Thị trường sẽ sớm hồi phục sau khi nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự hoảng loạn bao trùm phiên giao dịch ngày 27/7/2020, khi xuất hiện tới 169 mã dư bán sàn.

Cụ thể đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index và VN30 lần lượt giảm tới 5,31% và 5,48%.

Thị trường sẽ sớm hồi phục sau khi nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu? ảnh 1

Biểu đồ các cổ phiếu tác động tiêu cực tới chỉ số VN-Index từ 20/07-27/07

Có thể thấy, cổ phiếu tác động tích cực lên thị trường tương đối hạn chế, ngược lại những cổ phiếu tác động tiêu cực tới thị trường lại rất lớn.
Cụ thể, cổ phiếu VHM đóng góp giảm tới 8,9 điểm của thị trường, BID đóng góp giảm tới 6,9 điểm, VNM đóng góp giảm tới 6,6 điểm, VIC đóng góp giảm 6,4 điểm, VCB đóng góp giảm 6,2 điểm, GAS đóng góp giảm 4,3 điểm …

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/7/2020, xét trên sàn HOSE, độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm điểm. Trong đó, có 377 mã giảm điểm (152 mã sàn), 20 mã tham chiếu và chỉ có 33 mã xanh. Điều tương tự cũng diễn ra ở sàn HNX và UPCoM. Như vậy, sự hoảng loạn đã và đang được thể hiện trên thị trường sau khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Theo công ty chứng khoán BSC, tính 25/7, đã có 362 công ty, chiếm tỷ lệ 47,6% trên cả hai sàn chứng khoán, công bố kết quả kinh doanh quý II với tổng mức lợi nhuận sau thuế đạt 23.867 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 86,4% số công ty công bố lợi nhuận quý II tăng trưởng dương và 49,4% số công ty lãi so với cùng kỳ.

Nhìn chung kết quả kinh doanh quý II không để lại nhiều hiệu ứng với thị trường trong giai đoạn vừa qua và hầu hết đều phản ánh vào giá cổ phiếu trước đó. Thị trường thiếu động lực hỗ trợ ngay cả trong mùa kết quả kinh doanh và mối lo ngại Covid-19 trở thành chất xúc tác đưa thị trường quay lại xu hướng giảm điểm.

Thứ nhất, yếu tố vĩ mô về căng thẳng Mỹ Trung vẫn là rủi ro tiềm tàng đối với thị trường nhưng dưới góc độ chứng khoán khu vực vẫn được giữ ổn định nhờ các chính sách kinh tế khác nhau cũng làm giảm lo ngại phần nào.

Thứ hai, chứng khoán Việt Nam sắp bước vào giai đoạn trũng thông tin khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II bước vào giai đoạn cuối, phần lớn các cổ phiếu đều thiếu thông tin hỗ trợ trong 1 – 2 tháng tới. Do đó, các cổ phiếu phòng thủ có cổ tức cao được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền.

Thứ ba, thị trường hiện tại chịu tác động của yếu tố về khả năng thành công của việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước, đây là yếu tố khó lường trước vì với kịch bản Covid-19 trở nên phức tạp hơn, các phương án giãn cách xã hội (nếu có) sẽ khiến triển vọng lợi nhuận của một bộ phận doanh nghiệp trở nên yếu đi. Các yếu tố kể trên sẽ có thể sẽ gây áp lực giảm điểm lên thị trường trong ngắn hạn bất chấp các tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới (nếu có).

Kịch bản thị trường

Thị trường sẽ sớm hồi phục sau khi nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu? ảnh 2

Biểu đồ chỉ số VN-Index

Sau khi giảm điểm mạnh trong hai phiên trở lại đây, các chỉ báo kỹ thuật quá bán bắt đầu xuất hiện trên diện rộng từ VN30, VN-Index, HNX-Index… cũng như các cổ phiếu trụ. Đây chính là cơ sở nếu như một hai phiên tới thị trường công bố các ca nhiễm ngoài cộng đồng không còn nữa, cũng như nhà đầu tư chấp nhận dịch ngoài cộng đồng là chuyện bình thường như các nước trên thế giới.

Trên thế giới, Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất trên thế giới, sau khi mở cửa làn sóng lây nhiễm thứ 2 đã khiến cho các bang phải thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 2. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ và chỉ số S&P 500 vẫn liên tục phá đỉnh.

Tại Trung Quốc, sau khi mở cửa, Bắc Kinh cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ hai, tuy nhiên nhờ vào kinh nghiệm trước đó, cũng như khả năng xét nghiệm quy mô lớn đã nhanh chóng khống chế dịch thành công và các chỉ số chứng khoán cũng không ảnh hưởng nhiều. Điều tương tự cũng diễn ra với các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam đang cho thấy phản ứng rất mạnh với thông tin có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Mặc dù vậy, những hành động của chính phủ và kinh nghiệm trong quá khứ về truy nguồn lây nhiễm để cách ly, cũng như được sự đồng thuận của người trên cả nước về thực hiện chính sách chính là điểm cộng để kỳ vọng chính phủ sớm khống chế dịch thành công một lần nữa.

Đây là cơ sở cho nhịp hồi phục kỹ thuật T+, tuy nhiên việc hồi phục này nhiều khả năng chỉ diễn ra theo quán tính của thị trường và tạo ra những cơ hội cho nhà đầu tư ra hàng, giảm tỷ trọng margin.

Xét về dài hạn, thị trường vẫn đang trong giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ, đặc biệt sau mùa báo cao không quá khả quan, nhiều doanh nghiệp trong những ngành nghề chịu tác động mạnh như hàng không, du lịch, logistics, cảng biển, vận tải, thuỷ sản… vẫn chưa công bố báo cáo tài chính.

Chính vì vậy, rủi ro thị trường về dài hạn vẫn hiện hữu, nhịp hồi phục sắp tới là cơ hội cho nhà đầu tư chưa kịp ra hàng thay vì bắt đáy.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ