VN-Index có thể kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm
Trong tuần giao dịch từ ngày 26/8 đến 30/8/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều biến động cả về giá và thanh khoản, VN-Index duy trì tình trạng giằng co trước ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, đóng cửa cuối tuần tại 1.283,87 điểm.
Tuy nhiên, xét theo cấu phần vốn hóa, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang thu hút sự chú ý của dòng tiền, đặc biệt ở các ngành có diễn biến mạnh như ngân hàng (ACB, MBB, STB, VCB), công nghệ (FPT). Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ thể hiện sự phân hóa cao, với một số câu chuyện đầu tư riêng lẻ như nhóm vận tải biển hưởng lợi từ giá cước duy trì ở mức cao, hay nhóm cao su hưởng lợi từ giá nguyên liệu cao su tăng.
Dự báo, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, thị trường sẽ có xu hướng chủ đạo là tăng điểm, VN-Index kiểm nghiệm ngưỡng 1.300 điểm, nhưng việc theo dõi sát sao dòng tiền và lựa chọn các cổ phiếu được dòng tiền hướng đến sẽ là chìa khóa cho thành công của nhà đầu tư ngắn hạn.
Một số nhóm ngành có câu chuyện riêng có thể được chú ý như chủ đề nâng hạng thị trường của nhóm chứng khoán (SSI, HCM, VCI), hay sự thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cùng với hành lang pháp lý thông thoáng hơn của nhóm ngân hàng (MBB, STB) và bất động sản (VHM).
Ngân hàng - Phân hóa mạnh trong cuộc đua tín dụng
Bức tranh tín dụng của ngành ngân hàng Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tương đối mờ nhạt, khi tốc độ tăng trưởng dư nợ chậm so với kế hoạch cả năm là 15%. Tuy nhiên, tốc độ này nhìn chung cao hơn so với cùng kỳ của năm trước và vượt trội ở một số ngân hàng.
Nhóm các ngân hàng có lượng khách hàng doanh nghiệp lớn ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mặt bằng chung của ngành, nhất là so với các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ. Nếu nhìn vào đối tượng cho vay của các ngân hàng niêm yết có thể thấy rằng, tăng trưởng dư nợ của nhóm bất động sản đang ở mức cao, trong khi cho vay tiêu dùng có phần giảm tốc về mặt tăng trưởng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm là bài toán về chi phí vốn của các ngân hàng, khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm trong các tháng gần đây, thậm chí có xu hướng tăng nhẹ. Việc Ngân hàng Nhà nước bơm tiền vào thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở thể hiện nỗ lực hỗ trợ mặt bằng lãi suất và mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Nhìn chung, nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng toàn ngành, trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quốc doanh vẫn đang chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp. Các ngân hàng có chất lượng tài sản đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tính đến thời điểm hiện tại) có vị thế tốt hơn. Các ngân hàng này như ACB, VCB, TCB có thể vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tới, khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng.
Trong bối cảnh chi phí vốn ngân hàng được cải thiện, biên lãi ròng của các ngân hàng lớn có thể mở rộng trong ngắn hạn, nhưng dự báo đi ngang trong dài hạn do tăng trưởng huy động thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng và ngân hàng có thể phải tăng cường huy động thông qua nâng lãi suất tiền gửi trong thời gian tới.