Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 16/8 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 78,00 – 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 8,6 USD lên 2.456,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục đà đi tăng và lên trên 2.460 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,85 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.254 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.890 – 25.230 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 59.300 lên 59.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã giảm về 56.600 USD, trước khi hồi phục lên 58.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,09 USD (-1,39%), xuống 77,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,89 USD (-1,10%), xuống 80,15 USD/thùng.
VN-Index tăng vọt
Lực cầu nhanh chóng nhập cuộc sôi động đã giúp bảng điện tử tràn ngập sắc xanh và VN-Index không ngừng nới rộng biên độ đi lên.
Tâm lý hưng phấn tiếp diễn về cuối phiên, và VN-Index duy trì đà tịnh tiến, băng qua mốc 1.250 điểm khi đóng cửa, với sắc tím đang dần “nở rộ” ở nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản.
Kết thúc phiên giao dịch 16/8: VN-Index tăng 28,67 điểm (+2,34%), lên 1.252,23 điểm; HNX-Index tăng 6,61 điểm (+2,89%), lên 235,15 điểm; UPCoM-Index tăng 1,26 điểm (+1,36%), lên 93,44 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ thêm một phiên tăng vọt trong ngày thứ Năm (15/8), sau khi dữ liệu bán lẻ đáng khích lệ đã xoá bỏ lo ngại về suy thoái kinh tế.
Doanh số bán lẻ của Mỹ hồi phục với mức tăng 1% trong tháng 7, vượt xa mức dự báo chỉ là tăng 0,3%. Điều này đã giúp lo ngại giảm đáng kể về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 15/8: Chỉ số Dow Jones tăng 554,67 điểm (+1,39%), lên 40.563,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 88,01 điểm (+1,61%), lên 5.543,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 401,89 điểm (+2,23%), lên 17.594,50 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng gần 3% và ghi nhận tuần tốt nhất trong hơn 4 năm, khi dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ đã xóa tan những lo ngại về suy thoái kinh tế lớn nhất thế giới.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,64% lên 38.062,67 điểm và tăng 8% trong tuần, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số Topix tăng 2,99% lên 2.678,60 điểm.
Đà tăng diễn ra trên diện rộng, với 219 trong số 225 cổ phiếu của Nikkei 225 tăng điểm, trong đó, nhiều tên tuổi lớn tăng mạnh.
Theo đó, cổ phiếu Fast Retailing tăng 6,2%, trong khi cổ phiếu liên quan đến chip Tokyo Electron tăng 4,8%, cùng với Advantest tăng 6,8%.
Mặt khác, đồng yên suy yếu so với đồng USD cũng đã góp thêm phần tích cực thúc đẩy tâm lý thị trường, với các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu cũng đều tăng điểm, như nhà sản xuất ô tô Toyota Motor, tăng khoảng 2%.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhẹ và đóng cửa gần như không đổi, khi thị trường vẫn trong trạng thái giao dịch thận trọng.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,07% lên 2.879,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,11% lên 3.345,63 điểm.
Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, được thúc đẩy bởi đợt tăng giá của cổ phiếu ngành công nghệ do JD.com dẫn đầu sau khi công ty này công bố lợi nhuận khả quan.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,84% lên 17.423,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,07% lên 6.160,33 điểm.
Chỉ số công nghệ tăng 2,1%, với cổ phiếu JD.com tăng 8,6%, sau khi lợi nhuận quý của công ty này tăng gần gấp đôi trong quý vừa qua, ngay cả khi cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Cổ phiếu công ty ngang hàng như Alibaba tăng 4,4%, sau khi báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 4% trong quý II và Tencent tăng 1,1%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, cũng nhờ lo ngại giảm bớt về suy thoái kinh tế tại Mỹ sau khi doanh số bán lẻ tháng 7 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng mạnh.
Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 52,73 điểm, tương đương 1,99% lên 2.697,23 điểm.
Các cổ phiếu lớn đều tăng, với hai cổ phiếu chip Samsung Electronics tăng 3,89% và SK hynix tăng 7%. Các cổ phiếu sản xuất ô tô cũng tăng mạnh với Hyundai Motor tăng 5,81% và Kia Corp tăng 3,52%.
Kết thúc phiên 16/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1.336,03 điểm (+3,64%), lên 38.062,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,07 điểm (+0,07%), lên 2.879,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 321,02 điểm (+1,88%), lên 17.430,16 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 52,73 điểm (+1,99%), lên 2.697,23 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- NIM ngân hàng giữ đà tăng
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đi lên và lãi suất cho vay phải giảm theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, biên lãi thuần (NIM) của các nhà băng vẫn được cải thiện..>> Chi tiết
- Công ty chứng khoán vẫn “sống nhờ” tự doanh
Không quá khác biệt trong vài năm qua khi cơ cấu doanh thu công ty chứng khoán được đóng góp chủ yếu từ mảng môi giới, margin, tự doanh, số ít có thêm mảng IB, nhưng động lực tăng trưởng chính lại đến từ tự doanh và margin..>> Chi tiết
- Cơ hội luôn thường trực nhưng hãy cẩn trọng
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ chia sẻ góc nhìn như vậy về nhịp chỉnh của thị trường chứng khoán vừa qua..>> Chi tiết
- "Lão tướng" phố Wall Ed Yardeni: Fed sẽ chỉ hạ lãi suất một lần trong năm nay
Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm mạnh lãi suất khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong mùa hè này có thể sẽ thất vọng, khi nền kinh tế phát triển quá mạnh mẽ của Mỹ không phù hợp để Fed nới lỏng chính sách mạnh tay..>> Chi tiết