Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chảy mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên nhảy vọt; Cổ phiếu ngân hàng: Cơ hội từ câu chuyện tăng vốn; Công ty tài chính xoay giữa đại dịch; Điểm tên doanh nghiệp lãi cao; “Vàng trắng” tăng giá, doanh nghiệp cao su lãi lớn; Chứng khoán châu Á lại bị bán mạnh….là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.    
Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền chảy mạnh

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/7 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,7- – 57,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 20,4 USD lên 1.827,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và leo lên ngưỡng 1.830 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,08% lên 91,93 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.212 đồng/USD, giảm 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.850 - 23.050 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,33 USD (-0,45%), xuống 73,29 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,20 USD (-0,26%), xuống 75,85 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm giằng co nhẹ dưới ngay sát 40.000 USD/BTC đã bất ngờ có nhịp giảm mạnh về gần 38.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

Thanh khoản cải thiện, VN-Index thêm một phiên tăng mạnh

Sự trở lại của các nhóm trụ cột bank, chứng khoán, thép đã dẫn dắt đà hồi phục của thị trường trong vài ngày gần đây và tiếp tục được thể hiện rõ nét trong phiên hôm nay, giúp VN-Index vượt mốc 1.310 điểm, lên trên đường MA20 sau 3 tuần.

Điều đáng chú ý, dòng tiền lớn đã nhập cuộc, giúp thanh khoản trên HOSE lần đầu tiên sau 2 tuần giá trị giao dịch vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng với các mã tăng tốt như LPB +6,3%, ACB +5,9%, VPB +5,7%, các mã CTG, MBB, TCB, MSB, EIB… đều tăng hơn 1%.

Một điểm nhấn khác là MSN, có thời điểm chạm mức giá trần, trước khi đóng cửa +4,9% sau thông tin khả quan về kết quả kinh doanh 6 tháng với chỉ tiêu lợi nhuận gấp hơn 8 lần cùng kỳ.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,5 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 501,48 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/7: VN-Index tăng 16,45 điểm (+1,27%), lên 1.310,05 điểm; HNX-Index tăng 3,88 điểm (+1,25%), lên 314,85 điểm; UpCoM-Index tăng 0,79 điểm (+0,92%), lên 86,93 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi sắc trong phiên thứ Năm (29/7), được thúc đẩy bởi mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ, và dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phục hồi về mức trước đại dịch trong quý II.

Bộ Thương mại Mỹ thông báo, nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,5% (tỷ lệ đã chuẩn hoá theo năm) trong quý II/2021. Dù tốc độ phục hồi sau "cú sốc" Covid-19 vẫn chậm hơn dự đoán 8,5% của giới phân tích kinh tế, song đây vẫn là mức tăng nhanh trưởng vững chắc.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 153,6 điểm (+0,44%), lên 35.084,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,51 điểm (+0,2%), lên 4.419,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,68 điểm (+0,11%), lên 14.778,26 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh, khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến, cùng một số kết quả kinh doanh đáng thất vọng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,8% xuống 27.283,59 điểm. Trong tháng 7 này, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 5,24%, mức giảm tệ kể từ tháng 3 năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 1,37% xuống 1.911,62 điểm, ghi nhận mức giảm 2,19% trong tháng.

Tình hình dịch bệnh thêm căng thẳng, sau khi Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất mở rộng tình trạng khẩn cấp đến hết ngày 31/8 đối với Tokyo và một số tỉnh khác, do các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng vọt lên mức cao kỷ lục.

Báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cũng khiến thị trường lùi bước với Sumitomo Dainippon Pharma Co giảm 10,77%, do lợi nhuận thấp hơn dự kiến, cổ phiếu Astellas Pharma giảm 8,81% sau khi báo cáo kết quả tài chính kém khả quan vào giữa trưa.

Nhà cung cấp JTEKT của tập đoàn Toyota giảm 8,91%, Fujitsu giảm 8,86% và Fuji Electric giảm 8,46%, tất cả đều sau khi báo cáo kết quả kinh doanh không như kỳ vọng vào cuối ngày thứ Năm.

Chứng khoán Trung QuốcHồng Kông tiếp đà lao dốc, với các chỉ số chính cho kết quả hoạt động trong tháng 7 tồi tệ nhất trong 3 năm, khi những lo ngại dai dẳng về các cuộc đàn áp của Bắc kinh gần đây với một số nhóm ngành quan trọng.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,42% xuống 3.397,36 điểm, và có tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2019.

Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,8% xuống 4.811,17 điểm và công bố mức giảm trong tháng 7 lớn nhất kể từ tháng 10/2018.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng-index giảm 1,35% xuống 25.961,03 điểm và có tháng 7 giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã bán tháo cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh cấm dạy thêm vì mục đích lợi nhuận đối với các môn học chính trong các trường học, sau các cuộc đàn áp hồi đầu năm đối với lĩnh vực công nghệ. Các động thái đã làm dấy lên những lo lắng về rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm và ghi nhận mức giảm trong một tháng tồi tệ nhất trong hơn một năm, do những lo lắng về cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc với các công ty công nghệ và đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 40,33 điểm, tương đương -1,24% xuống 3.202,32 điểm. Chỉ số này đã kết thúc tháng 7 giảm 2,86%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

Hàn Quốc báo cáo 1.710 trường hợp nhiễm mới Covid-19 trong ngày thứ Năm, chạm gần mức cao kỷ lục trong tuần này, ngay cả sau khi đã áp dụng các biện pháp giãn cách khắt khe nhất ở khu vực thủ đô Seoul và một số thành phố lân cận.

Kết thúc phiên 30/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 498,83 điểm (-1,80%), xuống 27.283,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,37 điểm (-0,42%), xuống 3.397,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 354,29 điểm (-1,35%), xuống 25.961,03 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 40,33 điểm (-1,24%), xuống 3.202,32 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cổ phiếu ngân hàng: Cơ hội từ câu chuyện tăng vốn

Ngân hàng lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng trưởng tín dụng và tăng tổng tài sản, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Đây cũng là động lực cho giá cổ phiếu ngân hàng được các chuyên gia khuyến nghị..>> Chi tiết

- Công ty tài chính xoay giữa đại dịch

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến các công ty tài chính hoạt động cầm chừng vì gặp khó khăn trong cho vay cũng như đòi nợ..>> Chi tiết

- Điểm tên doanh nghiệp lãi cao

Nhiều gam màu sáng đang dần thể hiện trên bức tranh kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2021, trong đó có những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đột biến..>> Chi tiết

- “Vàng trắng” tăng giá, doanh nghiệp cao su lãi lớn

Xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su tiếp tục ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch. Các doanh nghiệp đều tăng mạnh doanh thu nhờ xu hướng tăng giá..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ