Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu du lịch dần lấy lại sức hấp dẫn

(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 12 điểm; Doanh nghiệp bị lừa, ngân hàng thu hộ vô can?; Cổ phiếu du lịch qua thời "ngủ đông"; Tháng 3 có buồn?; Rắc rối chuyện hồi tố kết quả kinh doanh; IMF dự kiến ​​cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/3 tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 260.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chiều ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,40 – 70,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ tăng 5,9 USD/ounce lên 1.997,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh 1.995 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,73 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.162 đồng/USD, giảm 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.730 – 23.010 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 39.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã có thời điểm thủng 39.000 USD, trước khi hồi lên trên ngưỡng này vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,27 USD (+2,14%), lên 108,29 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,11 USD (+1,93%), lên 111,44 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm sâu

Ngưỡng 1.480 điểm vẫn đóng vai trò ngưỡng cản của thị trường. Trong phiên sáng nay, ngay khi VN-Index tiếp cận vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường giật lùi trở lại.

Bước sang phiên chiều, lực bán dâng cao trên diện rộng đã khiến VN-Index chào thua. Thậm chí, áp lực xả bán ồ ạt đã khiến chỉ số thủng mốc 1.460 điểm trước khi hồi nhẹ về cuối phiên.

Các bluechip là gánh nặng phiên này PLX -5,4%, GAS -4,7% MSN -5%, PNJ -3,5%, SSI -3,4%, GVR -3%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán cũng khiến hàng loạt mã FLC, ROS, ITA, HQC, LDG… hay TSC, IDI, SJF, TGG… giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu gỗ vẫn là điểm sáng của thị trường với các mã TTF, PTB, GDT, GTA đều tăng hết biên độ và kết phiên trong sắc tím.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,13 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 519,39 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/3: VN-Index giảm 12,53 điểm (-0,85%) xuống 1.466,54 điểm; HNX-Index giảm 5,44 điểm (-1,22%) xuống 442,2 điểm; UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 115,37 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc từ sớm nhưng đóng cửa thu hẹp đà giảm đáng kể trong phiên ngày thứ Năm (10/3), khi lạm phát đạt mức cao nhất trong bốn thập kỷ đã củng cố thêm cho kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới.

Bộ Lao động Mỹ đã công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát chính đã tăng 7,9% trong tháng 2/2022, mức cao nhất trong 40 năm. So với tháng trước, con số này tăng 0,8%.

Theo giới phân tích, điều này mang đến kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới. Dữ liệu CPI cho thấy Ủy ban thị trường mở - FOMC có thể hành động "mạnh mẽ hơn" để kiềm chế lạm phát trong năm tới, như Chủ tịch Fed Jerome Powell hứa hẹn vào tuần trước.

Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Dow Jones giảm 112,18 điểm (-0,34%), xuống 33.174,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,36 điểm (-0,43%), xuống 4.259,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 125,58 điểm (-0,95%), xuống 13.129,96 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 11/2021, khi lạm phát của Mỹ tăng cao và các cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Ukraine và Nga không đạt được nhiều tiến triển.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,05% xuống 25.162,78 điểm. Chỉ số này đã giảm 3,17% trong tuần, mức cao nhất kể từ mức giảm 3,34% trong khoảng thời gian kết thúc vào ngày 26/11.

Chỉ số Topix đã mất 1,67% xuống 1.799,54 điểm và giảm 2,46% trong tuần và có chuỗi giảm bốn tuần liên tiếp.

Các ngành tiêu dùng, bất động sản và công nghệ giảm nhiều nhất, trong khi cổ phiếu năng lượng tăng mạnh do dầu thô tiếp tục tăng.

Đáng chú ý là SoftBank Group, giảm 6,21% trở thành cổ phiếu giảm sâu nhất trên Nikkei 225.

Công ty sản xuất chip Tokyo Electron mất 2,67% để trở thành lực cản lớn thứ hai trên Nikkei 225, theo sau là mức giảm 2,25% của Fast Retailing.

Cổ phiếu liên quan đến năng lượng và hàng hóa tăng, với JGC Holdings tăng 10,64% để trở thành công ty tăng tốt nhất của Nikkei 225, tiếp theo là mức tăng 3,58% của công ty lọc dầu Inpex và mức tăng 3,1% đối với Pacific Metals Co.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ, sau khi lao dốc vào đầu phiên với việc Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) xác định ít nhất 5 công ty Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết nếu họ không cung cấp quyền truy cập vào các tài liệu kiểm toán.

Đà giảm được hãm bớt, sau khi một nguồn tin có hiểu biết về tình hình trên nói với Reuters rằng, cuộc tham vấn giữa các cơ quan quản lý Trung Quốc và Mỹ về hợp tác kiểm toán và quy định đang diễn ra "tương đối suôn sẻ" và dự kiến ​​sẽ sớm đạt được đồng thuận.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,41% lên 3.309,75 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip có thời điểm giảm tới 2,7% trước khi nhích 0,32% lên 4.306,52 điểm khi kết phiên.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm do ảnh hưởng từ việc Mỹ đe dọa hủy niêm yết đối với một số công ty Trung Quốc nếu họ không cung cấp quyền truy cập vào các tài liệu kiểm toán.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,4% xuống 20.583,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,5% xuống 7.074,18 điểm.

Các công ty trong danh sách bị nhắc đến trong khả năng bị hủy niêm yết tại phố Wall đã dẫn đầu đà lao dốc với Yum China Holdings, Zai Lab, HUTCHMED (China) Ltd và Beigene Ltd giảm từ 11% đến 17% trước khi thu hẹp đà giảm.

Linus Yip, chiến lược gia trưởng tại First Shanghai Group, nói rằng mặc dù động thái của Mỹ không hoàn toàn bất ngờ, nhưng các nhà đầu tư đang giải thích nó một cách tiêu cực do căng thẳng địa chính trị gia tăng.

"Bầu không khí lúc này thật tồi tệ. Chúng ta có xích mích Trung-Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine, triển vọng tăng lãi suất. Vì vậy, việc các nhà đầu tư nhìn vào mặt tối là điều tự nhiên”, Linus Yip nói thêm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi dữ liệu lạm của Mỹ khiến cho việc tăng lãi suất của Fed sẽ đến nhanh hơn dự kiến, trong khi các cuộc đàm phán Nga-Ukraine ít tiến triển cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 19,04 điểm, tương đương 0,71% xuống 2.661,28 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 1,92%.

Dẫn đầu mức giảm là các ông lớn ngành chip với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,69% và 2,5%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 6,35%.

Kết thúc phiên 11/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 527,62 điểm (-2,05%), xuống 25.162,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,65 điểm (+0,41%), lên 3.309,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 336,47 điểm (-1,61%), xuống 20.553,79 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 19,04 điểm (-0,71%), xuống 2.661,28 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp bị lừa, ngân hàng thu hộ vô can?

Việc nhiều doanh nghiệp điều có nguy cơ mất cả trăm triệu USD do bị lừa là bài học lớn cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Cổ phiếu du lịch qua thời "ngủ đông"

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành du lịch, nghỉ dưỡng đang dần lấy lại sức hấp dẫn của mình sau hơn 2 năm ngành này "đóng băng" bởi dịch bệnh..>> Chi tiết

- Tháng 3 có buồn?

Tháng 3 bắt đầu với nhiều biến động từ bên ngoài khiến không ít thành viên thị trường cho rằng đây có thể là giai đoạn “buồn” hơn thường lệ..>> Chi tiết

- Rắc rối chuyện hồi tố kết quả kinh doanh

Điều chỉnh hồi tố thực chất là một nghiệp vụ khá đơn giản, nhưng với nhiều doanh nghiệp lại trở thành phức tạp bởi những lý do “ngoài chuyên môn”..>> Chi tiết

- IMF dự kiến ​​cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu do xung đột

Hôm thứ Năm (10/3), Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết rằng có thể sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu để tính đến hậu quả kinh tế của cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục