Thị trường chứng khoán
- VN-Index tăng trở lại
Trong phiên giao dịch sáng nay, áp lực bán vẫn ở mức cao khiến thị trường mở cửa trong sắc đỏ, lực bán gia tăng sau đó càng khiến đà giảm của cả 2 chỉ số chính được nới rộng dần. VN-Index đã bị đẩy xuống sát ngưỡng 705 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng về sát 88,5 điểm với sắc đỏ bao trùm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tiếp nối lực cầu bắt đáy của phiên sáng, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp HNX-Index có ngay sắc xanh ngay đầu phiên. Không mất quá nhiều thời gian, VN-Index cũng nhanh chóng theo bước để vượt qua mức tham chiếu.
Lực cầu gia tăng trên diện rộng đã giúp nhiều mã đảo chiều tăng giá, các mã bluechip khác cũng nới rộng đà tăng, đặc biệt là “bộ tứ” hỗ trợ của VN-Index trong phiên sáng.
Cụ thể, VNM tăng 1,69%, lên 144.400 đồng, VCB tăng 0,99%, lên 35.850 đồng, mức giá cao nhất ngày, MSN cũng lên mức giá cao nhất ngày 46.000 đồng, tăng 4,55%, GAS tăng 2,04%, lên 55.100 đồng.
Ngoài ra, hàng loạt mã lớn khác cũng đảo chiều tăng như BHN, FPT, DPM, BID, MBB, CTG…
Không chỉ các mã lớn, hàng loạt mã nhỏ khác cũng tăng trở lại như ITA, HQC, FIT, HHS, DLG…, trong khi FLC tăng lên mức cao nhất ngày 7.800 đồng (+3,31%) với 21,77 triệu đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 5,2 triệu đơn vị.
ITA tăng nhẹ 1 bước giá với 9,76 triệu đơn vị được khớp, HQC tăng 2,07%, lên 2.460 đồng với 8,6 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, QCG vẫn không thể đảo chiều thành công khi đóng cửa giảm 2,82%, xuống 6.890 đồng.
Hai mã lớn khác cũng không thể đảo chiều thành công là SAB và VJC khi giảm lần lượt 0,97%, xuống 205.000 đồng và 2,05%, xuống 129.000 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 18/4, VN-Index tăng 4,10 điểm (+0,58%), lên 714,93 điểm; HNX-Index tăng 0,83 điểm (+0,93%), lên 89,12 điểm; UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,1%), xuống 56,99 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.255 tỷ đồng
Trong phiên này, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 8,6 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 237,88 tỷ đồng.
Chứng khoán Mỹ phục hồi
Sau những lo lắng về căng thẳng địa chính trị, khiến nhà đầu tư bán ra các tài sản rủi ro như chứng khoán để tìm đến các tài sản an toàn hơn là vàng, phố Wall đã phục hồi mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới.
Nhóm cổ phiếu công nghệ khởi sắc trở lại sau chuỗi giảm dài sau đánh giá của Credit Suisse, cùng với các cổ phiếu ngân hàng tăng sau thông tin Tổng thống Trump đề cử một nhân vật thân thiện với các nhà băng giữ chức Phó chủ tịch Fed, là những nhân tố giúp phố Wall có phiên tăng mạnh đầu tuần.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Dow Jones tăng 183,67 điểm (+0,90%), lên 20.636,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,06 điểm (+0,86%), lên 2.349,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 51,64 điểm (+0,89%), lên 5.856,79 điểm.
Một chỉ số theo dõi ngành tiêu dùng giảm 1,5% trong khi ngành tài chính cũng giảm 1,5%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về việc tăng quy định và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.
Các cổ phiếu được hưởng lợi từ khu kinh tế tương lai Hùng An tuy mới chỉ được giao dịch mạnh kể từ đầu tháng 4, nhưng một số cổ phiếu đã phải chịu áp lực chốt lời trong những phiên gần đây sau khi các nhà chức trách cảnh báo về sự suy đoán quá mức trong mô hình kinh tế của Hùng An.
ngoài ra, dù dữ liệu kinh tế quý I của Trung Quốc tuy tốt hơn dự kiến ( tăng trưởng 6,9%) nhưng lại không gây ấn tượng với các nhà đầu tư, những người lo ngại đà tăng sẽ bắt đầu giảm trong những tháng tới.
Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 63,33 điểm (+0,35%), lên 18.418,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 337,12 điểm, (-1,39%), xuống 23.924,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,57 điểm (-0,79%) xuống 3.196,60 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng SJC giảm nhẹ về cuối ngày. Tỷ giá USD tăng thêm 10 - 20 đồng.
Tại thị trường trong nước, sau khi giảm 50.000 - 70.000 đồng/lượng vào sáng nay. Đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,63 - 36,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm thêm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Các thông tin đáng chú ý khác
Đại hội cổ đông của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn -Sabeco (SAB - HOSE) vừa thông qua chỉ tiêu cơ bản với sản lương tiêu thụ đạt 1,7 triệu lít bia, tổng doanh thu 34.471 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.703 tỷ đồng, chia cổ tức dự kiến 35%.
Tại đại hội, cổ đông thắc mắc tại sao lợi nhuận 2016 tăng trưởng tốt mà kế hoạch 2017 thấp..>> Chi tiết
Theo tính toán của BMP, nếu giá nguyên liệu bình quân cả năm 2017 tăng 10% so với bình quân năm 2016, thì Công ty sẽ “mất” 240 tỷ đồng lợi nhuận.
Mặt khác, xuất hiện nhiều đối thủ mới, tăng cường đầu tư với quy mô lớn và áp dụng chính sách cạnh tranh ở mức độ “tàn phá thị trường”. Hiện mức chiết khấu của các đối thủ cũng đang rất lớn, cao hơn 12%, nên BMP cũng đang phải tính toán tăng mức chiết khấu để tăng khả năng cạnh tranh.. >> Chi tiết
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), một lãnh đạo cấp cao của công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin Trung Quốc - WeChat đã nhận được 40 triệu USD trong năm ngoái. Khoản tiền này bao gồm lương và thưởng.
Tuy nhiên, họ không tiết lộ danh tính của vị lãnh đạo này. Đây không phải là một con số bất ngờ với Tencent. Năm 2015, công ty này cũng đã trả một lãnh đạo cấp cao 35 triệu USD.. >> Chi tiết
- Trung Quốc mua 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu số 1 dầu thô của Việt Nam, với lượng nhập khẩu gần 50% tổng lương dầu thô xuất đi của Việt Nam trong 3 tháng qua.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn dầu thô, kim ngạch đạt hơn 637 triệu USD, giảm hơn 16% về lượng và tăng hơn 27% về giá trị. Bình quân, giá dầu thô đạt khoảng 424 USD/tấn (hơn 9,6 triệu đồng).
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 704.000 tấn, kim ngạch đạt hơn 293 triệu USD (bình quân, giá nhập của Trung Quốc là 416 USD/tấn (9,4 triệu đồng), thấp hơn gần 200.000 đồng/tấn so với mức giá xuất khẩu dầu toàn thị trường.
Đáng chú ý, so sánh với các đối tác nhập khẩu dầu thô của Việt Nam, giá dầu nhập của phía Trung Quốc luôn thấp hơn khá nhiều.
Cụ thể, giá dầu thô mà các đối tác từ Nhật Bản nhập của Việt Nam là 9,8 triệu đồng/tấn, cao hơn 400.000 đồng/tấn so với mức giá phía Trung Quốc nhập; giá dầu thô của Singapore nhập của Việt Nam là 9,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 100.000 đồng/tấn so với giá của Trung Quốc; giá dầu Thái Lan nhập là 9,8 triệu đồng, cao hơn 400.000 đồng/tấn so với giá của Trung Quốc...
Điều đáng lo ngại, từ năm 2014, khi giá dầu thô rớt giá xuống khoảng 40 USD/thùng, Trung Quốc đã tranh thủ nhập khẩu dầu thô của Việt Nam, còn trước đó, khi giá dầu cao nước này nhập rất ít.