Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán vẫn đang có nhiều cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gần như không đổi; Doanh thu phí bảo hiểm quý III/2021 tăng 7%; Cơ hội cuối năm với cổ phiếu bán lẻ công nghệ; Cơ hội lan tỏa trên thị trường chứng khoán; Giá than toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán vẫn đang có nhiều cơ hội

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/9 giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,35 – 56,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 15,9 USD xuống 1.733,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên quanh 1.745 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,07% lên 93,84 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.155 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.660 – 22.860 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,63 USD (-0,84%), xuống 74,66 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,61 USD (-0,77%), xuống 78,48 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về quanh 40.100 USD thì sang ngày hôm nay đã phục hồi khá mạnh và lên quanh 42.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thu hẹp đà giảm

Việc thị trường trụ vững trong phiên sáng khiến tâm lý nhà đầu tư được cải thiện và giúp cho phiên chiều có sự khởi sắc nhất định, khi thu hẹp đà giảm, giằng co nhẹ quanh giá tham chiếu khi đến khi đóng cửa.

Diễn biến của phiên hôm nay được coi là tích cực, khi thị trường đón nhận tin xấu gồm GDP quý III và ảnh hưởng thị trường chứng khoán thế giới đêm qua lao dốc.

Nhóm dầu khí giữ truyền thống là sóng qua rất nhanh, sau phiên hôm qua bứt tốc mạnh mẽ thì phiên hôm nay có sự phân hóa đáng kể khi BSR, PVT, PVD, PVS... đóng cửa trong sắc đỏ, chỉ còn PLX cho tín hiệu khả quan.

Bên cạnh đó, sắc tím nở rộ ở nhóm xi măng với các mã như HT1, BCC, BTS, HOM, HVX, QNC, SCJ, VTV, VCX.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,28 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 536,62 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/9: VN-Index giảm 0,2 điểm (-0,01%), xuống 1.339,21 điểm; HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,49%), xuống 354,29 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 95,94 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục lao dốc trong phiên ngày thứ Ba (28/9) khi nỗi lo lạm phát gây áp lực lên thị trường và các nhà lập pháp ở Washington vẫn bất đồng trong quan điểm về chính sách.

Đầu tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm kho bạc Mỹ phiên đêm qua tăng lên mức 1,567% trước lo ngại lạm phát tăng và lo Fed sẽ gấp rút thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Với đà tăng trên của lợi suất trái phiếu, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường tiếp tục có phiên tồi tệ. Microsoft Corp, Apple, Amazon.com và Alphabet ghi nhận mức giảm từ 2,4% đến 3,6%.

Kết thúc phiên 28/9, chỉ số Dow Jones giảm 569,38 điểm (-1,63%), xuống 34299,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 90,48 điểm (-2,04%), xuống 4.352,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 423,29 điểm (-2,83%), xuống 14.546,68 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh theo chân Phố Wall đêm qua, trong khi các nhà đầu tư cũng đứng ngoài, chờ đợi cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng cầm quyền sẽ quyết định thủ tướng tiếp theo.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,12% xuống 29.544,29 điểm. Chỉ số Topix mất 2,09% xuống 2.038,29 điểm.

Phiên này, cổ phiếu công nghệ lớn dẫn đầu sự sụt giảm, với Tokyo Electron giảm 5,27%, Daikin Industries mất 4,15% và Advantest giảm 5,64%.

Điểm tích cực ở nhóm cổ phiếu cổ phiếu liên quan đến du lịch, với ngành hàng không tăng 2,55%, nhờ kỳ vọng chính phủ có kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tất cả các khu vực vào thứ Năm, lần đầu tiên sau gần sáu tháng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, do cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng khiến các nhà đầu tư thoát khỏi các lĩnh vực dễ tổn thương như hóa chất và thép.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,83% xuống 3.536,29 điểm. Chỉ số CSI 300 bluehchip giảm 1,02% xuống 4.833,93 điểm.

Các nhà phân tích cho biết, cuộc khủng hoảng cung cấp điện đã khiến nhiều nhà máy trên toàn quốc phải đóng cửa có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho nền kinh tế so với nguy cơ vỡ nợ tại Evergrande Group.

Các nhà đầu tư xa lánh các ngành dễ ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, với nhóm cổ phiếu kim loại màu, thép và hóa chất giảm từ 3% đến 5,4%.

Lĩnh vực bất động sản và ngân hàng tăng điểm, sau khi Tập đoàn Evergrande cho biết có kế hoạch bán 1,5 tỷ USD cổ phần mà họ sở hữu trong Shengjing Bank Co Ltd cho một công ty quản lý tài sản nhà nước.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu là cổ phiếu bất động sản và tài chính, khi các nhà đầu tư thở phào với kế hoạch bán bớt cổ phần của Evergrande Group.

Đóng cửa, Hang Seng-Index kết thúc tăng 0,67% lên 24.663,50 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,46% lên 8.760,44 điểm.

Thị trường được nâng đỡ nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản và tài chính, tăng lần lượt 2,6% và 1,7%,sau khi China Evergrande Group cho biết có kế hoạch bán 1,5 tỷ USD cổ phần mà họ sở hữu tại Shengjing Bank Co Ltd cho một công ty quản lý tài sản nhà nước.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do bán tháo trên diện rộng đối với các công ty công nghệ lớn và lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande Group và năng lượng ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,22% xuống 3.060,27 điểm.

Những gã khổng lồ chip dẫn đầu mức giảm, với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 2,88% và 3,3%. Các công ty nền tảng Naver và Kakao lần lượt giảm 1,40% và 0,85%.

Kết thúc phiên 29/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 639,67 điểm (-2,12%), xuống 29.544,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 65,92 điểm (-1,83%), xuống 3.536,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 163,11 điểm (+0,67%), lên 24.663,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 37,65 điểm (-1,22%), xuống 3.060,27 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh thu phí bảo hiểm quý III/2021 tăng 7%

Dù tốc độ tăng trưởng có suy giảm trong quý III/2021, doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng hai con số..>> Chi tiết

- Cơ hội cuối năm với cổ phiếu bán lẻ công nghệ

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đối với mặt hàng máy tính xách tay tăng vọt, còn điện thoại di động dự kiến sẽ bùng nổ trong quý IV/2021..>> Chi tiết

- Cơ hội lan tỏa trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán vẫn đang có nhiều cơ hội đầu tư, xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề..>> Chi tiết

- Giá than toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt than ở Trung Quốc

Trung Quốc là nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới và đang sẵn sàng chi trả bất kỳ giá nào để có được nguồn cung, đây là một động thái có nguy cơ để lại ít nhiên liệu hơn cho các quốc gia vốn cũng đang thiếu năng lượng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,287.15 -3.03 -0.24% 167,223 tỷ
HNX 243.43 -0.48 -0.2% 1,378 tỷ
UPCOM 91.49 0.01 0.01% 521 tỷ