Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên tệ nhất trong hơn một tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index có phiên lao dốc mạnh; Cổ phiếu phân bón không còn hấp dẫn; Cần chính sách niêm yết lần đầu phù hợp hơn; VN-Index có thể tiếp tục tăng lên 1.500 điểm bất chấp virus; Chứng khoán châu Á vẫn giảm sâu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên tệ nhất trong hơn một tháng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/8 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,45 – 57,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 7,7 USD xuống 1.780,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và rung lắc quanh 1.785 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,07% lên 93,64 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.166 đồng/USD, tăng 12 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.715 – 22.915 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,52 USD (-0,82%), xuống 63,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,56 USD (-0,69%), xuống 65,99 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm hồi lên trên 46.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên quanh 47.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index mất hơn 45 điểm, phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng

Thị trường giảm mạnh từ sớm và tổng cộng đã để mất hơn 45 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong một tháng kể từ phiên 19/7 (mất gần 56 điểm), khép lại một tuần giảm điểm sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp.

Đồ thị kỹ thuật tuần vẫn chưa chuyển trạng thái xấu khi tạo một nến đỏ nằm trên đường trung bình giá 20 tuần, khối lượng đạt mức tốt dù chưa đạt kỷ lục như tuần thứ 2 tháng 4.

Sự khác biệt của hôm nay ở chỗ, khối lượng giao dịch tăng đột biến nhưng mức độ đột biến cao hơn rất nhiều khi HOSE đã lập kỷ lục mọi thời đại về giá trị giao dịch 1 phiên khi đạt mức trên 38.000 tỷ đồng với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được trao tay.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 18,81 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 692,6 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/8: VN-Index giảm 45,42 điểm (-3,3%) xuống mức 1.329,43 điểm; HNX-Index giảm 8,01 điểm (-2,31%) xuống 338,06 điểm; UpCoM-Index giảm 2,01 điểm (-2,12%) xuống 92,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Tư (18/8) sau khi biên bản cuộc họp định kỳ của Fed vào tháng trước cho thấy dấu hiệu thắt chặt chính sách đang đến rất gần.

Biên bản cuộc họp ngày 27-28/7 của Fed cho thấy các quan chức chia ra hai phía, một nhóm bày tỏ lo lắng về lạm phát tăng nhanh và thúc giục các nhà hoạch định chính sách bắt tay vào chuẩn bị cho các động thái.

Một nhóm khác thì cho rằng sẽ còn mất thêm thời gian để đưa người Mỹ trở lại làm việc để và đòi hỏi sự kiên nhẫn từ ngân hàng trung ương.

Mặc dù vậy, biên bản cho thấy, Fed sẽ thảo luận về thời điểm giảm dần chương trình thu mua tài sản hỗ trợ nền kinh tế trong những cuộc họp tới.

Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Dow Jones giảm 382,59 điểm (-1,08%), xuống 34.960,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 47,81 điểm (-1,07%), xuống 44.400,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 130,27 điểm (-0,89%), xuống 14.525,91 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm, do cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô bị đè nặng sau khi Toyota cắt giảm sản lượng trên toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,98% xuống 27.013,25 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,87% xuống 1.880,68 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 3,4%, mức giảm trong một tuần lớn nhất kể từ giữa tháng Năm.

Hôm thứ Năm, Toyota Motor cho biết sẽ cắt giảm sản lượng toàn cầu trong tháng 9 xuống 40% so với kế hoạch trước đó và điều này ảnh hưởng mạnh đến các cổ phiếu cùng ngành với Honda Motor mất 4,84%, Nissan Motor giảm 7,25%, Denso giảm 8,83% trong khi Aisin mất 5,28%.

Trái lại, cổ phiếu phòng thủ tỏa sáng, với nhà sản xuất thực phẩm Ajinomoto, tăng 2,65%, Công ty Điện lực Tokyo, tăng 2,48% và nhà sản xuất thuốc Daiichi Sankyo tăng 2,44%.

Chứng khoán Trung Quốc cũng giảm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn chịu sức ép lớn từ các quy định thắt chặt của chính phủ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,1% xuống 4.327,33 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,91% xuống 4.769,27 điểm.

Trung Quốc trong tuần này đã công bố các quy định cứng rắn hơn về việc quản lý sử dụng dữ liệu và cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ. Không những vậy, sau những cuộc đàn áp đối với một loạt các công ty tư nhân trải dài các lĩnh vực từ sản xuất thép đến thương mại điện tử và giáo dục đã khiến niềm tin nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 9 tháng, do lo ngại sâu sắc hơn về suy thoái kinh tế và thắt chặt quy định của Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,84% xuống 24.849,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,95% xuống 8.742,44 điểm.

Các cuộc đàn áp về quy định thắt chặt, bắt nguồn từ lĩnh vực công nghệ đến nhiều ngành khác của Trung Quốc tiếp tục ám ảnh các nhà đầu tư, những người vốn đã lo lắng về một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, với chỉ số Công nghệ hôm nay giảm 3,6% xuống mức thấp mới kể từ khi chỉ số này thành lập.

Phiên hôm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group giảm 2,2% xuống còn 158,6 đô la Hồng Kông, chạm mức thấp nhất kể từ khi ra mắt tại Hồng Kông.

Các công ty chăm sóc sức khỏe cũng lao dốc khi với chỉ số phụ của ngành giảm 8,6%, với Alibaba Healthcare Information Technology và Wuxi Biologics lần lượt giảm mạnh 13,4% và 10,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc thêm một ngày ảm đạm, ghi nhận một tuần tệ nhất trong bảy tháng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,2% xuống 3.060,51 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 29/3. Trong tuần, chỉ số này giảm 3,49% theo tuần, mức giảm mạnh nhất nhất kể từ cuối tháng 1/2021.

Thị trường chịu tác động tiêu cực, sau thông tin nước này sẽ mở rộng các biện pháp tránh tiếp xúc xã hội trong hai tuần nữa, đồng thời thắt chặt một số biện pháp hơn nữa, vì tiếp tục có các ngày ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới ở mức kỷ lục.

Kết thúc phiên 20/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 267,92 điểm (-0,98%), xuống 27.013,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,22 điểm (-1,10%), xuống 3.427,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 466,61 điểm (-1,84%), xuống 24.849,72 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 37,32 điểm (-120%), xuống 3.060,51 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng bán lẻ đang có lực đẩy mạnh

Sự thay đổi tích cực của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 giúp lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam có một tương lai tươi sáng ở phía trước..>> Chi tiết

- Lợi nhuận còn tăng mạnh, nhưng định giá đã quá cao, cổ phiếu phân bón không còn hấp dẫn

Dự đoán lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phân bón sẽ còn tăng đến năm 2022, song giá cổ phiếu sẽ không tăng tương ứng. Từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu phân bón đã tăng giá hơn 100%..>> Chi tiết

- Cần chính sách niêm yết lần đầu phù hợp hơn

Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc đã chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển thị trường vốn tốt trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo..>> Chi tiết

- VN-Index có thể tiếp tục tăng lên 1.500 điểm bất chấp virus

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đẩy lên mức cao mới nhờ định giá rẻ và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan..>> Chi tiết

- Giá quặng sắt và đồng sụt giảm mạnh khi nhiều mối lo ngại gia tăng

Hôm thứ Năm (19/8), giá hàng hoá toàn cầu đã sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn như đồng USD sau khi lo ngại về chính sách tiền tệ của Mỹ và dấu hiệu tăng trưởng toàn cầu chậm lại..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ