Thị trường tài chính 24h: Ẩn số dòng tiền nội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Lãi suất đã chạm đáy?; Giao dịch chứng khoán: Biến số dòng tiền; Chứng khoán phái sinh tuần mới: Tạo nền chờ bứt phá; Chứng khoán châu Á phân hóa; Trung Quốc vượt mặt Mỹ về công nghệ lượng tử…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  
Thị trường tài chính 24h: Ẩn số dòng tiền nội

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/3 không đổi chiều mua vào nhưng giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,30 – 55,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 4,8 USD lên 1.727,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 1.730 USD/ounce, trước khi hạ nhiệt nhẹ về cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,11% lên 91,78 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.200 đồng, giảm 4 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.990 - 23.170 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,10 USD (+0,15%), lên 65,71 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,07 USD (+0,10%), lên 69,29 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index chưa thể bứt lên

Thị trường nhanh chóng tăng khá mạnh ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, tâm lý cứ lên là bán khiến thị trường không thể tiến xa, VN-Index chỉ lình xình trên mốc 1.180 điểm.

Bước sang phiên chiều, VN-Index nới đà đi lên, nhưng khi chạm 1.185 điểm lại quay đầu bởi nhiều bluechip không còn giữ giá. Tình trạng nghẽn lệnh sau đó với giao dịch nhỏ giọt đã khiến VN-Index chỉ đi ngang trên tham chiếu đến khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ là tâm điểm với hàng loạt mã như FLC, ROS, DLG, HQC, AMD tăng trần cùng thanh khoản tăng vọt, các mã khác như ITA, LDG, HAG, HAI cũng tăng mạnh.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 7,58 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 472,31 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/3: VN-Index tăng 3 điểm (+0,25%), lên 1.184,56 điểm; HNX-Index tăng 1,28 điểm (+0,47%), lên 275,19 điểm; UpCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,61%), lên 80,82 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nhích lên trong phiên ngày thứ Sáu (12/3), khép lại một tuần giao dịch thành công khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm nay nhờ Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 2 tăng 0,5%, phù hợp dự báo của các chuyên gia. Chỉ số này trong tháng 1/2021 ghi nhận tăng 1,3%.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan nghiên cứu cho tháng 3 tăng lên mức 83 điểm, cao hơn so mới mức 78,9 mà giới phân tích kỳ vọng. Chỉ số này tháng 2 đạt 76,8 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 4,07%, chỉ sổ S&P 500 tăng 2,64%, chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,09%.

Kết thúc phiên 12/3, chỉ số Dow Jones tăng 293,05 điểm (+0,90%), lên 32.778,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,00 điểm (+0,10%), lên 3.943,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 78,81 điểm (-0,59%), xuống 13.391,86 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, nhờ sự lạc quan xung quanh việc Mỹ thông qua gói kích thích lớn đã thúc đẩy cổ phiếu chu kỳ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,17% lên 29.766,97 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,91% lên 1.968,73 điểm.

Nhóm cổ phiếu theo chu kỳ nhảy vọt, trong đó, cổ phiếu ngành vận tải và vật liệu dẫn đầu đà tăng với Công ty đóng tàu Mitsui E&S Holdings tăng 7,78%, các hãng tàu biển Kawasaki Kisen và Nippon Yusen lần lượt tăng 7,02% và 4,74%.

Đáng kể nhất hôm nay là cổ phiếu của Công ty thương mại điện tử Rakuten, tăng 24% sau khi thông báo bán 8,3% cổ phần cho tập đoàn bưu chính khổng lồ Japan Post Holdings trong một thỏa thuận hợp tác.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi chịu sức ép từ các nhóm cổ phiếu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và năng lượng mới.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,96% xuống 3.419,95 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm tới 2,15% xuống 5.035,54 điểm.

Chỉ số CSI300 hiện đang trong vùng điều chỉnh, khi giảm 15% so với mức cao nhất mọi thời đại là 5.922,02 điểm đạt được vài tuần trước.

Giảm mạnh nhất là chỉ số phụ theo dõi ngành tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe CSI300 và năng lượng mới, khi lần lượt mất 3,8%, 4,2% và 3,9%.

Nhóm các cổ phiếu vốn có sự tăng trưởng tốt trong năm qua đang phải chịu áp lực lớn trên toàn cầu trong những tuần gần đây, trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng. Những cổ phiếu như vậy đặc biệt bị ảnh hưởng mại ở Trung Quốc, do những lo ngại rằng các nhà chức trách muốn giảm các biện pháp kích thích.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, được củng cố bởi cổ phiếu của các công ty tài chính lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,33% lên 28.833,76 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,26% xuống 11.144,08 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số phụ ngành tài chính tăng 1,7%, trong khi chỉ số năng lượng tăng 1,8%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu công nghệ giảm 2,3% trong bối cảnh lo ngại về việc chống độc quyền với gã khổng lồ chơi game Tencent Holdings Ltd giảm 3,5%.

Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc hôm thứ Sáu cho biết, họ đã phạt 12 công ty liên quan đến 10 thương vụ vi phạm các quy tắc chống độc quyền, trong đó có Baidu Inc, Tencent Holdings, Didi Chuxing…

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi giới đầu tư đứng ngoài chờ đợi cuộc họp chính sách của Fed trong vài ngày tới.

Trong số cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 1,21% và SK Hynix giảm 2,50%. Tuy nhiên, nhà sản xuất pin LG Chem tăng 2,33%.

Kết thúc phiên 15/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 49,14 điểm (+0,17%), lên 29.766,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,13 điểm (-0,96%), xuống 3.419,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 94,09 điểm (+0,33%), lên 28.833,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 8,68 điểm (-0,28%), xuống 3.045,71 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất đã chạm đáy?

Một số ngân hàng rục rịch nâng lãi suất huy động, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại phải chăng lãi suất thấp – yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán thời gian qua - sắp không còn..>> Chi tiết

- Giao dịch chứng khoán: Biến số dòng tiền

Dấu hỏi về sức mạnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn được duy trì khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và kỳ vọng lạm phát tăng trở lại là một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chứng khoán lình xình đi ngang..>> Chi tiết

- Chứng khoán phái sinh tuần mới: Tạo nền chờ bứt phá

Tuần giao dịch vừa qua có nhiều thử thách, nhưng chỉ số chứng khoán giữ vững vùng hỗ trợ và sắc xanh quay trở lại. Diễn biến này được xem là tiền đề quan trọng để chỉ số tạo nền tảng vượt qua đỉnh cũ thời gian tới..>> Chi tiết

- Trung Quốc vượt mặt Mỹ về công nghệ lượng tử

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ cao đã bước sang một giai đoạn mới với trọng tâm là công nghệ lượng tử, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh tế của hai nước trong trung và dài hạn..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ