Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 7/4 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,20 – 68,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 2,1 USD/ounce lên 1.925,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng suy yếu về gần 1.920 USD, trước khi dần trở lại và tiến gần đến 1.930 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,61 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.105 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 – 23.000 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh về gần dưới 43.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục nhẹ và lên trên 43.400 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,14 USD (+1,18%), lên 97,37 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,31 USD (+1,32%), lên 102,40 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm hơn 20 điểm
Thị trường bước vào phiên chiều với sức ép giảm dần giúp VN-Index trồi nhẹ lên 1.515 điểm.
Dù vậy, áp lực bán đã quay trở lại và lần này còn mạnh hơn và lan rộng ở khắp các nhóm ngành, khiến VN-Index lao dốc nhanh về gần 1.505 điểm và tiếp tục đi xuống trong phiên ATC, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TSC đột ngột tăng kịch trần +6,9%, khớp hơn 12,3 triệu đơn vị. Một vài điểm sáng khác tại nhóm phân bón, hóa chất như SFG +2,6%, DGC +2,9%, BFC +3%, DCM +3,9%, DPM +4,2%.
Trong khi đó, lực bán dâng cao tại IDI, HAH, DGW, PLP, NVT, TIP, ASM, CMX, CIG, YEG, HUB, khiến các cổ phiếu này đều nằm sàn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 26,33 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 535,48 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 7/4: VN-Index giảm 20,55 điểm (-1,35%), xuống 1.502,35 điểm; HNX-Index giảm 5,22 điểm (-1,17%), xuống 441,61 điểm; UpCoM-Index giảm 1,03 điểm (-0,88%), xuống 115,81 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall thêm một phiên giảm trong ngày thứ Tư (6/4), với đà lao dốc mạnh của các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng khác chỉ sau ít phút kể từ khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed được công bố.
Biên bản cuộc họp hai ngày 15 và 16/3 của Fed cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đang tập trung theo đuổi kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán khổng lồ ngay trong tháng tới. Biên bản cũng cho thấy Fed quyết tâm chống lạm phát, khi xem xét đợt nâng lãi suất tiếp theo sẽ cao hơn con số 0,25% như thông thường.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm tăng trên mức 2,65% lên mức cao nhất trong 3 năm sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố.
Kết thúc phiên 6/4, chỉ số Dow Jones giảm 144,67 điểm (-0,42%), xuống 34.496,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,97 điểm (-0,97%), xuống 4.481,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 315,35 điểm (-2,22%), xuống 13.888,82 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần, khi các nhà đầu tư lo lắng về việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn của Fed, xung đột ở Ukraine và phong tỏa nhiều nơi do Covid-19 ở Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,69% xuống 26.888,57 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 18/3. Chỉ số Topix giảm 1,56% xuống 1.892,90 điểm.
Phiên này, cổ phiếu hãng chip khổng lồ Tokyo Electron giảm 5,45%, là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Nikkei 225, theo sau là Advantest giảm 5,44%.
Cổ phiếu Honda đã giảm 4,31% sau khi Mizuho hạ giá mục tiêu cổ phiếu. Các nhà sản xuất ô tô khác cũng rút lui, trong đó Toyota giảm 0,98% và Nissan giảm 1,53%.
Ở phía bên kia, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng đột biến, dẫn đầu là Astellas Pharma, tăng 5,8% sau khi Jefferies Group nhắc lại xếp hạng “outperform” đối với cổ phiếu.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi đợt bùng phát Covid-19 làm lu mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế, bất chấp cam kết của các nhà chức trách sẽ hỗ trợ nhiều hơn về chính sách.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,42% xuống 3.236,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,28% xuống 4.209,10 điểm.
“Lo lắng về xu hướng đi xuống của nền kinh tế là yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường. Trong khi đó, sự bùng phát bùng phát Covid-19 bùng phát trở lại đã làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế”, Lang Pincheng, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Fortune & Royal Asset, cho biết.
“Với số lượng ngày càng lớn các thành phố bị phong tỏa và trong bối cảnh ngành bất động sản đang đi xuống, tác động của việc nới lỏng tiền tệ sắp tới có thể khá hạn chế”, các nhà phân tích của Nomura cho biết.
Phiên này, cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản giảm 3,3% do một số nhà đầu tư quyết định chốt lời sau khi lĩnh vực này tăng tổng cộng 14,5% trong bốn phiên trước đó.
Cổ phiếu ngành du lịch, chăm sóc sức khỏe và bán dẫn giảm khoảng 2% mỗi nhóm.
Chứng khoán Hồng Kông giảm và vẫn chịu tác động mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,23% xuống 21.808,98 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,49% xuống 7.495,54 điểm.
Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông mất 2,5%, trong đó Alibaba Group và Tencent Holdings lần lượt giảm 2,2% và 1,7%. Công ty giao thực phẩm Meituan đã giảm 1% sau khi tăng mạnh tới 7,2% trong phiên sáng.
Các công ty chăm sóc sức khỏe kinh doanh tại Hồng Kông giảm 3,9%. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng mất 2,2%, trong đó chuỗi cửa hàng lẩu Haidilao giảm 7,2%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất nhất trong Hang Seng-Index.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, sau khi Fed phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ nhanh hơn trong biên bản cuộc họp tháng 3 mới được công bố.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 39,17 điểm, tương đương 1,43% xuống 2.695,86 điểm.
Công ty công nghệ khổng lồ Samsung Electronics giảm 0,73%, mặc dù lợi nhuận quý vừa qua dự báo sẽ tăng 50%.
Cổ phiếu lớn khác như SK Hynix tăng 0,44%, trong khi nhà sản xuất pin LG New Energy giảm 1,8%.
Kết thúc phiên 7/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 461,73 điểm (-1,69%), xuống 26.888,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 46,73 điểm (-1,42%), xuống 3.236,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 271,51 điểm (-1,23%), xuống 21.808,98 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 39,17 điểm (-1,43%), xuống 2.695,86 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng đẩy mạnh bơm tín dụng để thúc lợi nhuận
Tín dụng quý I/2022 tăng trưởng mạnh, kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao cho nhiều ngân hàng..>> Chi tiết
- Quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức nào?
Trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 42%. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hành ra công chúng lại khá thấp chỉ chiếm chưa tới 4,6% tổng giá trị phát hành..>> Chi tiết
- Lạc quan lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc
Trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động và nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch triển khai dự án, ra hàng cùng với chỉ tiêu kinh doanh đột phá, nhóm cổ phiếu bất động sản thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Cổ đất vẫn được kỳ vọng nối dài sóng tăng..>> Chi tiết
- Deutsche Bank: Cuộc chiến chống lạm phát sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái
Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái ở nước này bắt đầu vào cuối năm 2023, Deutsche Bank cảnh báo..>> Chi tiết