Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/11 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 58,60 – 59,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 6 USD lên 1.824 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chủ yếu giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 93,91 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.109 đồng/USD, giảm 14 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.560 – 22.760 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,50 USD (+0,61%), lên 82,43 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,40 USD (+0,48%), lên 83,83 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 67.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên trên 68.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.
Chứng khoán trong nước
VN-Index điều chỉnh nhẹ
Sau phiên sáng nhích nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với lực bán dâng cao bất ngờ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, VCB và BID, đã khiến VN-thủng 1.460 điểm, nhưng đã thu hẹp đà giảm và trở lại ngưỡng trên trong phiên ATC.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hoạt động tốt, với HAG đã trở lại mức giá trần +6,8%, khớp lệnh vượt trội trên toàn thị trường với hơn 45 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng tiền với HDC, LDG đều tăng kịch trần, các mã VGC, TIP, DRH, PTL, GEX, KBC, NTL, SCR, CEE, FIR, VPI, KHG, SAM, DIG, CTI tăng từ 2,4% đến hơn 5%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,31 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 97,86 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 9/11: VN-Index giảm 6,07 điểm (-0,41%), xuống 1.461,5 điểm; HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,12%), lên 432,64 điểm; UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,14%), lên 109,18 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall nối dài đà tăng ổn định sang đầu tuần mới (8/11) sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng cuối tuần vừa qua.
Cuối tuần trước, Hạ viện Mỹ chính thức thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất, sau khi Thượng viện thông qua hồi tháng 8.
Mặt khác, mùa báo cáo quý III đang đi đến giai đoạn cuối cùng với 445 công ty trong S&P 500 đã công bố báo cáo. Trong số đó, 81% đạt lợi nhuận trên mức kỳ vọng của các nhà phân tích, theo Refinitiv.
Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Dow Jones tăng 104,27 điểm (+0,29%), lên 36.432,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,17 điểm (+0,09%), lên 4.701,7 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 10,77 điểm (+0,07%), lên 15.982,36 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, bị ảnh hưởng bởi đồng yên mạnh lên và một số công ty báo cáo lợi nhuận kém khả quan.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,75% xuống 29.285,46 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,81% xuống 2.018,77 điểm.
Trong phiên chiều, đồng yên tăng mạnh lên 112,73 yên/USD, mức cao nhất kể từ ngày 11/10 khiến thị trường chịu sức ép.
Mặt khác, kết quả tài chính quý III của một số công ty đáng thất vọng đè nặng thị trường, với Kawasaki Heavy Industries giảm 9,24% và Fujikura giảm 6,61%.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu liên quan đến công nghệ đã tỏa sáng, dẫn đầu là SoftBank Group, tăng 10,5% trở thành cổ phiếu tăng giá hàng đầu trên Nikkei 225.
SoftBank mới đây đã thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 1 nghìn tỷ yên (8,9 tỷ USD).
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, sau khi ngân hàng trung ương nước này giới thiệu một công cụ cho vay mới, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này không có tác động nới lỏng mạnh mẽ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,24% lên 3.507,00 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip gần như không đổi ở 4.846,74 điểm.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, họ sẽ cung cấp cho các tổ chức tài chính các khoản vay chi phí thấp để giúp các công ty cắt giảm lượng khí thải carbon.
“Công cụ cho vay mới này không có tác động nới lỏng mạnh mẽ như thoạt nhìn,” ông Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, khi cổ phiếu chăm sóc sức khỏe phục hồi từ mức giảm mạnh trong phiên trước đó.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,2% lên 24.813,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,14% lên 8.806,02 điểm.
Cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe tăng trở lại 5%, sau khi các công ty liên quan đến vắc-xin Covid-19 kéo chỉ số này đi xuống trong phiên trước.
Chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi, do các nhà giao dịch thận trọng trước dữ liệu lạm phát từ Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,08% lên 2.962,46 điểm,
Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,14%, còn SK Hynix và công ty nền tảng Naver lần lượt tăng 1,4% và 2,33%.
Kết thúc phiên 9/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 221,59 điểm (-0,75%), xuống 29.285,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,36 điểm (+0,24%), lên 3.507,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 49,36 điểm (+0,20%), lên 24.813,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 2,26 điểm (+0,07%), lên 2.962,46 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng tiêu dùng luôn hấp dẫn vốn ngoại
Tín dụng tiêu dùng luôn có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều công ty tài chính trong nước đã, đang và sẽ bán tiếp cổ phần cho đối tác ngoại, thu về hàng nghìn tỷ đồng..>> Chi tiết
- Nối dài sóng cổ phiếu năng lượng xanh
Cuộc đua giá FIT với dự án điện gió đã ngã ngũ, con sóng cổ phiếu năng lượng xanh tăng tới đây được dự báo sẽ lan sang nhóm điện khí..>> Chi tiết
- Hội chứng đầu tư "đu" theo tin đồn
Khi có thêm nhiều nhà đầu tư mới, còn ít kinh nghiệm mang theo tiền ùn ùn đổ vào thị trường chứng khoán thì đầu tư theo tin đồn trở thành hội chứng ngày càng lan rộng..>> Chi tiết
- Hưng phấn với gói kích cầu
VN-Index lập kỷ lục mới tại 1.456,5 điểm cuối tuần qua được nhìn nhận là nhờ động lực từ dự thảo gói kích cầu kinh tế quy mô lớn, tương tự như diễn biến của các thị trường thế giới trong hơn 1 năm qua..>> Chi tiết
- Theo lịch sử, Fed thu hẹp chương trình kích thích sẽ tốt cho thị trường
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hiện đang thực hiện kế hoạch giảm dần chương trình mua tài sản nhưng không giống như cách mà thị trường chứng khoán đã phản ứng khi Fed thực hiện động thái tương tự vào năm 2013..>> Chi tiết