Thị trường tài chính 24h: Chỉ số VN-Index đang được định giá thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index áp sát mốc 1.270 điểm; Nhu cầu vàng trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024; Chứng khoán thêm một năm “uốn lượn”; Dòng tiền ưu tiên "hàng hiệu"; Thuế quan của Tổng thống Trump đẩy Mỹ ra ngoài hệ thống thương mại toàn cầu?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Chỉ số VN-Index đang được định giá thấp

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 5/2 tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 88,00 – 91,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 27,6 USD, tương ứng tăng 0,98% lên mức 2.842,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 2.865 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.395 đồng/USD, tăng 35 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.980 – 25.340 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 98.800 USD lên 99.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã điều chỉnh và lùi về 97.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,58 USD (-0,80%), xuống 72,12 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,63 USD (-0,87%), xuống 75,54 USD/thùng.

VN-Index tăng lên gần 1.270 điểm

Thị trường khởi sắc từ sớm và có lúc vượt 1.27 điểm. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, VN-Index bị đẩy lùi trở lại dù nhận được sự hỗ trợ khá đắc lực của các bluechip như VCB, VNM, VHM, VRE, LPB…, cũng như sự hồi phục trở lại của nhóm công nghệ.

Thị trường một lần nữa lại được kéo lên để thử thách ngưỡng 1.270 điểm về cuối phiên, và cũng như phiên sáng, VN-Index không thể qua được ải này do dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch 5/2: VN-Index tăng 4,93 điểm (+0,39%), lên 1.269,61 điểm; HNX-Index tăng 1,37 điểm (+0,61%), lên 227,98 điểm; UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (+0,61%), lên 95,9 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên thứ Ba (4/2), khi giới đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ không diễn ra một cuộc chiến thương mại sau khi Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối với Mexico và Canada.

Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hoá lỏng nhập khẩu từ Mỹ, và tăng thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô, có hiệu lực từ ngày 10/2.

Kết thúc phiên 4/2: Chỉ số Dow Jones tăng 134,13 điểm (+0,30%), lên 44.556,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 43,31 điểm (+0,72%), lên 6.037,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 262,06 điểm (+1,35%), lên 19.654,02 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, khi có dự báo ngày một mạnh hơn vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất, trong khi đồng yên mạnh lên cũng gây tổn thất đối với thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,09% lên 38.831,48 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,27% lên 2.745,41 điểm.

"Yếu tố cơ bản của thị trường không yếu nhưng các nhà đầu tư ngắn hạn đã bán mạnh hợp đồng tương lai Nikkei 225 khi đồng yên mạnh lên, điều này đẩy chỉ số Nikkei xuống thấp hơn", Yusuke Sakai, một nhà giao dịch cấp cao tại T&D Asset Management, cho biết.

Đồng yên tăng 0,6% so với đồng USD trong phiên giao dịch châu Á lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 12 năm 2024.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đã đạt mức cao mới trong nhiều năm, sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy tiền lương tăng, một thước đo quan trọng cho chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Chứng khoán Trung Quốc giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới âm lịch Ất Tỵ, khi các nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại với Mỹ và sự cường điệu xung quanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,65% xuống 3.229,49 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,58% xuống 3.795,08 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi phản ứng tiếp theo của Bắc Kinh đối với chính sách thuế quan của Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,03% xuống 20.576,73 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,12% xuống 7.557,64 điểm.

Những loạt đạn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới nhất cho thấy rõ rằng Tập Cận Bình đang có cách tiếp cận thận trọng hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các cổ phiếu công nghệ đều tăng theo chân những công ty cùng ngành trên Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 27,58 điểm, tương đương 1,11% lên 2.509,27 điểm.

Các cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,3% SK Hynix tăng 4%, LG Energy Solutions tăng 3,6%.

Dữ liệu đáng chú ý khác là lạm phát của Hàn Quốc đã tăng lên 2,2% vào tháng 1/2025, mức cao nhất trong sáu tháng, do đồng won yếu đã khiến tăng chi phí nhập khẩu.

Điều này hỗ trợ quyết định giữ lãi suất ở mức 3% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cân bằng mối quan tâm về tăng trưởng kinh tế với áp lực tiền tệ trong bối cảnh bất ổn chính trị.

Kết thúc phiên 5/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 33,11 điểm (+0,09%), lên 38.831,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,11 điểm (-0,65%), xuống 3.229,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 202,25 điểm (-0,97%), xuống 20.587,71 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 27,58 điểm (+1,11%), lên 2.509,27 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhu cầu vàng trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024

Theo báo cáo thường niên của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh mua vào và nhu cầu đầu tư tăng trưởng..>> Chi tiết

- Chứng khoán thêm một năm “uốn lượn”

Với triển vọng tích cực, cùng thực tế chỉ số VN-Index đang được định giá thấp với P/E chỉ 14,6 lần, không khó để chỉ số này tăng trong năm 2025 và chinh phục cột mốc 1.400 điểm, hướng tới 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm..>> Chi tiết

- Dòng tiền ưu tiên "hàng hiệu"

Năm 2024, thị trường chứng khoán tăng hơn 12%, chủ yếu nhờ một số nhóm cổ phiếu lớn. Kỳ vọng, thị trường năm 2025 sẽ khởi sắc hơn, nhất là giai đoạn cuối năm. Trong đó, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu chất lượng cao..>> Chi tiết

- Thuế quan của Tổng thống Trump đẩy Mỹ ra ngoài hệ thống thương mại toàn cầu?

Ngày càng nhiều quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, đang ký kết các thỏa thuận thương mại khi chính quyền Tổng thống Donald Trump dựng hàng rào thuế quan cao hơn quanh hoạt động thương mại toàn cầu của mình..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục