Thị trường tài chính 24h: Đợi sóng ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích lên trên 1.500 điểm; Cảnh báo: Nhiều nhà đầu tư chứng khoán có thể bị chiếm quyền sử dụng tài khoản; Chờ sóng cổ phiếu vua; Doanh nghiệp dầu khí bừng sáng; Nội bộ EU chia rẽ vì kế hoạch cấm vận dầu và khí đốt từ Nga…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Đợi sóng ngân hàng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/3 tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,85 – 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 14,1 USD/ounce lên 1.936 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm nhanh và chỉ khi chạm 1.925 USD/ounce mới bật nhẹ lên gần 1.930 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,78 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.143 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.735 – 23.015 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 40.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã tăng vọt, có thời điểm vượt 43.000 USD, trước khi lùi về gần 42.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,52 USD (-1,36%), xuống 110,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,66 USD (-0,57%), xuống 114,96 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tiếp tục tăng

Tâm lý hào hứng tiếp tục được duy trì sau phiên tăng mạnh trước đó, dòng tiền hoạt động tích cực ở hầu hết các nhóm ngành, giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm.

Trong phiên chiều, sự hứng khởi tiếp tục được duy trì và dòng tiền mở rộng hơn ra các nhóm ngành phân bón, hóa chất, than… Tuy nhiên, vùng 1.510 điểm đang là vùng kháng cự mạnh, nên áp lực chốt lời diễn ra, khiến chỉ số này chưa thể vượt qua ngưỡng này khi đóng cửa.

Điểm nhấn là nhóm vừa và nhỏ, trong đó đáng kể là HAG nổi sóng tăng kịch trần lên 13.150 đồng, khớp lệnh hơn 45 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường.

CII cũng duy trì mức giá trần 34.150 đồng và khớp 16,75 triệu đơn vị, tương tự là NBB với sắc tím ở mức giá 35.300 đồng và khớp 4,17 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,15 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 545,13 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/3: VN-Index tăng 8,83 điểm (+0,59%), lên 1.503,78 điểm; HNX-Index tăng 3,06 điểm (+0,67%), lên 461,35 điểm; UPCoM-Index tăng 0,62 điểm (+0,54%), lên 116,8 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall đảo chiều giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai (21/3), sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell ám chỉ về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo trước đây.

Theo đó, Fed phải hành động "khẩn trương" để chống lại lạm phát đang tăng nhanh, ông Powell phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia và nói thêm rằng các đợt tăng lãi suất cao hơn bình thường có thể được triển khai nếu cần. Phát biểu của ông Powell chỉ sau chưa đầy một tuần Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Phố Wall phiên này cũng trở nên thận trọng hơn, với giao tranh bùng phát ở Ukraine khi các nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột dường như không đạt được tiến triển nào.

Giá dầu thô tiếp tục tăng vọt lên trên 115 USD/thùng khi EU cân nhắc tham gia với Mỹ trong việc cấm vận dầu của Nga, điều này làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Dow Jones giảm 201,94 điểm (-0,58%), xuống 34.552,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,94 điểm (-0,04%), xuống 4.461,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 55,38 điểm (-0,40%), xuống 13.838,46 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ sáu liên tiếp, chuỗi tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, khi giá dầu tăng trở lại đã nâng đỡ nhóm cổ phiếu năng lượng, trong khi nhóm tài chính cũng khởi sắc nhờ lợi suất trái phiếu toàn cầu đi lên.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,48% lên 27.224,11 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,28% lên 1.933,74 điểm.

Các công ty khai thác dầu dẫn đầu đà tăng hôm nay với mức tăng 8,21%, theo sau là lĩnh vực bảo hiểm, tăng 4,74% nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, ngành ngân hàng tăng 3,33%.

Công ty dầu khí Inpex là cổ phiếu tăng tốt nhất trên chỉ số Nikkei 225, tăng 8,63%. Cổ phiếu Mitsubishi Corp, công ty tham gia vào nhiều vào lĩnh vực năng lượng tăng 6,89%, theo sau là Mitsui & Co, tăng 6,32%.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhẹ quanh tham chiếu, khi các nhà đầu tư thận trọng trước bình luận diều hâu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong khi tâm lý thị trường chờ các nhà hoạch định chính sách trong nước thực hiện các biện pháp nới lỏng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,18% lên 3.259,86 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,08% xuống 4,255,30 điểm.

Thị trường ít phản ứng với thông tin Trung Quốc sẽ cung cấp gần 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (157 tỷ USD) tiền hoàn thuế cho các công ty nhỏ trong nước để củng cố sự ổn định nền kinh tế, truyền thông nhà nước CCTV dẫn lời một cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì.

Cổ phiếu của China Eastern Airlines niêm yết giảm 6,15%, trong khi ở Hồng Kông giảm 3,6%, sau khi một chiếc Boeing 737-800 do công ty vận hành với 132 người trên khoang bị rơi ở miền nam Trung Quốc hôm thứ Hai.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, nhờ hiệu ứng của Alibaba, khi gã khổng lồ thương mại điện tử này lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 3,15% lên 21.889,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 4,06% lên 7.538,55 điểm.

Phiên này, cổ phiếu Tập đoàn Alibaba tăng 11,2% và là công ty đóng góp điểm chỉ số lớn nhất cho điểm chuẩn Hang Seng.

Alibaba thông báo, nâng cấp chương trình mua lại cổ phiếu lên tới 25 tỷ USD, kế hoạch mua lại lớn nhất từ ​​trước đến nay để hỗ trợ lượng cổ phiếu bị sụt giảm gần đây do ảnh hưởng của các quy định khắt khe từ Trung Quốc và những lo ngại về việc tăng trưởng chậm lại của Tập đoàn.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà đầu tư bỏ qua những nhận xét diều hâu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về điều hành lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,95 điểm, tương đương 0,89% lên 2.710,00 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 0,57% và 1,23%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,98%.

Kết thúc phiên 22/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 396,68 điểm (+1,48%), lên 27.224,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,81 điểm (+0,19%), lên 3.259,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 667,94 điểm (+3,15%), lên 21.889,28 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,95 điểm (+0,89%), lên 2.710,00 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cảnh báo: Nhiều nhà đầu tư chứng khoán có thể bị chiếm quyền sử dụng tài khoản giao dịch

Ngày 21/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát đi thông tin cảnh báo về khả năng các công ty chứng khoán bị đánh cắp thông khách hàng..>> Chi tiết

- Chờ sóng cổ phiếu vua

Dù có những e ngại nhất định về việc dội cung khi ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng không ít nhà đầu tư đang gom hàng với niềm tin ngành này sẽ có sóng..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp dầu khí bừng sáng

Khi giá dầu neo cao trên 90 USD/thùng, ngành dầu khí được coi trở lại thời hoàng kim, tức khả năng lợi nhuận đột phá ở nhiều doanh nghiệp có thể trở lại..>> Chi tiết

- Nội bộ EU chia rẽ vì kế hoạch cấm vận dầu và khí đốt từ Nga

Yêu cầu từ các nước Ba Lan và các quốc gia Baltic về việc Liên minh châu Âu cần ngay lập tức cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga hay chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga đã không nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục