Thị trường tài chính 24h: Đuối sức

(ĐTCK) VN-Index điều chỉnh sau 6 phiên tăng liên tiếp; Trích lập dự phòng rủi ro còn tăng mạnh; Chất “xúc tác” thúc thị trường chứng khoán 2019; Điểm danh các doanh nghiệp địa ốc sắp lên sàn “kiếm vốn“; Công bố thông tin, doanh nghiệp còn bối rối; Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm;  Mỹ 'khai tử' thương hiệu Merrill Lynch trong mảng ngân hàng đầu tư...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Shutterstock.
VN-Index điều chỉnh

Trong phiên sáng, áp lực chốt lời đã xuất hiện  từ sớm và tập trung tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index theo đó chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu.

Bước vào phiên chiều, VN-Index tiếp tục lùi sâu khi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, nhờ cầu bắt đáy hoạt động khá tích cực, nhất là tại các thời điểm VN-Index giảm mạnh, nên phần nào hạn chế bớt đà giảm của chỉ số.

10 mã vốn hóa lớn nhất HOSE có tới 8 mã giảm điểm. VNM mất 3,6% về 146.100 đồng. MSN và GAS cùng giảm 1,3% về tương ứng 90.000 đồng và 97.900 đồng.

VIC và VHM cũng chịu áp lực khá lớn, song nhờ sức cầu tốt nên VHM đã về được tham chiếu 92.000 đồng, còn VIC giảm 0,7% về 115.500 đồng. VRE thậm chí vẫn tăng 1,8% lên 34.500 đồng.

Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí... cũng đồng loạt giảm điểm. CTG là mã ngân hàng hiếm hoi còn tăng điểm nhẹ +0,2% lên 21.350 đồng.

Dòng tiền có dấu hiệu chuyển hướng khi có hơn phân nửa trong số 20 cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. AMD, FLC và HAG có lượng khớp nhiều nhất, trong đó AMD giảm 5,8% về 2.44 đồng, FLC tăng 1,3% lên 5.410 đồng và HAG tăng 2,9% lên 5.660 đồng.

Đáng chú ý, LCG và HVG cùng tăng trần lên 9.840 đồng và 6.070 đồng, thanh khoản mạnh khi khớp được 4,96 triệu và 2,95 triệu đơn vị.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 3,43 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 53,16 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 26,55 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 566,61 tỷ đồng.
Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 185.880 đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 9,86 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/2: VN-Index giảm 7,37 điểm (-0,74%), xuống 987,06 điểm; HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 107,66 điểm; UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) về 55,58 điểm.
Chứng khoán Mỹ 

Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông sẽ hoãn việc tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, dự kiến được áp đặt vào ngày 1/3, viện dẫn "những tiến triển đáng kể" trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong cuối tuần này.

Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ lên kế hoạch một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida nhằm ký kết một thỏa thuận khi cho rằng cả hai bên đều đạt được tiến triển.

Thông tin trên cho thấy, nhiều khả năng Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài 7 tháng qua và giúp phố Wall tăng khá tốt ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới.

Tuy nhiên, đà tăng của cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều hạ nhiệt sau đó khi nhà đầu tư trở nên thận trọng do phố Wall đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng 8 tuần liên tiếp trước đó nhờ kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại này, cũng như thái độ mềm mỏng hơn của Fed với kế hoạch tăng lãi suất.

Ngoài ra, dự báo về kết quả kinh doanh không mấy khả quan của các doanh nghiệp, cùng với phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Thượng viện Mỹ vào thứ Ba cũng khiến giới đầu tư thận trọng.

Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Dow Jones tăng 60,14 điểm (+0,23%), lên 26.091,95 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,44 điểm (+0,12%), lên 2.796,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 26,92 điểm (+0,36%), lên 7.554,46 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ do áp lực bán trước thời điểm cuối năm tài chính vào tháng 3 của các doanh nghiệp niêm yết.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,37% xuống 21.449,39 điểm. Topix giảm 0,23% xuống 1.617,20 điểm.

"Vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được xoa dịu và hy vọng về chính sách ôn hòa của Fed đã giúp ích cho chứng khoán Nhật Bản gần đây, nhưng đây chủ yếu là các yếu tố bên ngoài, không phải là nội tại bên trong.

Nhà đầu tư hiện vẫn đang quan tâm đến những ngày cuối cùng của năm tài chính của các doanh nghiệp Nhật, và cũng là thời điểm sẽ báo cáo kết quả kinh doanh cả năm, và sự thận trọng đã khiến chỉ số suy yếu phiên hôm nay", Hayashi Hiroki, chiến lược gia trưởng của Monex Securities cho biết.

Tuy nhiên phiên hôm nay, các cổ phiếu xuất khẩu vẫn tăng sau sự suy yếu gần đây của đồng yên so với đồng USD với Mazda Motor Corp tăng 0,3%, Honda Motor Co tăng 0,1% và Nissan Motor Co tăng 0,5%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu phòng thủ như tiện ích và y tế cũng giao dịch tích cực với Tokyo Electric Power Co tăng 1,1% và Daiichi Sankyo Co tăng 2,7%.

Đáng chú ý, Izutsuya Co đã tăng 11% sau khi tăng dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm tính đến cuối tháng 2/2019 lên 1,3 tỷ yên từ 1,1 tỷ yên trước đó.

Ngược lại, Inpex Corp giảm 3,8%, cùng Showa Shell Sekiyu KK Cosmo Energy Holdings Co lần lượt giảm 2% và 2,3%, sau khi giá dầu thô giảm mạnh.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi một số nhà đầu tư chốt lãi cho cổ phiếu tài chính lớn, đặt cược việc thị trường tăng đột biến gần đây là không bền vững.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,67% xuống 2.941,52 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,2% xuống 3.684,69 điểm.

Sau một năm thoái trào vào năm 2018, chứng khoán Trung Quốc đã tăng khoảng 20% từ đầu năm nay, do sự kết hợp của các yếu tố bao gồm tiến trình đàm phán thương mại Trung-Mỹ có tiến triển và Bắc Kinh nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế và dòng tiền nước ngoài.

Hoạt động cho vay Margin tại các công ty môi giới đã tăng đều đặn trong tháng này, trong khi các nhà đầu tư cũng đã vay tiền trên thị trường tín dụng đen để mua cổ phiếu, điều này đã gây ra sự chú ý của các nhà quản lý.

Do đó, và cuối ngày hôm qua, cơ quan giám sát chứng khoán Trung Quốc đã thúc giục việc giám sát chặt chẽ hơn về giao dịch chứng khoán bất thường,

Bên cạnh đó, các công ty tài chính, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng, đã dẫn đầu sự sụt giảm ra sau khi Bắc Kinh lệnh cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm tăng cường cho vay đối với các công ty tư nhân, vốn được coi là rủi ro tín dụng cao.

Một chỉ số phụ theo dõi các ngân hàng lớn tại Trung Quốc theo đó giảm 2,3%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm cùng với đà điều chỉnh chung từ nhiều thị trường châu Á khác

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,7% xuống 28.772,06 điểm. Chỉ số  Hang Seng China Enterprises mất 0,8% xuống 11.543,95 điểm.

Hầu hết các ngành đều giảm giảm, trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản lần lượt mất 1% và 0,7%.

Các nhà phân tích của JPMorgan kêu gọi các nhà đầu tư "kiềm chế phần nào sự nhiệt tình” đối với các cuộc đàm phán thương mại, nói rằng việc ông Trump sẽ dời hạn chót ngày 1/3 đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc là điều chưa chính thức.

Kết thúc phiên 26/2: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 78,84 điểm (-0,37%), xuống 21.449,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng giảm 19,77 điểm (-0,67%), xuống 2.941,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 187,24 điểm (-0,65%), xuống 28.772,06 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.265 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,86 - 37,08 triệu đồng/lượng, giảm 10.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.910 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.160 - 23.265 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
Trích lập dự phòng rủi ro còn tăng mạnh

Dự phòng rủi ro nợ xấu tăng mạnh, câu chuyện ở nhiều ngân hàng trong năm 2018, có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2019..>> Chi tiết

Chất “xúc tác” thúc thị trường chứng khoán 2019

Việt Nam đã vượt qua Thái Lan khi được chọn là điểm đến của cuộc đàm phán thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Sự kiện quan trọng trên hứa hẹn nâng tầm vị thế của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, du dịch, dịch vụ..>> Chi tiết

Điểm danh các doanh nghiệp địa ốc sắp lên sàn “kiếm vốn“

Với việc ngân hàng siết chặt hơn cửa vay vốn, nguồn vốn huy động từ khách hàng không dễ, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tính toán việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với mong muốn có cơ hội huy động vốn dài hạn, giá rẻ..>> Chi tiết

Công bố thông tin, doanh nghiệp còn bối rối

Trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn, nhưng minh bạch thông tin còn hạn chế và rủi ro tiềm ẩn từ quản trị công ty có thể ảnh hưởng đến mức độ ổn định của vốn đầu tư vào thị trường..>> Chi tiết

Mỹ 'khai tử' thương hiệu Merrill Lynch trong mảng ngân hàng đầu tư

Ngân hàng Bank of America cho biết sẽ không còn sử dụng tên Merrill Lynch cho hoạt động ngân hàng đầu tư, giao dịch và một số lĩnh vực kinh doanh khác của ngân hàng này..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục