Thị trường tài chính 24h: Chưa thấy lối thoát

(ĐTCK) VN-Index xuống dưới 975 điểm; Nợ xấu không còn là điểm nóng tại Đại hội 2019; VN30: Một nửa không vững đà tăng trưởng?; Thúc vốn chảy vào chứng khoán: Mấu chốt là minh bạch và niềm tin; Cứu dự án chết, cần bàn tay thị trường;  Dù chịu áp lực, Fed không vội vã điều chỉnh lãi suất...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

VN-Index tiếp tục diễn biến nhàm chán

VN-Index tiếp tục giảm trong phiên sáng, có lúc bị đẩy lùi về sát 970 điểm. Sau đó, lực cầu gia tăng đã giúp chỉ số bật lên, tuy nhiên dòng tiền chưa đủ mạnh, khiến diễn biến lình xình quanh mốc 975 điểm là chủ đạo.

Bước sang phiên chiều, dòng tiền vẫn nhúc nhắc tham gia. Tuy nhiên, sau hơn 30 phút giằng co, áp lực bán gia tăng, trong đó nhóm cổ phiếu nhà Vin cùng BVH là gánh nặng chính. Mặc dù về cuối phiên, VN30-Index nâng đỡ, nhưng đã không đủ sức để giúp thị trường bảo toàn được mốc 975 điểm.

Nhóm VN30 cân bằng hơn với 13 mã tăng và 14 mã giảm. Các mã TCB, MSN, STB, SSI, HPG, FPT, NVL, VNM… đều tăng nhẹ.

Bộ 3 nhà Vin  gia tăng sức cản, VIC giảm 1% xuống 112.500 đồng, VHM giảm 1,1% xuống 90.400 đồng, VRE giảm 1% xuống 36.100 đồng.

Nhóm dầu khí cũng kém sắc với GAS giảm 1,3% xuống 112.500 đồng, PLX giảm 1,4% xuống 61.600 đồng, PVD giảm 1,5% xuống 19.200 đồng, PXS giảm 2,9% xuống 5.000 đồng...

BVH vẫn duy trì mức giảm sàn 6,9% và đóng cửa tại mức giá 76.700 đồng, là phiên giảm sàn thứ 2.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, VHG bảo toàn sắc tím; OG tăng 6,8% lên 3.950 đồng.

Trái lại, PPI có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp, giảm 6,9% xuống mức 940 đồng, dư bán sàn 833.480 đơn vị. HVG dư bán sàn hơn 4,21 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 420.520 đơn vị, trong khi phiên hôm qua bán ròng 1,49 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua ròng xấp xỉ phiên hôm qua, đạt 49,12 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 3/5: VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,45%), xuống 974,14 điểm; HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,12%), xuống 106,87 điểm; UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,23%), xuống 55,77 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Năm do nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu thô và nhà đầu tư vẫn đang “tiêu hóa” những thông tin từ bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày thứ Tư.

Theo đó, ông Powell cho biết, lạm phát giảm trong năm nay chủ yếu do các yếu tố nhất thời làm giảm kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối năm của một số nhà đầu tư.

Đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tháng 5 và dường như câu ngạn ngữ “Sell in May and away” đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trọng tâm chú ý của nhà đầu tư đang là báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu. Theo dự báo của các nhà phân tích, bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 4 sẽ có thêm 190.000 việc làm.

Tuy nhiên, việc làm trong lĩnh vưc tư nhân (ADP) được công bố hôm thứ Tư (1/5) đạt 275.000 việc làm, cao hơn nhiều so với kỳ vọng 177.000 việc làm, khiến nhiều người nghĩ rằng, bảng lương phi nông nghiệp sẽ cao hơn con số kỳ vọng.

Kết thúc phiên 2/5, chỉ số Dow Jones giảm 122,35 điểm (-0,46%), xuống 26.307,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,21 điểm (-0,21%), xuống 2.917,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 12,87 điểm (-0,16%), xuống 8.036,77 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ đến ngày 6/5.

Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch ngày lễ lao động.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng, sau khi ước tính thu nhập của HSBC Holdings cao hơn dự kiến đã nâng đỡ thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,46% lên 30.081,55 điểm. Trong tuần, chỉ số tăng 1,6%.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,16% lên 11.575,05 điểm. Chỉ số tăng 0,6% trong tuần.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 0,8%, ngành bất động sản tăng 0,5%, năng lượng giảm 0,7% và CNTT mất 0,3%.

HSBC đánh bại dự báo với mức tăng 31% lợi nhuận trong quý đầu tiên, nhờ sự tăng trưởng trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi tại châu Á và chi phí giảm.

Cổ phiếu của Hang Seng Bank Ltd, một phần của tập đoàn HSBC, đã tăng tới 2,6%, sau tuyên bố tạm ứng cổ tức cao hơn kế hoạch.

Phiên hôm nay, cổ phiếu tăng cao nhất là Techtronic Industries Co Ltd, tăng 4,3%, trong khi CNOOC Ltd giảm sâu nhất khi mất 1,6%.

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất có China Railway Group Ltd, tăng 2,5%,Shenzhou International Group Holdings Ltd và Conch Cement Co Ltd, tăng lần lượt 2,3% và 1,9%,.

Kết thúc phiên 3/5:  Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 137,37 điểm (+0,46%), lên 30.801,55 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC tiếp tục giảm. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.310 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 10.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,07 - 36,26 triệu đồng/lượng, giảm thêm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.033 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.210 - 23.310 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nợ xấu không còn là điểm nóng tại Đại hội 2019

Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao, sạch nợ tại VAMC hay những kế hoạch cụ thể cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2019 được trình bày tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 khiến cổ đông của nhiều ngân hàng không còn quan tâm nhiều về nợ xấu..>> Chi tiết

VN30: Một nửa không vững đà tăng trưởng?

Đến cuối tháng 4/2019, trong danh sách các doanh nghiệp có cổ phiếu được chọn vào rổ tính VN30 có 18 đơn vị công bố kết quả kinh doanh quý I/2019..>> Chi tiết

Thúc vốn chảy vào chứng khoán: Mấu chốt là minh bạch và niềm tin

TTCK Việt Nam kể từ đầu năm đến cuối tháng 4/2019 có diễn biến tích cực về chỉ số, nhưng tình trạng thanh khoản giảm khá mạnh cho thấy sức cầu đang có phần hụt hẫng..>> Chi tiết

Cứu dự án chết, cần bàn tay thị trường

Quản lý nguồn lực đầu tư vào các dự án kinh tế, cũng như sử dụng nguồn vốn đầu tư kém hiệu quả đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn một thời được mệnh danh là "những quả đấm thép" của nền kinh tế..>> Chi tiết

Dù chịu áp lực, Fed không vội vã điều chỉnh lãi suất

Sau phiên họp chính sách ngày 1/5 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào cho bước đi tiếp theo của cơ quan này..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục