Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán sẽ không lặp lại kịch bản 2018?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vọt lên trên 1.260 điểm; Tỷ giá không “chạy” mới lo; Cổ phiếu phân hóa theo lợi nhuận; “Đọc vị” giá trị cổ phiếu “họ” FLC; Kịch bản thị trường chứng khoán 2021 sẽ không lặp lại 2018; Chứng khoán Trung Quốc nhảy vọt; Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đang trở thành tiêu chí đánh giá đầu tư…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán sẽ không lặp lại kịch bản 2018?

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/4 tăng 270.000 đồng/lượng chiều mua vào và 180.000 đồng/lượng chiều bán ra so ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 180.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,63 – 56,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 12,9 USD lên 1.776,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và leo lên trên gần 1.790 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,50% xuống 91,10 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.190 đồng, giảm 6 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.985 - 23.165 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,15 USD (-0,24%), xuống 62,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent ) giảm 0,20 USD (-0,30%), xuống 66,57 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng vọt hơn 20 điểm

Trong phiên sáng, thị trường giao dịch khá giằng co quanh 1.240 điểm khi mở cửa, nhưng đã bật tăng khá tốt sau đó nhờ nhóm các mã lớn MSN, HPG, VHM nới đà đi lên.

Sau giờ nghỉ trưa, dòng tiền chảy đã lan tỏa mạnh, giúp sắc xanh mở rộng trên bảng điện tử giúp VN-Index tăng hơn 20 điểm và dễ dàng vượt mốc 1.260 điểm khi đóng cửa.

Nhóm VN30 đáng chú ý là cặp đôi MSN và PDR đều kết phiên tăng kịch trần, cùng HPG +5,9%, KDH +5,4%, VHM +3,5%, và không ít cổ phiếu ngân hàng tăng trên dưới 2%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị chốt lời mạnh, trong đó, ROS -4,7%, khớp hơn 75 triệu đơn vị, còn FLC -5,4%, khớp hơn 43 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 14,03 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 740,92 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/4: VN-Index tăng 21,87 (+1,77%), lên 1.260,58 điểm; HNX-Index tăng 2,64 điểm (+0,9%), lên 295,75 điểm; UpCoM-Index giảm 0,91 điểm (-1,1%), xuống 81,79 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng trong phiên ngày thứ Sáu (16/4), khép lại tuần thứ tư liên tiếp tăng điểm, trong bối cảnh đón nhận loạt báo cáo kết kinh doanh đầu tiên đầy lạc.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 đầy gam màu sáng của các ngân hàng lớn được công bố trong tuần cũng đã giúp thúc đẩy tâm lý lạc quan trên thị trường.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,18%, S&P 500 tăng 1,37%, Nasdaq Composite tăng 1,09%.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Dow Jones tăng 164,68 điểm (+0,48%), lên 34.200,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,05 điểm (+0,36%), lên 4.185,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 13,58 điểm (+0,10%), lên 14.052,34 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và đóng cửa gần như không đối, khi những lo ngại xung quanh việc lây nhiễm Covid-19 đã được bù đắp bởi sự tích cực ở nhóm cổ phiếu liên quan đến chip.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng chưa đến 0,01% lên 29.685,37 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,22% xuống 1.956,56 điểm.

Rủi ro liên quan đến sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 đè nặng thị trường, sau khi Thống đốc Tokyo đang xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với sự gia tăng của các ca nhiễm mới.

Nhóm cổ phiếu chip được thúc đẩy bởi việc Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí hợp tác đầu tư vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn để đối phó với tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu.

Cổ phiếu nóng nhất vẫn là Toshiba, khi giảm 4,35% sau khi nhật báo Nikkei đưa tin, CVC Capital Partners sẽ trì hoãn đề xuất chính thức mua lại tập đoàn công nghiệp Nhật Bản này.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu các hãng xe năng lượng mới, trong khi dòng vốn nước ngoài mạnh cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,49% lên 3.477,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,43% lên 5.087,02 điểm.

Nhóm cổ phiếu các công ty năng lượng mới tăng 6,3% sau khi Huawei ra mắt các giải pháp lái xe tự động vào Chủ nhật.

Góp thêm phần nâng đỡ là các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 19 tỷ nhân dân tệ (2,92 tỷ USD) cổ phiếu A thông qua chương trình kết nối chứng khoán Đại lục và Hồng Kông.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu y tế và công nghiệp, nhưng sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đã cản bước thị trường khá nhiều.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,47% lên 29.106,15 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,59% lên 11.092,95 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số phụ theo dõi ngành y tế và công nghiệp, lần lượt tăng 3,1% và 2,2% khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với đà tăng trưởng kinh tế vững chắc của Trung Quốc trong quý đầu tiên.

Tuy nhiên, các gã khổng lồ công nghệ đã suy yếu, điền hình là Alibaba mất 1,5%, sau tin đồn Ant Group - một công ty liên kết của Alibaba đang tính kế cho Jack Ma thoái vốn khỏi đơn vị này.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giằng co và kết phiên gần như không đổi, khi các nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát trước mùa công bố kết quả kinh doanh.

Các nhà đầu tư đang lạc quan một cách thận trọng, và đang trông đợi vào kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất, cùng dữ liệu xuất khẩu sơ bộ trong nửa đầu tháng 4, Choi Yoo-june, một nhà phân tích tại Shinhan Investment & Securities cho biết.

Kết thúc phiên 19/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 2,00 điểm (+0,00%), lên 29.685,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 50,93 điểm +1,49%), lên 3.477,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 136,44 điểm (+0,47%), lên 29.106,15 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,22 điểm (+0,00%), lên 3.198,84 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá không “chạy” mới lo

Quý I/2021, tỷ giá USD/VND được đánh giá là ổn định nhất thế giới, dự báo sẽ tăng nhẹ trong quý II..>> Chi tiết

- “Đọc vị” giá trị cổ phiếu “họ” FLC

Nhiều nhà đầu tư có những đánh giá khác biệt, thậm chí trái ngược về cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC nói riêng, các cổ phiếu thuộc “họ” FLC nói chung..>> Chi tiết

- Cổ phiếu phân hóa theo lợi nhuận

Sau sự hân hoan của thị trường khi VN-Index lập đỉnh mới là dự báo về khả năng phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu trong thời gian tới..>> Chi tiết

- Kịch bản thị trường chứng khoán 2021 sẽ không lặp lại 2018

Đó là chia sẻ của ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) tại đại hội nhà đầu tư thường niên của các quỹ mở do VCBF quản lý..>> Chi tiết

- Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đang trở thành tiêu chí đánh giá của các nhà đầu tư

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đang bắt đầu đổ tiền vào những khu vực mà việc triển khai vắc xin Covid-19 đạt được nhiều tiến bộ nhất..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ