Thị trường tài chính 24h: Giá vàng thế giới lại vọt lên trên 2.000 USD/ounce

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng lãi lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối, vàng đóng góp phần không nhỏ; Sắc thái mới của cuộc đua lãi suất margin;  Soát xét bán niên, thêm những báo cáo có vấn đề;  Khó chồng khó lên doanh nghiệp xuất khẩu; Nghịch lý thế giới liên tục phá đỉnh, chứng khoán Đông Nam Á bị bỏ quên...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Giá vàng thế giới lại vọt lên trên 2.000 USD/ounce

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/8 tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,50 – 58,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 38,8 USD lên 1.983,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và có thời điểm chạm gần 2.010 USD/ounce trước khi giảm nhẹ về gần 2.000 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 17,6 USD lên 2.004,3 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,34% xuống 92,53 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.209 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,09 USD (-0,21%), xuống 42,80 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,03 USD (-0,07%), xuống 45,34 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tiếp tục giảm

Trong phiên sáng, chỉ số tiếp tục giao dịch lình xình do sức cầu tại các bluechip yếu.

Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng tại một số mã đã đẩy chỉ số lùi về dưới tham chiếu, và khi chạm 845 điểm, chỉ số mới nảy trở lại, nhưng lại thêm một lần chỉ số bị đẩy trở lại trong đợt khớp lệnh ATC.

Các bluechip đa số giảm, nhưng cũng như phiên sáng, khi biên độ chỉ ở mức thấp, giảm nhiều nhất cũng chỉ có BVH -2%; SAB -1,7%l VRE -1,5%; VIC -1,4%; VNM -1,2%; CTG -1,3%... Tăng điểm tích cực nhất là SBT +2,2%

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 7,78 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 289,33 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/8:  VN-Index giảm 3,72 điểm (-0,44%), xuống 846,43 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,16%), xuống 117,02 điểm; UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,39%), lên 57,09 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Phố Wall tiếp tục có phiên giao dịch trái chiều trong ngày đầu tuần mới, nhưng diễn biến trái ngược với phiên cuối tuần qua.

Theo đó, Dow Jones đảo chiều giảm nhẹ do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghiệp và tài chính, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ với sự dẫn dắt của hãng sản xuất chip Nvidia đã kéo Nasdaq vượt qua đỉnh lịch sử, trong khi S&P cũng tiến tới gần mốc đỉnh cao lịch sử của mình thiết lập hôm 19/2/2020. 

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones giảm 86,11 điểm (-0,31%), xuống 27.844,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,14 điểm (+0,27%), lên 3.381,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,42 điểm (+1,00%), lên 11.129,73 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm do đồng yên tăng giá và các báo cáo kém khả quan từ ngành hàng không, ngân hàng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,2% xuống 23.051,08 điểm. Chỉ số Topix rộng tăng nhẹ 0,06% lên 1.610,85 điểm.

Mùa báo cáo thu nhập đã kết thúc và các nhà phân tích tại Okasan Securities cho biết, lợi nhuận ròng của các công ty Nhật Bản niêm yết đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có các công ty dược và thực phẩm kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc tháng 3 năm tới.

Cổ phiếu hãng hàng không đã giảm 1,7% sau khi báo cáo lưu lượng hành khách yếu trong kỳ nghỉ lễ “Obon” vào đầu tháng này do sự gia tăng cố ca nhiễm Covid-19.

Các ngân hàng đã giảm 1% khi lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm, trong khi đồng yên tăng so với đồng USD đã ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô với Mazda Motor giảm 2,3%, trong khi nhà sản xuất phụ tùng Denso giảm 2,2%.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co, nhưng bật lên trên tham chiếu nhờ sự tăng giá của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,36% lên 3.451,09 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,05% xuống 4.812,76 điểm.

Dẫn đầu về mức tăng là chỉ số thực phẩm tiêu dùng tăng 0,9%, và tính chung từ đầu năm chỉ số này đã tăng 46%, trong khi chỉ số chăm sóc sức khỏe CSI300 tăng 1,4% khi các nhà đầu tư hoan nghênh tiến độ phát triển vắc xin Covid-19.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng, , mặc dù mức tăng đã bị hạn chế bởi căng thẳng Trung-Mỹ dai dẳng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,08% lên 25.367,38 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,38% lên 10.425,42 điểm.

Đóng góp lớn là chỉ mục theo dõi ngành CNTT tăng 3,3% và tiêu dùng tăng 1,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm sâu sau ngày nghỉ lễ hôm qua, do lo lắng về sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 trong nước.

Hàn Quốc báo cáo số ca nhiễm Covi-19 mới tăng ba con số trong ngày thứ 5 liên tiếp, và các nhà chức trách cách ly hơn 3.000 tín đồ Tin lành liên quan tới nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul. Hàn Quốc đã báo cáo có tổng cộng 15.761 ca nhiễm Covid-19 và 306 ca tử vong.

Kết thúc phiên 18/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 45,67 điểm (-0,20%), xuống 23.051,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,29 điểm (+0,36%), lên 3.451,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 20,04 điểm (+0,08%), lên 25.367,38 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 59,25 điểm (-2,46%), xuống 2.348,24 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng lãi lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối, vàng đóng góp phần không nhỏ

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cũng được xem là một trong những nguồn thu phi tín dụng bù đắp cho lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động chính sụt giảm..>> Chi tiết

Sắc thái mới của cuộc đua lãi suất margin

Sau thời gian đầu bị khối công ty chứng khoán ngoại lất lướt trong mảng cho vay giao dịch ký quỹ (margin), gần đây nhiều công ty nội đã sáng tạo, đổi mới sản phẩm này..>> Chi tiết

Soát xét bán niên, thêm những báo cáo có vấn đề

Tính đến ngày 14/8, đã có hơn 500 doanh nghiệp đại chúng trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính bán niên 2020 trên cổng thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước..>> Chi tiết

Khó chồng khó lên doanh nghiệp xuất khẩu

Xu hướng USD giảm giá nếu tiếp diễn sẽ gây nên những thách thức không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ..>> Chi tiết

Nghịch lý thế giới liên tục phá đỉnh, chứng khoán Đông Nam Á bị bỏ quên

Trong khi thị trường quốc tế ủng hộ cổ phiếu công nghệ để tạo ra sự phục hồi đáng kinh ngạc, thì các nhà đầu tư cổ phiếu ở Đông Nam Á lại chứng tỏ mình là những khán giả..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục