Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 10/2 tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chưa có biến động nào ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán ra, hiện đứng ở mức 88,30 – 91,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 4,7 USD lên mức 2.860,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng tốc và lên trên 2.900 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,18 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.487 đồng/USD, tăng 25 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.200 – 25.560 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 96.200 USD lên 96.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục rung lắc, trước khi chạm gần 98.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,52 USD (+0,73%), lên 71,52 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,53 USD (+0,71%), lên 75,18 USD/thùng.
VN-Index giảm gần 12 điểm
Áp lực bán xuất hiện ngay khi mở cửa bởi tâm lý nhà đầu tư chốt lời sau diễn biến tăng liên tiếp 4 phiên khiến VN-Index nhanh chóng giảm về dưới mốc 1.270 điểm khi kết phiên sáng.
Sau giờ nghỉ trưa, bên bán dần tỏ ra mất kiên nhẫn đã khiến sắc đỏ ngày càng lan rộng hơn trên bảng điện tử. Tuy nhiên, điểm tích cực chính là dòng tiền tiếp tục cải thiện đã giúp các cổ phiếu không đi quá xa, ghi nhận đóng cửa mất gần 12 điểm.
Đáng chú ý là thanh khoản tăng vọt, lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng, với điểm đến tập trung chủ yếu là các mã trong bộ ba bank – chứng – thép.
Kết thúc phiên giao dịch 10/2: VN-Index giảm 11,94 điểm (-0,94%) xuống 1.263,26 điểm; HNX-Index giảm 1,52 điểm (-0,66%) xuống 227,97 điểm; UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-0,62%), xuống 96,63 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (7/2), khi các tin tức liên quan đến thuế quan khiến thị trường thận trọng.
Phố Wall biến động khá mạnh, sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang lên kế hoạch áp thuế quan đối ứng đối với các đối tác thương mại. Điều này có nghĩa là tăng mức thuế quan trên diện rộng lên bằng với mức thuế áp dụng cho Mỹ.
Trong tuần, Dow Jones giảm 0,54%, chỉ số S&P 500 giảm 0,24% và Nasdaq mất 0,53%.
Kết thúc phiên 7/2: Chỉ số Dow Jones giảm 444,23 điểm (-0,99%), xuống 44.303,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 57,58 điểm (-0,95%), xuống 6.025,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 268,59 điểm (-1,36%), xuống 19.523,40 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng nhẹ, trong bối cảnh giao dịch thận trọng các rủi ro thuế quan mới của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,04% lên 38.801,17 điểm. Chỉ số giảm 0,15% xuống 2.733,01 điểm.
Cổ phiếu các nhà sản xuất thép giảm nhẹ, với Nippon Steel mất 0,54% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế mới 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
“Tin tức này là tiêu cực đối với các công ty xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, nhưng những mức thuế đó cũng được thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump nên yếu tố bất ngờ không còn và thị trường phản ứng khá nhẹ nhàng”, Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Asset Management Nhật Bản cho biết.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ sự lạc quan xung quanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đứng vững sau khi Mỹ tuyên bố áp thêm thuế với thép và nhôm nhập khẩu.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,56% lên 3.322,17 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,21% lên 3.901,06 điểm.
Các cổ phiếu tăng đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ như Sichuan Changhong tăng 10%, iSoftStone tăng 6,1% và Cambricon Technologies tăng gần 9%.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm dấu hiệu kích thích mới từ Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào nước này.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,84% lên 21.521,98 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,09% lên 7.946,81 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc thu hẹp đà giảm, khi thị trường không quá căng thẳng với áp lực thuế quan mới từ Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,65 điểm, tương đương 0,03% xuống 2.521,27 điểm.
Hôm thứ Hai, ông Trump đã công bố mức thuế bổ sung 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu để bổ sung thuế hiện có.
Các nhà sản xuất thép đều giảm, nhưng đà giảm được thu hẹp, với Posco Holdings giảm 0,84%, Hyundai Steel giảm 203 và Kẽm Hàn Quốc giảm 3%.
Trong khi đó, quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã chỉ đạo các quan chức theo dõi tác động của các chính sách của Mỹ đối với nền kinh tế trong nước và thị trường tài chính.
Kết thúc phiên 10/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 14,15 điểm (+0,04%), lên 38.801,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,50 điểm (+0,56%), lên 3.322,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 388,44 điểm (+1,84%), lên 21.521,98 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 0,65 điểm (-0,03%), xuống 2.521,27 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Dư nợ tăng mạnh ngay từ đầu năm
Dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 3,4% trong quý I/2025, cao hơn hai lần so với mức tăng trưởng cùng giai đoạn năm 2024..>> Chi tiết
- Sự “chạy đua” cần thiết
Ghé qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) những ngày đầu năm sau Tết Ất Tỵ, không khí làm việc đã rất khẩn trương, 6-7h tối nhiều phòng làm việc vẫn sáng đèn..>> Chi tiết
- Cần thêm thời gian tích lũy
Thị trường chứng khoán dường như cần thêm thời gian để tái cân bằng, dù đang có sự vận động tích cực hơn..>> Chi tiết
- Dòng tiền nhập cuộc
Tuần qua, dòng tiền bắt đầu nhập cuộc trở lại, nhưng có sự phân hóa và dịch chuyển liên tục..>> Chi tiết
- Thị trường tài chính nhấp nhổm trước ván cược thuế quan
Thế giới đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại toàn diện khi Mỹ khởi động làn sóng thuế quan mới với 3 đối tác lớn. Các nền kinh tế chủ chốt ngay lập tức có động thái đáp trả, đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào tình trạng bất ổn và đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế..>> Chi tiết