Thị trường tài chính 24h: Cơ hội khi các cổ phiếu tốt có chiết khấu sâu đang mở ra

(ĐTCK) VN-Index hồi phục; Dự báo tác động tới Việt Nam khi Fed tăng lãi suất; 300.000 tỷ đồng chờ giải phóng; Công ty chứng khoán“thiệt kép” vì cung cấp dịch vụ “chui”; Ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị chỉ ngắn hạn, rung lắc là cơ hội cho nhà đầu tư mới; Căng thẳng Nga - Ukraine có thể làm thay đổi kế hoạch tăng lãi suất của Fed…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/2 tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 880.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm mạnh 850.000 đồng/lượng chiều mua vào và 730.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 64,80 – 65,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày hôm qua tại Mỹ giảm 5,4 USD/ounce xuống 1.903,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục và chạm 1.920 USD/ounce, trước khi hạ nhiệt về dưới 1.910 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 97,12 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.146 đồng/USD, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 – 22.960 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục khá mạnh lên 38.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,21 USD (-0,23%), xuống 92,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,15 USD (+0,15%), lên 99,23 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index chưa thể trở lại mốc 1.500 điểm

Thị trường hồi phục mạnh trong phiên sáng, nhờ khi sắc xanh nở rộ trên bảng điện tử. Bước sang phiên chiều, VN-Index sau khi thử thách thất bại ngưỡng 1.510 điểm đã lình xình trên mốc 1.500 điểm trong gần suốt thời gian còn lại và đánh mất ngưỡng tâm lý này trong đợt khớp ATC.

Điểm đáng chú ý là nhiều thành viên trong hệ Louis như TGG, SMT, BII, VKC vẫn giữ vững sắc tím với lượng dư mua trần, AGM tiếp tục nới rộng biên độ tăng 6,1%, DDV tăng 7,7%...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 0,25 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là bán ròng 81,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/2: VN-Index tăng nhẹ 4,04 điểm (+0,27%), lên 1.498,89 điểm; HNX-Index tăng 5,28 điểm (+1,21%), lên 440,16 điểm; UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,3%), lên 112,66 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bất ngờ đảo chiều trong phiên ngày thứ Năm (24/2), khi giới đầu tư ồ ạt bắt đáy và tâm lý đã trở nên bình tĩnh hơn với tình hình chiến sự tại châu Âu.

Thị trường mở cửa lao dốc do ảnh hưởng từ cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, nhưng đà giảm dần được thu hẹp đáng kể sau đó và cả ba chỉ số chính đều tăng điểm khi đóng cửa nhờ đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Nhóm cổ phiếu công nghệ đều ghi nhận đà tăng mạnh với chỉ số phụ ngành tăng 3,5%, trong đó, những tên tuổi lớn như Netflix tăng 6,1%, Microsoft tăng 5,1%, Alphabet (Google) tăng 4%, Meta (Facebook) tăng 4,6%, Apple tăng 1,67%.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones tăng 92,07 điểm (+0,28%), lên 33.223,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 63,20 điểm (+1,50%), lên 4.288,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 436,10 điểm (+3,34%), lên 13.473,58 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh, với các cổ phiếu công nghệ lớn dẫn đầu đà tăng, khi thị trường theo chân đà phục hồi mạnh mẽ trên Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,95% lên 26.476,50 điểm, nhưng mất 2,3% trong tuần qua.

Chỉ số Topix tăng 1% lên 1.876,24 điểm, nhưng đã giảm 2,5% trong tuần giao dịch.

Các cổ phiếu liên quan đến chip Tokyo Electron và Advantest dẫn đầu mức tăng trên Nikkei 225, lần lượt tăng 5,79% và 7,71%. Các cổ phiếu lớn khác như SoftBank Group tăng 5,56% và công ty dịch vụ nền tảng y tế M3 tăng 5,37%.

Chỉ số phụ khai thác dầu giảm 5,82% và là lĩnh vực hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, với cổ phiếu lớn Inpex mất 6,02%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đã thúc đẩy cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe, năng lượng mới và hàng tiêu dùng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,63% lên 3.451,41 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,97% lên 4.573,42 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tiêu dùng tăng 1,28%, cổ phiếu công nghệ tăng 0,96% và chăm sóc sức khỏe tăng 3,48%.

Mức tăng của CSI300 được dẫn đầu bởi nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology, tăng 4,16% và Kweichow Moutai tăng 1,98%.

Dòng tiền ròng của nhà đầu tư nước ngoài phiên này đã tăng cao nhất trong hơn một tháng qua, đạt tổng cộng 10,25 tỷ nhân dân tệ (1,62 tỷ USD), theo dữ liệu của Refinitiv.

Chứng khoán Hồng Kông vẫn suy giảm, do chịu tác động của nhóm cổ phiếu tài chính và dầu khí.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,59% xuống 22.767,18 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,49% xuống 7.991,64 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 3,7%, do cổ phiếu tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC Ltd giảm 3,16%.

Lĩnh vực tài chính giảm 1,44%, với mức giảm 2,49% của HSBC Holdings là lực cản lớn nhất đối với Hang Seng.

Chứng khoán Hàn Quốc phục hồi, mặc dù chỉ số chuẩn đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong 4 tuần qua, do những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 27,96 điểm, tương đương 1,06% lên 2.676,76 điểm. Chỉ số này giảm 2,47% trong tuần, kéo dài chuỗi giảm điểm lên tuần thứ ba liên tiếp.

Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 0,56% và 0,41%, trong khi công ty nền tảng Naver tăng 3,97%.

Kết thúc phiên 25/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 505,68 điểm (+1,95%), lên 26.476,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,45 điểm (+0,63%), lên 3.451,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 134,38 điểm (-0,59%), xuống 22.767,18 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 27,96 điểm (+1,06%), lên 2.676,76 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Dự báo tác động tới Việt Nam khi Fed tăng lãi suất

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và mạnh lãi suất USD kể từ tháng 3 tới nhằm kiểm soát lạm phát như thị trường đang dự báo thì mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam dự kiến cũng sẽ không lớn..>> Chi tiết

- 200.000 tỷ đồng margin, 100.000 tỷ đồng nằm trong 5 triệu tài khoản chờ yếu tố để giải phóng

Cơ hội khi các cổ phiếu tốt có chiết khấu sâu đang mở ra, nhiều nhóm ngành hưởng lợi từ giá nguyên liệu hàng hoá tăng cao đã ghi nhận dòng tiền đầu cơ nhập cuộc..>> Chi tiết

- Công ty chứng khoán“thiệt kép” vì cung cấp dịch vụ “chui”

Thiệt hại của hai công ty chứng khoán bị xử phạt vi phạm hành chính vì cung cấp dịch vụ ứng tiền trước cho nhà đầu tư không dừng lại ở số tiền phạt..>> Chi tiết

- Chuyên gia chứng khoán HSC: Ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị chỉ ngắn hạn, rung lắc là cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia

Bà Bùi Hoàng Minh, Chuyên gia Phân tích cao cấp khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán HSC nhận định, nhìn lại lịch sử căng thẳng địa chính trị thường có tác động trong ngắn hạn đến thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Căng thẳng Nga - Ukraine có thể làm thay đổi kế hoạch tăng lãi suất của Fed

Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đang thúc đẩy rủi ro địa chính trị và có thể đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khỏi một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn vào tháng 3..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục