo Electron giảm 1,99%, Fanuc giảm 3,64% và Daikin Industries mất 3,75%.

Các công ty bảo hiểm là một trong những nhóm hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, giảm 4,08%, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tuần, với T&D Holdings giảm 6,31% và Dai-ichi Life Holdings mất 5,21%.

Ở chiều ngược lại, các nhà khai thác dầu đã tăng 7,06% sau khi giá dầu thô tăng trở lại trên 100 USD/thùng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, với các nhà sản xuất xe năng lượng mới dẫn đầu đà đi xuống do các nhà đầu tư bán phá giá các cổ phiếu với mức định giá cao, trong khi lo lắng về tác động của các lệnh trừng phạt mạnh tay với Nga cũng đè nặng lên tâm lý.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,13% xuống 3.484,19 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,89% xuống 4.578,60 điểm.

Phiên hôm nay, cổ phiếu ngành xe chạy bằng năng lượng mới giảm mạnh nhất khi mất 2,09%.

Tuy nhiên, các công ty lọc dầu đã tăng sau khi giá dầu tăng vượt mức 110 USD/thùng, trong đó CSI Energy tăng 2,15%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, do lo ngại về việc phong tỏa do dịch covid-19 và doanh số bán ô tô yếu ở Trung Quốc đại lục khiến tâm lý thị trường xuống thấp.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,84% xuống 22.343,92 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,8% xuống 7.908,18 điểm.

Cổ phiếu Sunny Optical, Xinyi Glass và HSBC giảm hơn 6% tác động mạnh nhất đến chỉ số. Các nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Hồng Kông như Sun Hung Kai Properties, New World và CK Asset đã trượt dốc trong bối cảnh lo lắng về việc tái phong tỏa do dịch Covid-19.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích nhẹ, khi giá hàng hóa tăng và nhu cầu tiềm năng đối với các hãng vận tải dầu và khí đốt do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến cổ phiếu năng lượng và đóng tàu tăng cao.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,34 điểm, tương đương 0,16% lên 2.703,52 điểm.

Các công ty lọc dầu lớn S-Oil và SK Innovation lần lượt tăng 6,04% và 3,49%, trong khi các công ty đóng tàu Samsung Heavy Industries, Korea Shipbuilding & Offshore Engineering và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering tăng lần lượt 3,95%, 3,85% và 3,77%.

Kết thúc phiên 2/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 451,69 điểm (-1,68%), xuống 26.393,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,64 điểm (-0,13%), xuống 3.484,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 417,79 điểm (-1,84%), xuống 22.343,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,34 điểm (+0,16%), lên 2.703,52 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Sau ồn ào tranh cãi, ngân hàng, nhà mạng "chốt” trọn gói phí dịch vụ tin nhắn

Sau ồn ào kéo dài về cước tin nhắn, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, ngân hàng và nhà mạng đã thống nhất phí trọn gói cho dịch vụ tin nhắn là 11.000 đồng/tháng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu hàng không cất cánh

Cùng với sự hồi phục của ngành hàng không sau hai năm khó khăn chưa từng có vì dịch bệnh, cổ phiếu ngành này cũng thăng hoa..>> Chi tiết

- Tìm cơ hội với doanh nghiệp đầu tư cổ phiếu

Trong năm qua, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận vẫn khả quan, thậm chí “lội ngược dòng” nhờ đầu tư chứng khoán và hoạt động này đang được một số doanh nghiệp duy trì..>> Chi tiết

- Các quốc gia thành viên IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu

Tất cả 31 quốc gia thành viên đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược để phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới các thị trường dầu rằng sẽ không có tình trạng thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục