Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bất ngờ lao dốc

(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 20 điểm; Giảm sở hữu chéo ngân hàng, cần thêm công cụ; Cuộc đua tăng vốn: Công ty chứng khoán ngoại hụt hơi; Hy vọng sáng cho nhóm thủy sản; Fed dự kiến sẽ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 20,6 USD xuống 2.303,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên trên 2.320 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,65 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.249 đồng/USD, tăng 4 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.221 – 25.461 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ gần 69.900 USD xuống 66.900 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại và đi ngang cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,18 USD (-0,23%), xuống 78,44 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,06 USD (-0,06%), xuống 82,70 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 21 điểm

Sau phiên sáng cố gắng níu giữ mốc 1.300 điểm đầy khó nhọc, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái giằng co, rung lắc nhẹ quanh ngưỡng này.

Tuy nhiên, áp lực bán đã gia tăng khiến VN-Index giảm dần về 1.290 điểm và lao dốc và về dưới 1.280 điểm trong phiên ATC khi áp lực bán giá thấp gia tăng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 17,1 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 581,4 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/6: VN-Index giảm 21,6 điểm (-1,66%), xuống 1.279,91 điểm; HNX-Index giảm 4,39 điểm (-1,77%), xuống 243,97 điểm; UpCoM-Index giảm 0,96 điểm (-0,97%), xuống 98,05 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số liên quan đến công nghệ của chứng khoán Mỹ tiếp tục là động lực cho thị trường trong phiên thứ Năm (13/6). Trong khi nhà đầu tư ít phản ứng với dữ liệu PPI trái ngược với dự báo.

Một báo cáo của Bộ Lao động cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ bất ngờ giảm 0,2% so với tháng trước trong tháng 5, đi ngược so với dự báo tăng 0,1% từ giới phân tích.

Phiên này, lĩnh vực công nghệ tăng 1,4% và chỉ số về chất bán dẫn tăng 1,5%, cả hai đều đạt mức cao nhất mọi thời đại và đóng góp chính cho S&P 500 và Nasdaq Composite.

Kết thúc phiên 13/6: Chỉ số Dow Jones giảm 65,11 điểm (-0,17%), xuống 38.647,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,71 điểm (+0,23%), lên 5.433,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 59,12 điểm (+0,34%), lên 17.667,56 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi các nhà giao dịch chờ đợi kết quả của cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương nước này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,24% lên 38.814,56 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,54% lên 2.746,61 điểm.

Các nhà đầu tư đang nóng lòng muốn tìm hiểu định hướng tiếp theo về chương trình mua trái phiếu thường kỳ trị giá 6 nghìn tỷ yên (38,14 tỷ USD) của ngân hàng trung ương, Nhật Bản (BOJ), sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin BOJ có thể quyết định cắt giảm định kỳ khoảng 1 nghìn tỷ yên.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, trong khi đồng nhân dân tệ yếu và lo ngại về các hạn chế thương mại của phương Tây đối với các công ty Trung Quốc.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,12% lên 3.032,63 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,44% lên 3.541,53 điểm.

Tâm lý giao dịch thận trọng hơn sau khi đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp mới trong bảy tháng so với đồng USD.

Trong khi đó, thông tin khác là việc Mỹ đang xem xét thực hiện các bước bổ sung để trừng phạt các công ty Trung Quốc đã cung cấp cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nga.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi giới đầu tư thận trọng theo dõi các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc vào đầu tuần tới.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,94% xuống 17.941,78 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,73% xuống 6.374,66 điểm.

Các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị cho dữ liệu kinh tế mới vào thứ Hai, khi Cục thống kê Trung Quốc chuẩn bị công bố những con số về về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư cũng như giá nhà.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng có thể công bố số liệu về giá trị các khoản cấp tín dụng mới, đồng thời dự kiến ​​công bố lãi suất cho vay chính thức vào tuần tới.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, khi các cổ phiếu công nghệ được thúc đẩy nhờ nhóm cổ phiếu cùng ngành trên Phố Wall đêm qua tiếp tục tăng.

Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 3,53 điểm, tương đương 0,13%, lên 2.758,42 điểm. Trong tuần, chỉ số này tăng khoảng 1,3% sau khi tăng đáng kể 3,3% trong tuần trước đó - mức tăng lớn nhất kể từ cuối tháng 1.

Kết thúc phiên 14/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 94,09 điểm (+0,24%), lên 38.814,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,75 điểm (+0,12%), lên 3.032,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 170,85 điểm (-0,94%), xuống 17.941,78 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,53 điểm (+0,13%), lên 2.758,42 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Giảm sở hữu chéo ngân hàng, cần thêm công cụ

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông tổ chức, nhóm cổ đông nhằm giảm sở hữu chéo và nguy cơ thao túng hoạt động của ngân hàng..>> Chi tiết

- Cuộc đua tăng vốn: Công ty chứng khoán ngoại hụt hơi

Vốn chủ sở hữu của nhóm các công ty chứng khoán trên thị trường Việt Nam có thể tăng thêm 20% sau các đợt tăng vốn vừa được công bố từ đầu năm tới nay. Đáng chú ý, hoạt động tăng vốn chủ yếu diễn ra tại nhóm công ty chứng khoán nội..>> Chi tiết

- Hy vọng sáng cho nhóm thủy sản

Xuất khẩu thủy sản phục hồi khả quan từ đầu năm, mở ra triển vọng sáng cho nhóm cổ phiếu ngành này..>> Chi tiết

- Fed dự kiến sẽ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay và 4 lần vào năm 2025

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay do lạm phát tiến đến mục tiêu 2% chậm hơn mong đợi..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục