Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/7 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 67,35 – 67,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 25,2 USD xuống mức 1.710,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và về gần mốc 1.710 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,39 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.225 đồng/USD, tăng 24 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.300 – 23.580 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên trên mốc 20.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích dần và lên trên 20.800 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,35 USD (+0,37%), lên 96,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,50 USD (+0,50%), lên 99,60 USD/thùng.
VN-Index điều chỉnh nhẹ
Thị trường khởi sắc từ sớm nhờ nhóm ngân hàng đã đồng loạt tăng, giúp VN-Index áp sát ngưỡng 1.190 điểm, nhưng phong độ vẫn chưa ổn định của nhóm cổ phiếu vua khiến thị trường dần thu hẹp đà tăng.
Bước sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu này trở lại trạng thái lình xình khiến VN-Index giật lùi và đóng cửa giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu thép chính là tâm điểm của thị trường. Trong đó, HPG +4,5% và khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 47 triệu đơn vị, HSG +1,1%, NKG +2,1%, TLH + 3,4, VGS +3,91%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 16,71 triệu đơn vị với tổng giá trị bán 532,52 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/7: VN-Index giảm 2,92 điểm (-0,25%), xuống 1.179,25 điểm; HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,13%), xuống 284,4 điểm; UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%), lên 87,32 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong ngày thứ Năm (14/7), nhưng thực tế may mắn đã đến khi đà đi xuống dần được thu hẹp về cuối ngày sau nhịp rơi sớm từ đầu phiên, do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các ngân hàng lớn.
Theo đó, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ lúc mở cửa đều bị bán tháo mạnh sau khi đón nhận kết quả kinh doanh quý II từ JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley. Cả hai ngân hàng đều báo cáo lợi nhuận sụt giảm và cảnh báo về suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Nhưng thị trường hồi dần và thu hẹp đáng kể đà giảm nhờ nhóm cổ phiếu vi mạch tăng 1,9%, thậm chí còn giúp Nasdaq trồi lên trên tham chiếu.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones giảm 142,62 điểm (-0,46%), xuống 30.630,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,40 điểm (-0,30%), xuống 3.790,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,60 điểm (+0,03%), lên 11.251,19 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi cổ phiếu lớn Fast Retailing và nhà sản xuất trò chơi điện tử Nintendo, nhưng lo ngại về sự suy giảm kinh tế đã hạn chế đà đi lên của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,54% lên 26.788,47 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,03% xuống 1.892,50 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,02%, trong khi Topix tăng 0,27%.
Theo giới phân tích, trọng tâm hiện tại là báo cáo doanh số bán lẻ tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày và giá cổ phiếu có khả năng bị tác động xấu nếu dữ liệu chỉ ra tác động tiêu cực của lạm phát.
Phiên này, cổ phiếu Fast Retailing là công ty có hoạt động tốt nhất trên Nikkei 225, tăng 8,7%, sau khi nâng dự báo lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu Nintendo Co Ltd đã tăng 3,16% với kế hoạch mua lại một xưởng phim hoạt hình.
Các công ty tiện ích cũng tăng, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông muốn có 9 lò phản ứng điện hạt nhân đi vào hoạt động vào mùa đông này, tăng so với 5 lò hiện tại.
Theo đó, Kansai Electric Power Co Inc là công ty hưởng lợi lớn nhất, tăng 2,41%, trong khi Chubu Electric Power Co Inc tăng 1,81%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau khi dữ liệu chính thức cho thấy GDP quý II chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,64% xuống 3.228,06 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,7% xuống 4.248,53 điểm.
Trung Quốc đã công bố GDP Trung Quốc tăng 0,4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Khảo sát trước đó của Reuters với các nhà phân tích dự báo tốc độ này là 1%.
Tính theo quý, GDP quý II giảm 2,6%, so với kỳ vọng giảm 1,5% và mức tăng 1,4% trong quý trước đó. Tính nửa đầu năm 2022, GDP của Trung Quốc tăng 2,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% do chính phủ đề ra cho cả năm 2022.
Doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã tăng 3,1% so với một năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trong bốn tháng, sau khi các nhà chức trách dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng ở Thượng Hải.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, khi GDP Trung Quốc không tích cực như dự báo và nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,19% xuống 20.297,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,36% xuống 6.958,02 điểm.
Phiên này, cổ phiếu Alibaba Group Holding giảm mạnh 6%, sau khi có báo cáo rằng các giám đốc điều hành của gã khổng lồ công nghệ đã được triệu tập để họp với các quan chức Trung Quốc do có liên quan đến vụ đánh cắp dữ liệu nghiêm trọng.
Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên nhờ các cổ phiếu lớn tăng điểm, mặc dù những lo lắng xung quanh việc thắt chặt mạnh mẽ của Fed vẫn đang là nhân tố kìm hãm thị trường.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 8,66 điểm, tương đương 0,37% lên 2.330,98 điểm và trong tuần, chỉ số này giảm 0,8%.
Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 4,35% và SK Hynix tăng 5%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,13%.
Đáng chú ý là đồng won của nước này đã giảm hơn 1% sau khi chạm mức thấp nhất trong 13 năm so với đồng USD.
Kết thúc phiên 15/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 145, điểm (+0,54%), lên 26.788,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 53,68 điểm (-1,64%), xuống 3.228,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 453,49 điểm (-2,19%), xuống 20.297,72 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 8,66 điểm (+0,37%), lên 2.330,98 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Room tín dụng chưa thể nới ngay
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dư địa nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhưng chưa thể nới ngay, điều quan trọng lúc này là các ngân hàng cần “gạn đục khơi trong”, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn, hiệu quả..>> Chi tiết
- Thị trường chứng khoán trước biến số lãi suất
Với nhiều áp lực từ lạm phát và xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, động thái điều hành lãi suất là kịch bản cần tính đến, nhất là với thị trường nhạy cảm như thị trường chứng khoán..>> Chi tiết
- Phân hóa lợi nhuận quý II
Bức tranh lợi nhuận quý II/2022 của các doanh nghiệp niêm yết sớm được dự báo khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi nhiều doanh nghiệp đã đi vào sản xuất..>> Chi tiết
- Hầu hết tài sản bỗng chốc rẻ hơn, tạo ra cơ hội mới cho nhà đầu tư
Theo Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, kinh tế thế giới đang đối diện nhiều nghịch cảnh, nhưng đây chính là thời cơ cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức..>> Chi tiết
- Nỗi lo suy thoái kéo giảm thị trường dầu mạnh nhất trong năm
Điều gì sẽ xảy ra với giá dầu khi lo sợ suy thoái xảy ra với một trong những thị trường dầu vật chất mạnh nhất từ trước đến nay?..>> Chi tiết