Thị trường tài chính 24h: Áp lực đáo nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thêm một phiên nhích nhẹ; Ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp; Bất động sản quay cuồng trong áp lực đảo nợ trái phiếu; Nhiều doanh nghiệp niêm yết về đích sớm; Mỹ cắt giảm dự báo sản lượng dầu đá phiến trong năm 2023…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Áp lực đáo nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/11 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,50 – 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 37,1 USD lên mức 1.712,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên, nhưng chỉ chạm 1.715 USD đã bị đẩy ngược về gần 1.710 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,00 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.688 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.722 – 24.872 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua biến động khá mạnh và lùi về gần 18.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lao dốc và về gần 17.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,65 USD (-0,73%), xuống 88,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,58 USD (-0,61%), xuống 94,78 USD/thùng.

VN-Index thêm một phiên tăng nhẹ

Thị trường mở cửa tiếp tục tăng điểm, VN-Index có lúc được kéo lên ngưỡng 995 điểm. Tuy nhiên, đà bán tháo tại một số mã bất động sản lớn là NVL, PDR, khiến VN-Index không thể bứt lên.

Bước sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục lùi và giằng co quanh 985 điểm trước khi thủng tham chiếu do lực bán gia tăng. Tuy vậy, sự nâng đỡ của nhóm ngân hàng, cùng một số mã lớn khác đã giúp chỉ số đã thoát hiểm, ghi nhận phiên tăng nhẹ.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 26,19 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 677,94 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/11: VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,40%), lên 985,59 điểm; HNX-Index tăng 1,62 điểm (+0,81%), lên 201,39 điểm; UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,11%), xuống 72,2 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng phiên thứ Ba (8/11), khi người dân bắt đầu đi bỏ phiếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng, với các nhà đầu tư hy vọng vào một chiến thắng ở một hoặc cả hai viện quốc hội cho Đảng Cộng hòa.

Jay Hatfield, Giám đốc điều hành Capital Management, cho biết: “Chúng tôi thực sự đang xem xét cổ phiếu lĩnh vực quốc phòng là bên chiến thắng sắp tới, bởi nếu Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, chúng tôi rõ ràng sẽ có chi tiêu quốc phòng cao hơn”.

Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Dow Jones tăng 333,83 điểm (+1,02%), lên 33.160,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,31 điểm (+0,56%), lên 3.828,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 51,68 điểm (+0,49%), lên 10.616,20 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi chạm mức cao nhất gần hai tháng trong phiên trước đã khiến áp lực chốt lời gia tăng và giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn với liệu lạm phát của Mỹ sắp được công bố để đánh giá con đường tăng lãi suất tiếp theo của Fed.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,56% xuống 27.716,43 điểm. Chỉ số Topix mất 0,41% xuống 1.949,49 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất phiên này là của nhà sản xuất trò chơi điện tử Nintendo, giảm 7,1% sau khi cắt giảm dự báo doanh số bán hàng cho máy chơi game Switch xuống 10%.

Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giảm trong bối cảnh giá dầu giảm, xếp cuối trong số các phân ngành của Nikkei 225, với mức giảm 2,67%.

Nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip Tokyo Electron tăng 1,62% và là cổ phiếu đóng góp lớn nhất với khoảng 23 điểm tích cực cho chỉ số Nikkei 225.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi giá sản xuất của nước này giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020, nhấn mạnh nhu cầu trong nước giảm trong bối cảnh nhiều nơi tiếp tục chứng khiến dịch Covid-19 bùng phát.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,53% xuống 3.048,17 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,93% xuống 3.714,27 điểm.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 của Trung Quốc giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái Shanghai Composite giảm 0,35%. Shanghai Composite giảm 0,35%. Mức giảm này thấp hơn con số dự báo 1,6% và đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2022.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,1% so với một năm trước đó, chậm hơn so với dự báo 2,4% của các nhà phân tích.

Chứng khoán Hồng Kông suy yếu, do ảnh hưởng từ chỉ số sản xuất tại Trung Quốc tháng 10 giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,2% xuống 16.358,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,21% xuống 5.534,76 điểm.

Nhóm cổ phiếu lớn về xe năng lượng mới công nghệ lớn đều sụt giảm khá mạnh, như như nhà sản xuất xe điện BYD giảm 4,6%, WuXi Biologics giảm 4,7%. Trong khi đó, Tencent Holdings giảm 3,7% và Alibaba Group giảm 1,6%.

Hạn chế đà giảm của thị trường nhờ nhóm cổ phiếu nhà phát triển như Country Garden tăng 14% và công ty cùng ngành Longfor tăng 4%, sau khi Trung Quốc mở rộng cấp vốn cho các công ty tư nhân.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng khi giới đầu tư kỳ vọng lớn vào chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 25,37 điểm, tương đương 1,06% lên 2.424,41 điểm.

Gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,32% và SK Hynix tăng 1,71%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,87%.

Choi Yoo-june, nhà phân tích tại Shinhan Securities, cho biết đồng Won mạnh hơn và kỳ vọng về một chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Mỹ đã làm tăng thêm hy vọng rằng việc thắt chặt chính sách tích cực của Fed có thể chậm lại.

Kết thúc phiên 9/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 155,68 điểm (-0,56%), xuống 27.716,43 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,33 điểm (-0,53%), xuống 3.048,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 198,79 điểm (-1,20%), xuống 16.358,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,37 điểm (+1,06%), lên 2.424,41 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp

Chiếc “áo chật” của room tín dụng hiện nay là lý do chính khiến các ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng dư địa cho vay, bao gồm cho cá nhân vay mua nhà..>> Chi tiết

- Bất động sản quay cuồng trong áp lực đảo nợ trái phiếu

Khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023, trong khi khả năng đảo nợ là rất khó bởi hiệu ứng “bond run” (tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu)..>> Chi tiết

- Nhiều doanh nghiệp niêm yết về đích sớm

Đến cuối quý III, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành, thậm chí vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm..>> Chi tiết

- Mỹ cắt giảm dự báo sản lượng dầu đá phiến trong năm 2023

Mỹ đã cắt giảm dự báo sản lượng dầu năm 2023 trong một dấu hiệu mới nhất, cho thấy thị trường dầu thô thế giới không thể dựa vào các mỏ đá phiến của Mỹ để tăng nguồn cung đủ nhanh để giảm giá năng lượng trong năm tới..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục