Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 2/4 tăng 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000/lượng, hiện đứng ở mức 79,30 – 81,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 18,6 USD lên 2.251,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng mạnh lên gần 2.270 USD, trước khi lùi về gần 2.260 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,97 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 đồng/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.710 – 25.050 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giảm mạnh từ mức 70.500 USD xuống 68.600 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng giảm và lùi về 66.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD (+1,96%), lên 85,35 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,57 USD (+1,80%), lên 88,99 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng điểm
Sau phiên giao dịch buổi sáng khá tiêu cực, thị trường đã tích cực hơn ngay khi phiên chiều trở lại.
Theo đó, lực cầu bắt đáy túc tắc hoạt động và đáng ghi nhận là lan tỏa trên diện rộng, giúp bảng điện tử cân bằng đã thúc đẩy VN-Index hồi phục lên trên tham chiếu và đóng cửa trong sắc xanh.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 16,25 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 575,39 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 2/4: VN-Index tăng 5,52 điểm (+0,43%), lên 1.287,04 điểm; HNX-Index tăng 3,01 điểm (+1,24%), lên 245,9 điểm; UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,08%), lên 91,4 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Hai (1/4), khi dữ liệu sản xuất mạnh hơn dự kiến hỗ trợ lợi suất trái phiếu kho bạc và làm giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 của Fed.
Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 3 của Mỹ đã tăng lên trên 50 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022 và nhích từ mức 47,8 trong tháng trước đó.
"Chỉ số sản xuất khiến mọi người ngạc nhiên khi chuyển sang vùng tăng trưởng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022. Thị trường cho rằng, điều này làm giảm cơ hội cắt giảm lãi suất của Fed”, James Knightley, nhà kinh tế trưởng quốc tế tại ING cho biết.
Kết thúc phiên 1/4: Chỉ số Dow Jones giảm 240,52 điểm (-0,60%), xuống 39.566,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,58 điểm (-0,20%), xuống 5.243,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 17,37 điểm (+0,11%), lên 16.369,83 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản hạ nhiệt về cuối phiên và chỉ còn tăng nhẹ, khi giới đầu tư thận trọng trước rủi ro can thiệp tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,09% lên 39.838,91 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,25% xuống 2.714,45 điểm.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết hôm thứ Ba rằng các nhà chức trách đã sẵn sàng thực hiện hành động thích hợp chống lại sự biến động quá mức của thị trường tiền tệ, mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào khi đồng yên có đợt sụt giảm gần đây về mức thấp nhất trong 34 năm.
Sự suy yếu của đồng yên, làm tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu, nhưng cũng là con dao hai lưỡi khi nguy cơ can thiệp tiền tệ đè nặng lên chỉ số chung, Masahiro Ichikawa, chiến lược gia thị trường trưởng tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.
"Nếu đồng yên tăng giá nhanh chóng do sự can thiệp, có khả năng cao là Nikkei 255 có thể điều chỉnh. Điều đó đã tạo ra một "cảm giác thận trọng cao độ", có thể khiến chỉ số khó giữ trong phạm vi 40.000 điểm vào lúc này, Ichikawa nói.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi tâm lý giới đầu tư vẫn thận trọng về dữ liệu hoạt động sản xuất có sự tiến triển được thông báo vào ngày trước đó.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,08% xuống 3.074,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,42% xuống 3.580,68 điểm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, mặc dù nhà phát triển bất động sản China Vanke giảm hơn 10%.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,36% lên 16.931,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,58% lên 5.960,72 điểm.
Gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi Corp đã dẫn đầu mức và có thời điểm tăng 16%, trước khi đóng cửa tăng 9%, sau khi chiếc xe điện đầu tiên của họ thu hút nhu cầu mạnh mẽ.
Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của China Vanke có lúc đã giảm 11,4%, sau báo cáo vào tuần trước về mức giảm đáng chú ý 50,6% trong lợi nhuận cốt lõi năm 2023 và không chi trả cổ tức. Trung Quốc đã thực hiện một can thiệp hiếm hoi vào tháng Ba để yêu cầu các ngân hàng cung cấp hỗ trợ tài chính cho Vanke.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ khi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng trong tháng 3 tăng như dự báo.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,3 điểm, tương đương 0,19% lên 2.753,16 điểm.
Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 2/4 công bố báo cáo "Xu hướng giá tiêu dùng tháng 3/2024".
Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng đạt 113,94 điểm (so với mức chuẩn 100 điểm năm 2020), tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng theo cách tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng 2,4%.
Kết thúc phiên 2/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,82 điểm (+0,09%), lên 39.838,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,42 điểm (-0,08%), xuống 3.074,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 390,10 điểm (+2,36%), lên 16.931,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 5,30 điểm (+0,19%), lên 2.753,16 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng có dấu hiệu cải thiện
Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt 0,26% - trong khi 7 ngày trước đó vẫn giảm 0,33% và sự cải thiện còn rõ nét hơn nếu so với mức giảm 0,72% vào cuối tháng 1/2024..>> Chi tiết
- Quản lý tài sản: Tiềm năng bứt phá
Dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn khi đang có các nền tảng tích cực. Quy mô thị trường này được dự báo sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027..>> Chi tiết
- "Làm mới" quỹ ETF
Tại Việt Nam, loại hình quỹ ETF đang phát triển mạnh, nhưng trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động, cần có thêm các quỹ mới với chiến lược đa dạng để đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước..>> Chi tiết
- Đợt tăng lãi suất tiếp theo của BOJ có thể diễn ra vào tháng 10
Theo một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nổi tiếng và là một trong những chuyên gia lạm phát hàng đầu Nhật Bản, BOJ có thể sẽ mất thời gian trước khi tăng lãi suất tiếp theo, và tháng 10 có thể là thời điểm sớm nhất họ có thể thực hiện động thái tiếp theo..>> Chi tiết