Thị trường tài chính 24h: Áp lực bán tháo khiến giá vàng lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích lên gần 1.360 điểm; Doanh nghiệp chờ đợi chia sẻ thiết thực hơn từ phía ngân hàng; Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và tác động với Việt Nam; Doanh nghiệp thủy sản trên đà hồi phục; Chứng khoán châu Á phân hóa mạnh; Fed giữ lãi suất gần bằng 0…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Áp lực bán tháo khiến giá vàng lao dốc

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/6 giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,25 – 56,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm tại Mỹ giảm 46,8 USD xuống 1.811,9 USD/ounce sau những tuyên bố về lạm phát, lãi suất từ Fed sau cuộc họp thường niên.

Sang đến phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên trên 1.820 USD/ounce, nhưng sức ép từ đồng USD mạnh lên tiếp tục đẩy giá vàng đi xuống và giảm tiếp về dưới 1.805 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Như vậy, chỉ chưa đến một ngày, giá vàng thế giới đã bốc hơi gần 55 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,61% lên 91,68 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.114 đồng, tăng 5 đồng với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.860 - 23.060 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,08 USD (+0,11%), lên 72,23 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,06 USD (+0,09%), lên 74,46 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua chủ yếu giằng co quanh mốc 40.000 USD đã hụt xuống mốc này về cuối ngày và sang đến hôm nay có thời điểm về gần 38.000 USD, trước khi bật lên quanh 39.500 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ

Sau phiên sáng giảm sâu ngay khi mở cửa và hồi dần sau đó, thị trường bước vào phiên chiều với sự hưng phấn tăng cao, VN-Index nhanh chóng trở lại sắc xanh và lên gần 1.365 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Nhưng chỉ số lại bị đạp khá mạnh xuống dưới 1.360 điểm do ảnh hưởng của phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6.

Cặp đôi FLC và ROS trở thành điểm nóng nhất, khi đều tăng kịch trần và thanh khoản dẫn đầu HOSE, khớp lệnh hơn 50,66 triệu đơn vị và gần 33 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu AAA, DLG cũng leo lên sắc tím, thanh khoản lần lượt khớp 24,66 triệu và 20,95 triệu đơn vị.

Đà tăng tốt còn ở HQC +2,7%, KBC +4%, SCR +3,9%, HSG +3,2%, GVR +5,9%, HBC +3,1%, GMD +4,3%....

Nhóm bluechip nổi bật là SBT, khi tăng hết biên độ +6,9%, khớp hơn 14 triệu đơn vị và trắng bên bán.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,44 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 68,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/6: VN-Index tăng 3,40 điểm (+0,25%), lên 1.359,92 điểm; HNX-Index tăng 3,42 điểm (+1,09%), lên 317,07 điểm; UpCoM-Index tăng 0,73 điểm (+0,82%), lên 89,55 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Tư (16/6), sau khi các quan chức Fed phát đi tín hiệu sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản gần bằng 0 hiện nay và tiếp tục chương trình mua lại 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đây là phiên họp thứ 10 liên tiếp, ngân hàng trung ương không điều chỉnh lãi suất.

Tuy nhiên, FOMC cũng đã nâng dự báo lạm phát từ 2,4% lên 3,4% trong năm nay và giảm xuống còn 2,1% vào năm 2022, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế 2021 từ 6,5% lên 7% và chỉ ra sẽ tiến hành 2 lần nâng lãi suất trước cuối năm 2023.

Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Dow Jones giảm 265,66 điểm (-0,77%), xuống 34.033,67 điểm. Chỉ số S&P giảm 22,89 điểm (-0,54%), xuống 4.23,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,17 điểm (-0,24%), xuống 14.039,68 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do các nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu công nghệ sau khi Fed báo hiệu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,93% xuống 29.018,33 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,62% xuống 1.963,57 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu với SoftBank Group giảm 1,4%, là lực cản lớn nhất đối với chỉ số Nikkei 225, theo sau là công ty dịch vụ nền tảng y tế M3, giảm 3,61%. Tập đoàn Sony mất 2,34%.

Ở chiều ngược lại, Các công ty bảo hiểm và ngân hàng tăng điểm khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi lên, với T&D Holdings tăng 3,11%, Dai-ichi Life Holdings tăng 2,54%. Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ tăng 1,18% và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui tăng 0,84%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi sản lượng công nghiệp suy yếu đã làm giảm lo ngại về việc thắt chặt chính sách.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,21% lên 3.525,60 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,42% lên 5.101,89 điểm.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc đã chậm lại tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 5 vừa qua, ảnh hưởng bởi sự gián đoạn do Covid-19 bùng phát ở trung tâm xuất khẩu Quảng Đông của nước này.

Các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty bán dẫn đã tỏa sáng, sau khi Phó thủ tướng Lưu Hạc đã thông báo xây dựng chính sách hỗ trợ cho mảng công nghệ chip, Bloomberg News đưa tin.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, khi tuyên bố chính sách mới của Fed cho thấy rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, trong khi cổ phiếu công nghệ tăng do báo cáo về sự hỗ trợ chính sách nhiều hơn từ Bắc Kinh .

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,12%, lên 28.471,18 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm nhẹ 0,05% xuống 10.557,54 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ việc Fed báo hiệu có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,42% xuống 3.264,96 điểm, chấm dứt chuỗi năm phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 272,68 điểm (-0,93%), xuống 29.018,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,28 điểm (+0,21%), lên 3.525,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 34,34 điểm (+0,12%), xuống 28.471,18 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 13,72 điểm (-0,42%), xuống 3.264,96 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Doanh nghiệp chờ đợi chia sẻ thiết thực hơn từ phía ngân hàng

Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh, đã có nhiều cách thức được các ngân hàng thương mại triển khai. Có những cách được coi là thiết thực và có những cách còn... rất xa..>> Chi tiết

- Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và tác động với Việt Nam

Các quan chức tài chính nhóm G7 vừa đồng ý về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các công ty quốc tế lớn ở mức “ít nhất 15%”..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp thủy sản trên đà hồi phục

Những tín hiệu khả quan của thị trường xuất khẩu thủy sản, nhất là Mỹ và EU, đang mang lại triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành này..>> Chi tiết

- Fed giữ lãi suất gần bằng 0, dự kiến ​​hai lần tăng lãi suất có thể xảy ra vào cuối năm 2023

Hôm thứ Tư (16/6), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã quyết định tiếp tục giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 nhưng sự lạc quan về sự tiến triển của sự phục hồi kinh tế Mỹ đã thúc đẩy nhiều quan chức Fed quyết định tăng lãi suất vào cuối năm 2023..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 0.0 0.0% 174,889 tỷ
HNX 222.63 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 87.51 0.0 0.0% 0 tỷ