Thị trường tài chính 24h: Chờ sóng cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) VN-Index tăng lên 990 điểm; Tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% vào giữa tháng 11; Hụt thu ngân sách từ thoái vốn, cổ phần hóa: Lỗi tại ai?; Chờ sóng bán vốn ngoại ngân hàng 2021; Chứng khoán châu Á đa số tăng điểm; IMF, G20 cảnh báo quá trình phục hồi kinh tế có thể bị trật bánh, rủi ro vẫn rất cao…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Thị trường tài chính 24h: Chờ sóng cổ phiếu ngân hàng

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 20/11 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 55,70 – 56,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 5,5 USD xuống 1.866 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,08% lên 92,37 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.179 đồng, tăng 15 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.085 - 23.265 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,27 USD (+0,65%), lên 42,01 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,44 USD (+1,00%), lên 44,64 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index chạm mốc 990 điểm

Trong phiên sáng, áp lực rung lắc, phân hóa đã diễn ra mạnh mẽ khi VN-Index tiến gần tới vùng 1.000 điểm.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, sự thận trọng được thay thế bởi tâm lý hưng phấn, giúp dòng tiền tiếp tục được bơm mạnh vào thị trường và dẫn dắt VN-Index vọt lên 990 điểm khi đóng cửa.

Những thành viên mới nhất của nhóm VN30 là TCH và KDH có phiên giao dịch khá ấn tượng khi đều tăng kịch trần.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã vừa và nhỏ cũng giao dịch khá nóng trong phiên hôm nay như PDR, PET, HNG, VGC, JVC… đã đua nhau tăng trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,36 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là mua ròng 57,17 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 20/11: VN-Index tăng 6,74 điểm (+0,69%), lên 990 điểm; HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,24%), lên 147,21 điểm; UpCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,57%), lên 66,43 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nhích nhẹ trong phiên ngày thứ Năm (19/11), được thức đẩy bởi hy vọng về gói kích thích tài chính mới đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư, bất chấp những thông tin về tình hình đại dịch và thất nghiệp gia tăng.

Bộ Lao động Mỹ báo cáo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 14/11 là 742.000 người, tăng 320.237 người so với tuần trước đó, dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân viên ở quy mô lớn do các biện pháp hạn chế mới.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones tăng 41,81 điểm (+0,15%), lên 29.483,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,08 điểm (+0,39%), lên 3.581,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 103,11 điểm (+0,31%), lên 11.904,71 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, do sự gia tăng của các ca nhiễm mới Covid-19 trong nước ở mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại rằng các quan chức sẽ đặt ra những hạn chế mới đối với hoạt động kinh doanh.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,42% xuống 25.527,37 điểm. Chỉ số Topix nhích nhẹ 0,06% lên 1.727,39 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 0,6% trong tuần này, đạt mức cao nhất trong 29 năm vào thứ Ba khi có các thông tin tích cực về một số loại vắc-xin Covid 19.

Tuy nhiên, sự lạc quan nhanh chóng phai nhạt khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể suy yếu trước khi vắc-xin được phổ biến rộng rãi.

Giao dịch đáng kể nhất hôm nay tại Hãng sản xuất điều hòa không khí Daikin, khi cổ phiếu giảm hơn 2,6%, sau khi Nhật báo Nikkei đưa tin, nhà sản xuất xe điện Tesla đang xem xét sản xuất điều hòa không khí cho gia đình.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vật liệu và máy móc, nhưng lo ngại vẫn gia tăng khi các vụ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu gần đây đang đe dọa sự phục hồi nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,44% lên 3.377,73 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,31% lên 4.943,29 điểm.

Trong tuần, CSI300 tăng 1,78%, trong khi SSEC tăng 2,04%.

COSCO Shipping Holdings Co tăng hết biên độ +10% là động lực lớn nhất cho ngành công nghiệp, trong khi Zijin Mining Group Co tăng 7,2%, dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu vật liệu.

Đáng chú ý nhất hôm nay là việc Cơ quan quản lý thị trường trái phiếu liên ngân hàng của Trung Quốc vừa cho biết, sẽ tiến hành điều tra 3 ngân hàng vì vai trò của họ trong việc bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Tập đoàn Yongcheng Coal & Electric Holding phát hành - Công ty đã vỡ nợ trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ vào tuần trước.

Động thái này diễn ra sau khi một số công ty nhà nước Trung Quốc, bao gồm công ty mẹ của đối tác liên doanh Trung Quốc và BMW là Huachen và Tsinghua Unigroup vỡ nợ và gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ sự dẫn dắt của 2 nhóm cổ phiếu là tiêu dùng và vật liệu.

Đóng cửa Hang Seng-Index tăng 0,36% lên 26.451,54 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,02% xuống 10.553,35 điểm.

Trong tuần, HSI tăng 1,13%, còn HSCE tăng 0,1 %.

Chỉ số phụ theo dõi ngành vật liệu tăng 2,74%, trong khi ngành tiêu dùng chủ lực kết thúc tăng 1,69%.

Cổ phiếu Hàn Quốc nhích lên, tăng tuần thứ ba liên tiếp, khi sự lạc quan về khả năng đột phá của các vắc-xin Covid-19 đã bù đắp cho những lo ngại về các ca nhiễm mới đang gia tăng ở trong nước.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 6 0,24%, lên 2,553,50 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã tăng 2,4%.

Kết thúc phiên 20/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 106,97 điểm (-0,42%), xuống 25.527,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,64 điểm (+0,44%), lên 3.377,73 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,57 điểm (+0,36%), lên 26.451,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,08 điểm (+0,24%), lên 2.553,50 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% vào giữa tháng 11, dự kiến đạt 10% cuối năm 2020

Thông tin từ NHNN cho biết, đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%); trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%..>> Chi tiết

- Hụt thu ngân sách từ thoái vốn, cổ phần hóa: Lỗi tại ai?

“Rẻ mua chơi, đắt để đó”, tâm lý chung của các nhà đầu tư được nhìn nhận sẽ lặp lại trong nhiều phiên thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiềm năng, bởi một số quy định về định giá cổ phần thoái vốn “khá cứng” chưa được sửa đổi..>> Chi tiết

- Chờ sóng bán vốn ngoại ngân hàng 2021

Làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) ngân hàng đang trở lại, nhưng không phải giữa các ngân hàng nội, mà với đối tác chiến lược nước ngoài..>> Chi tiết

- IMF, G20 cảnh báo quá trình phục hồi kinh tế có thể bị trật bánh, rủi ro vẫn rất cao

Các nhà lãnh đạo của nền kinh tế toàn cầu đang cảnh báo rằng sự phục hồi từ cuộc suy thoái năm nay đang gặp rủi ro và có thể bị trật bánh khi sự hồi sinh của Covid-19 buộc các hộ gia đình và công ty phải thực hiện các biện pháp hạn chế..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục