Thị trường tài chính 24h: Giá vàng tiếp tục thu hẹp chênh lệnh mua bán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm về gần 850 điểm; Covid-19 tái bùng phát vẽ lại bản kế hoạch lợi nhuận ngân hàng; Đu theo đám đông hay đãi cát tìm vàng?; Mùa soát xét bán niên: Lộ diện những báo cáo “không sạch”; Giá vàng và USD giảm, tiền có chọn chứng khoán?; Chứng khoán châu Á vẫn giao dịch thận trọng; Chứng khoán Hồng Kông trước “bài test” áp lực...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Giá vàng tiếp tục thu hẹp chênh lệnh mua bán

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/8 tăng 1,79 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,17 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm mạnh 540.000 đồng/lượng chiều mua vào và 60.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 54,43– 56,91 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 38,9 USD lên 1.952,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng leo lên gần 1.960 USD/ounce trước khi hạ nhiệt về quanh 1.947 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York giảm 12,6 USD xuống 1.946,7 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,08% xuống 93,26 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 đồng, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,31 USD (-0,73%), xuống 41,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,30 USD (-0,67%), xuống 44,66 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu về cuối phiên

Dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng thị trường nhanh chóng trở lại, nhưng ngay khi thử chạm 860 điểm, áp lực bán đã gia tăng khiến chỉ số dần thu hẹp biên độ.

Bước sang phiên chiều, thị trường tiếp tục phân hóa khiến VN-Index giao dịch giằng co nhẹ, nhưng áp lực bán trên diện rộng ở những phút cuối đã kéo chỉ số lùi xuống tham chiếu khi đóng cửa.

Nhiều mã lớn kém khởi sắc như VIC đảo chiều mất điểm, hay VCB -1,2%, BID -1,6%, CTG -1,1%, MSN -1,8%, HPG -1,6%....

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,44 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 246,72 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/8: VN-Index giảm 4,31 điểm (-0,5%), xuống 850,74 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,54%), xuống 116,23 điểm; UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,27%), xuống 56,71 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Theo dữ liệu mới công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước của Mỹ lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3 ở dưới mức 1 triệu đơn. Việc sụt giảm này theo giới phân tích, có thể một phần do gói cứu trợ 600 USD/tuần chấm dứt vào cuối tháng 7.

Dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ chỉ lấy lại được 9,3 triệu việc làm trong tổng số 22 triệu việc làm đã mất từ tháng 2 đến tháng 4. Tuy nhiên, phố Wall đã lấy lại hầu hết những gì đã mất, trong đó S&P 500 phiên thứ Tư chỉ còn cách mốc lịch sử xác lập hồi tháng 2/2020 chỉ 1 bước chân, còn Nasdaq thì liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Tuy nhiên, trong phiên thứ Năm, phố Wall đã điều chỉnh trở lại khi kỳ vọng về việc lưỡng đảng đạt được thỏa thuận gói kích thích kinh tế mới mờ nhạt dần.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Dow Jones giảm 80,12 điểm (-0,29%), xuống 27.896,72 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,92 điểm (-0,20%), xuống 3.373,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 30,26 điểm (+0,27%), lên 11.042,50 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản rung lắc và đóng cửa tăng nhẹ, khi giới đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát trước cuộc gặp Mỹ-Trung để bàn về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã kỳ hồi đầu năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,17% lên 23.289,36 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,05% xuống 1.623,28 điểm.

Với các yếu tố rủi ro như sự không chắc chắn về gói kích thích của Mỹ và sự gia tăng căng thẳng của Mỹ-Trung đã khiến các nhà đầu tư coi việc chốt lời một cách thận trọng hơn là mua đuổi giá.

Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là Oisix Ra Daichi, tăng 11,8% lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi truyền thông đưa tin, Công ty dịch vụ giao đồ ăn này sẽ liên kết với chuỗi nhà hàng Ootoya Holdings.

Chứng khoán Trung Quốc đi lên nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tiêu dùng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,19% lên 3.360,10 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,49% lên 4.704,63 điểm. Trong tuần, CSI300 giảm 0,1%, còn SSEC tăng 0,2%,

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số theo dõi ngành tiêu dùng tăng 1,9%. Chỉ số này đã tăng 43% trong năm nay.

Dữ liệu mới cho thấy, doanh số bán lẻ của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 7. Nhưng theo, Zhang Yi, nhà kinh tế trưởng tại Zhonghai Shengrong Capital Management cho biết, dữ liệu yếu làm tăng kỳ vọng rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn để giúp thúc đẩy tiêu dùng.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, nhưng đạt mức tăng hàng tuần hơn 2% nhờ sự phục hồi của cổ phiếu tiêu dùng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,19% xuống 25.183,01 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,21% lên 10.266,46 điểm.

Trong tuần, chỉ số Hang Seng tăng 2,7%, còn Hang Seng China Enterprises tăng 2%.

Trong tuần qua, cổ phiếu công nghệ đã chịu áp lực do căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng, với chỉ số công nghệ Hang Seng mới ra mắt giảm 4,7%.

Trong đó, Gã khổng lồ công nghệ Tencent đã giảm 0,7% hôm nay, giảm 8,8% trong tuần, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm WeChat và TikTok ở nước này.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm, do sức ép doanh số bán lẻ của Trung Quốc chậm chạp, trong khi nghi ngờ ngày càng tăng về một đợt kích thích khác của Mỹ đè nặng lên tâm lý giới đầu tư.

Kết thúc phiên 14/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 39,75 điểm (+0,17%), lên 23.289,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 39,37 điểm (+1,19%), lên 3.360,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 47,66 điểm (-0,19%), xuống 25.183,01 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 30,14 điểm (-1,23%), lên 2.407,49 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Covid-19 tái bùng phát vẽ lại bản kế hoạch lợi nhuận ngân hàng

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến các nhà băng phải tính lại kế hoạch lợi nhuận 2020 của mình..>> Chi tiết

Đu theo đám đông hay đãi cát tìm vàng?

Nếu mua vàng cuối tuần trước ở giá 62 triệu đồng/lượng thì sang giữa tuần này, nhà đầu tư bị lỗ ngay 20%..>> Chi tiết

- Mùa soát xét bán niên: Lộ diện những báo cáo “không sạch”

Báo cáo tài chính bán niên soát xét sẽ giúp nhà đầu tư có góc nhìn đầy đủ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2020..>> Chi tiết

Giá vàng và USD giảm, tiền có chọn chứng khoán?

Thời gian qua, thị trường tài chính thế giới không theo quy luật khi cả vàng, USD, trái phiếu và cổ phiếu đều thu hút dòng tiền. Với động thái vàng và USD đảo chiều gần đây, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ có thêm nguồn tiền mới..>> Chi tiết

Chứng khoán Hồng Kông trước “bài test” áp lực

Thị trường chứng khoán Hồng Kông đang chứng kiến ngày càng nhiều “đá tảng” đè nặng trên vai khi chịu áp lực từ những xung đột leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục