Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khởi đầu tháng mới đầy biến động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index dao động mạnh trong phiên; "Sáng màu" lợi nhuận ngân hàng quý II; Cần "thông đường" cho trái phiếu doanh nghiệp; Phía sau những cuộc phiêu lưu mang tên penny; Kim loại có mức giảm mạnh nhất trong quý kể từ năm 2008…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khởi đầu tháng mới đầy biến động

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 1/7 giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không đổi chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 68,15 – 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,4 USD xuống mức 1.807,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp và lùi về gần 1.790 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,97 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 1/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.112 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.160 – 23.440 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 19.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và có thời điểm lên trên 20.500 USD, trước khi lùi về lại về gần 19.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,25 USD (+2,13%), lên 108,81 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,21 USD (+2,03%), lên 111,24 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index biến động mạnh

Ngày từ sớm, áp lực bán đã gia tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 22 điểm về dưới ngưỡng 1.180 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, chỉ số VN-Index giảm tiếp về sát mốc 1.170 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy khá tích cực tại vùng giá này đã giúp thị trường và dòng tiền sau đó hướng vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã dần lan rộng, giúp VN-Index hồi hơn 30 điểm, vượt qua 1.200 điểm và đáng tiếc không giữ được mốc này khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng, với SSI +4,8%, hàng loạt cổ phiếu trong nhóm này đã kéo từ vùng giá đỏ lên kịch trần như VCI, BSI, FTS, VIX, HCM, VND.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,42 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 286,25 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 1/7: VN-Index tăng 1,3 điểm (+0,11%), lên 1.198,9 điểm; HNX-Index tăng 1,19 điểm (+0,43%), lên 278,88 điểm; UpCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,46%), xuống 88,18 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Năm (30/6), kết thúc quý ảm đạm khi chỉ số S&P 500 khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết thúc tháng 6 và quý thứ hai trong mức tiêu cực, với chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 20,6% trong nửa đầu năm, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1970.

Chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cũng không tránh khỏi tình trạng lao dốc chóng mặt trong hai quý vừa qua. Dow Jones mất 11,3% trong quý II và giảm 15% từ đầu năm, mức giảm cao nhất kể từ năm 1962.

Nasdaq Composite, chỉ số vốn thiên về công nghệ đã sụt giảm 22,4% trong quý II, đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, với một số công ty công nghệ lớn ghi nhận mức giảm khó tin, như Netflix bốc hơi 71%, Meta lao dốc 52%, hai gã khổng lồ Apple và Alphabet lần lượt sụt 23% và 24,8%.

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones giảm 253,88 điểm (-0,82%), xuống 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,45 điểm (-0,88%), xuống 3.785,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 149,16 điểm (-1,33%), xuống 11.028,74 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, khi chịu tác động từ phiên lao dốc đêm qua trên Phố Wall, khi các nhà đầu tư lo lắng về sự suy giảm kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,73% xuống 25.935,62 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 2,1%.

Chỉ số Topix mất 1,38% xuống 1.845,04 điểm và giảm 1,1% trong tuần.

Tại Nhật Bản, các cổ phiếu lớn đều bị bán mạnh, với Fast Retailing giảm 4% và là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Nikkei 225, theo sau là cổ phiếu hãng sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron mất 3,7%.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác như Mitsubishi Corp giảm 5,38% và Mitsui & Co mất 5,51%, sau khi Nga chuyển sang thành lập công ty mới để phụ trách dự án dầu khí Sakhalin-2.

Công ty mới sẽ tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment Co, trong đó hai công ty thương mại Nhật Bản và Shell Plc chỉ nắm giữ dưới 50% cổ phần.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các cửa hàng bách hóa tăng, với Takashimaya tăng 8,8% và J.Front Retailing tăng 1,12%, sau khi lợi nhuận của họ chuyển sang dương trong quý gần nhất.

Chứng khoán Trung Quốc giảm theo chân thị trường châu Á khác, khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,23% xuống 3.387,64 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,41% xuống 4.466,72 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI300 tăng 1,6% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,3%.

Các thị trường chứng khoán châu Á khởi đầu tháng mới không ổn định dưới những đám mây đen về lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Cú sốc suy thoái bên ngoài dường như không thể tránh khỏi, nhưng hiệu suất dài hạn của chứng khoán Trung Quốc thực sự phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản trong nước,” các nhà phân tích của Guosheng Securities cho biết trong một lưu ý.

Nâng cao tâm lý thị trường là một cuộc thăm dò độc lập cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng vào tháng 6, lần mở rộng đầu tiên trong bốn tháng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ phát hành 300 tỷ nhân dân tệ (44,78 tỷ USD) trái phiếu tài chính để bổ sung vốn cho các dự án trọng điểm, hoặc cung cấp tài chính cầu nối cho các dự án được tài trợ bằng trái phiếu đặc biệt, truyền thông nhà nước hôm thứ Năm dẫn lời chính phủ.

Tin tức này đã thúc đẩy cổ phiếu kim loại màu, các công ty cơ sở hạ tầng và kỹ sư xây dựng tăng từ 0,8% đến 1,9%.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch cho Ngày thành lập Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,62% xuống 21.859,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,36% xuống 7.666,88 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị kéo lùi bởi các lĩnh vực bán dẫn và pin, và ghi nhận chuỗi giảm bốn tuần liên tiếp do lo ngại suy thoái bất chấp dữ liệu xuất khẩu mạnh hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 27,22 điểm, tương đương 1,17% xuống 2.305,42 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 2,59%.

Lo lắng về suy thoái kinh tế gia tăng đã lấn át dữ liệu xuất khẩu tháng 6 của Hàn Quốc tăng nhanh hơn kỳ vọng, nhưng vẫn ở tốc độ chậm nhất trong 19 tháng do lạm phát tăng cao hạn chế nhu cầu toàn cầu và thâm hụt thương mại tăng lên 2,47 tỷ USD, lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay.

Trong số các cổ phiếu lớn, công ty công nghệ Samsung Electronics giảm 1,40% và SK Hynix giảm 3,85%.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,91%, trong khi các công ty cùng ngành là Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 3,76% và 7,55%.

Kết thúc phiên 1/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 457,42 điểm (-1,73%), xuống 25.935,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,98 điểm (-0,32%), xuống 3.387,64 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 27,22 điểm (-1,17%), xuống 2.305,42 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- "Sáng màu" lợi nhuận ngân hàng quý II

Thông tin từ nhiều ngân hàng cho thấy bức tranh lợi nhuận quý II/2022 vẫn sáng màu..>> Chi tiết

- Cần "thông đường" cho trái phiếu doanh nghiệp

Trong bối cảnh việc vay vốn ngân hàng gặp khó khăn bởi giới hạn tăng trưởng tín dụng như hiện nay, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp càng trở nên quan trọng, cần được khuyến khích phát triển, thay vì lo ngại rủi ro mà siết chặt..>> Chi tiết

- Phía sau những cuộc phiêu lưu mang tên penny

Trên thị trường gấu, cổ phiếu penny với những câu chuyện đằng sau gắn với doanh nghiệp vẫn được một bộ phận nhà đầu tư, cả cá nhân và "tay to“ tham gia với 101 lý do..>> Chi tiết

- Giá bất động sản không ngừng tăng dù thanh khoản giảm, chưa phải lúc bắt đáy cổ phiếu

Báo cáo của SSI Research cho thấy, do nguồn cung khan hiếm, giá bất động sản tại Hà Nội và TP. HCM đều tiếp tục tăng, bất chấp thanh khoản thị trường sụt giảm..>> Chi tiết

- Kim loại có mức giảm mạnh nhất trong quý kể từ năm 2008

Các kim loại cơ bản đứng đầu trong đợt sụt giảm của quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi nền kinh tế Trung Quốc chỉ phục hồi một cách chậm chạp và lo ngại về nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái ngày càng gia tăng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ