Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán biến động mạnh, giá vàng tăng phi mã

(ĐTCK) VN-Index thu hẹp đà giảm; Tiền gửi vào ngân hàng giảm sau nhiều tháng liên tục tăng; Ngân hàng đua "gom" công ty chứng khoán; Chọn cổ phiếu để “vượt sai”; Dữ liệu kinh tế vĩ mô ổn định, Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 22/4 tăng tới 4,5 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng, hiện đứng ở mức 122,00 – 124,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng vọ 96,4 USD lên mức 3.423,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm gần 3.500 USD, trước khi lùi nhẹ về 3.456 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,36 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.877 đồng/USD, giảm 30 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.755 – 26.115 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 84.600 USD lên 86.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và vượt 88.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,88 USD (+1,40%), lên 63,96 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,97 USD (+1,46%), lên 67,23 USD/thùng.

VN-Index giảm gần 10 điểm

Sau những tín hiệu khá xấu ở cuối phiên sáng, thị trường tiếp tục bị bán mạnh hơn trong phiên chiều với không ít cổ phiếu đã về giá sàn, nhiều khả năng lệnh Force Sell đã được kích hoạt.

Chỉ số VN-Index lao dốc, mất 70 điểm mới bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại và dần thu hẹp đà đi xuống về cuối ngày, đóng cửa chỉ còn mất gần 10 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 22/4: VN-Index giảm 9,94 điểm (-0,82%), xuống 1.197,13 điểm; HNX-Index giảm 3,76 điểm (-1,78%), xuống 207,71 điểm; UpCoM-Index giảm 1,23 điểm (-1,35%), xuống 89,67 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên thứ Hai (21/4), khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường gây áp lực đến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, khiến các nhà đầu tư lo lắng về sự độc lập của ngân hàng trung ương.

Trong một động thái leo thang mẫu thuẫn mới, Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed và nói rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc suy thoái "trừ khi “Mr. Too Late” (ý nói ông Powell) hạ lãi suất NGAY BÂY GIỜ".

Kết thúc phiên 21/4: Chỉ số Dow Jones giảm 971,82 điểm (-2,48%), xuống 38.170,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 124,50 điểm (-2,36%), xuống 5.158,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 415,55 điểm (-2,55%), xuống 15.870,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong một phiên giao dịch rung lắc, giằng co khi sự thận trọng chiếm ưu thế, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về thuế quan của Mỹ và sự chỉ trích liên tục của Tổng thống Donald Trump đối với chủ tịch Fed.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,17% xuống 34.220,60 điểm. Chỉ số Topix tăng nhẹ 0,13% lên 2.532,12 điểm.

"Môi trường xung quanh thuế quan của Mỹ không thay đổi. Thị trường vẫn đang vật lộn để đánh giá mức độ tác động của nó đối với các công ty trong nước và toàn cầu", Hiroyuki Ueno, chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, với tâm lý thị trường vẫn đang bị đè nặng bởi căng thẳng thương mại với Mỹ, sau những cáo buộc mới từ Bắc Kinh vào đầu tuần này rằng Mỹ đang lạm dụng thuế quan.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,25% lên 3299,76 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,02% xuống 3.783,95 điểm.

Các quan chức Trung Quốc tuần này đã cảnh báo các quốc gia khác không nên tham gia các hiệp định thương mại có lợi cho Washington và gây thiệt hại cho Bắc Kinh.

Bất chấp tình trạng địa chính trị nhô ra, các nhà đầu tư vẫn hy vọng về các biện pháp kích thích bổ sung từ Bắc Kinh để chống lại tác động kinh tế của thuế quan của Mỹ. Trong đó, kỳ vọng bao gồm tăng phát hành trái phiếu và mở rộng chi tiêu của chính phủ.

Chứng khoán Hồng Kông giằng co và tăng điểm nhẹ về cuối ngày, trong bối cảnh lo ngại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt câu hỏi về chính sách tiền tệ của Fed.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,78% lên 24.562,32 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,68% lên 7.950,79 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ sau liên tiếp ba phiên trước đó tăng điểm, do lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn đang đeo bám thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,78 điểm, tương đương 0,05% xuống 2.486,64 điểm.

Trong khi có các dấu hiệu đáng khích lệ trong các cuộc đàm phán thương mại Hàn Quốc - Mỹ chuẩn bị diễn ra, tâm lý giới đầu tư vẫn thận trọng khi Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa các quốc gia đứng về phía Mỹ nếu tổn hại đến Bắc Kinh.

Kết thúc phiên 22/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 59,32 điểm (-0,17%), xuống 34.220,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,32 điểm (+0,25%), lên 3.299,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 167,18 điểm (+0,78%), lên 21.562,32 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 1,78 điểm (-0,07%), xuống 2.486,64 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tiền gửi vào ngân hàng giảm sau nhiều tháng liên tục tăng

Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp, kéo huy động vốn ngân hàng sụt giảm đầu năm nay..>> Chi tiết

- Ngân hàng đua "gom" công ty chứng khoán

Không ít ngân hàng lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán trong năm nay, với mục tiêu tham vọng mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng..>> Chi tiết

- Chọn cổ phiếu để “vượt sai”

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầy thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội đáng chú ý cho các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn..>> Chi tiết

- Dữ liệu kinh tế vĩ mô ổn định, Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản

Trung Quốc hôm 21/4 quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản khi dữ liệu kinh tế vĩ mô mạnh mẽ cho phép Ngân hàng Trung ương của nước này có dư địa để tập trung vào việc ổn định đồng nhân dân tệ..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục