Thị trường rung lắc, VN-Index giữ vững mốc 1.290 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện rộng đã khiến thị trường rung lắc và điều chỉnh, tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ giúp VN-Index test thành công mốc 1.290 điểm.
Thị trường rung lắc, VN-Index giữ vững mốc 1.290 điểm

Trong phiên giao dịch sáng 27/9, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường tiến bước và lần đầu tiên trong hơn 3 tháng, chỉ số VN-Index đã chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm . Tuy nhiên, ngay khi chạm vùng giá này, lực cản khá lớn xuất hiện đã khiến thị trường thoái lui. Chỉ số chung tạm khép lại phiên sáng với sắc xanh nhạt nhờ điểm tựa của dòng bank.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường nỗ lực giữ đà tăng nhẹ trong 30 phút rồi chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ trong trạng thái phân hóa trong suốt thời gian còn lại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính giúp thị trường khép lại phiên giao dịch cuối tuần trong trạng thái điều chỉnh nhẹ và vẫn giữ được mốc 1.290 điểm, trong bối cảnh áp lực bán dâng cao khiến sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử.

Sau 3 phiên tăng liên tiếp và bước vào vùng kháng cự mạnh 1.290 – 1.300 điểm, thị trường đảo chiều điều chỉnh nhẹ là một điều hết sức bình thường. Thị trường vẫn có những thông tin tích cực như thanh khoản duy trì ở mức cao, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn sóng và nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng, sẽ là điểm tựa để nhà đầu tư tin rằng đây chỉ là nhịp nghỉ để VN-Index lấy đà bước tiếp.

Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,57 điểm (-0,04%) xuống 1.290,92 điểm. Thanh khoản đi ngang so với phiên hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 950,8 triệu đơn vị, giá trị 21.562,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 75,9 triệu đơn vị, giá trị 2.265,59 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cân bằng với 11 mã tăng và 11 mã giảm, chỉ số VN30-Index kết phiên tăng gần 2 điểm nhờ động lực từ các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, các mã tăng tốt nhất là STB tăng 2,6%, SHB tăng 2,3%, CTG và TPB đều tăng hơn 1,5%... Ngược lại, VHM giảm sâu nhất khi mất 2,3% và là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mặc dù rung lắc và có thời điểm giảm sâu nhưng AGM đã sớm hồi phục và có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 4 phiên liên tiếp nằm sàn. Kết phiên, AGM tăng 7% lên mức 4.150 đồng/CP với khối lượng khớp gần 0,7 triệu đơn vị.

Mặt khác, LDG sau 3 phiên tăng trần liên tiếp đã dừng chân dù mở cửa vẫn khoe sắc tím. Kết phiên, LDG giảm nhẹ 0,9% xuống mức 2.140 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,8 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng bank dù thu hẹp biên độ đáng kể nhưng vẫn là một trong ít nhóm giữ được đà tăng với điểm sáng là các mã thuộc top vừa và nhỏ. Cụ thể, EIB tăng 3,6% và khớp 22,74 triệu đơn vị, STB tăng 2,6% và khớp hơn 22 triệu đơn vị, SHB tăng 2,3% và khớp 49,2 triệu đơn vị, TPB có chút rung lắc nhẹ sau phiên bùng nổ hôm qua nhưng kết phiên vẫn tăng 1,5% với thanh khoản hơn 60 triệu đơn vị, VPB tăng 0,8% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với 62,86 triệu đơn vị…

Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước có phần kém khả quan hơn. Bên cạnh CTG vẫn giữ mức tăng khi chốt phiên sáng là 1,6% và đóng cửa tại mức giá 37.000 đồng/CP, đóng góp lớn nhất, gần 0,8 điểm cho chỉ số chung, thì VCB lùi về mốc tham chiếu, còn BID chỉ nhích nhẹ 0,2%.

Ngược lại, một số mã đã đảo chiều điều chỉnh nhẹ như VIB, ACB, NAB, với mức giảm đều chưa tới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán chuyển qua trạng thái phân hóa. Trong đó, VND và VIX có thanh khoản sôi động nhất ngành, đều đạt hơn 23-24 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa trái chiều nhau với VND tăng 1% còn VIX giảm 0,4%.

Trên HNX, thị trường cũng rung lắc và đảo chiều điều chỉnh nhẹ do lực bán gia tăng trên thị trường chung cùng sức ép của nhóm HNX30.

Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%) xuống 235,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,73 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 1.230 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 32,95 triệu đơn vị, giá trị 506,65 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 14 triệu đơn vị, giá trị đạt 198,8 tỷ đồng; DNP thỏa thuận gần 4,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 99,3 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 thiếu tích cực khi kết phiên giảm gần 3 điểm, với 18 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, tăng tốt nhất là TIG đạt 3% và khớp 4,88 triệu đơn vị, MBS tăng 1,6% và khớp 5,16 triệu đơn vị; ngược lại các mã giảm sâu nhất là TNG giảm 1,9% và khớp 2,35 triệu đơn vị, IDC và NTP cùng giảm 1,4%, PVS giảm 1,2% và khớp hơn 3 triệu đơn vị…

Cổ phiếu CEO vẫn sôi động nhất thị trường với 7,74 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên quay lại mốc tham chiếu 16.100 đồng/CP. Trong khi đó, SHS rung lắc và đảo chiều giảm nhẹ 0,6%, kết phiên đứng tại mức giá 15.600 đồng/CP và khớp lệnh chỉ thua CEO với gần 7,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù thị trường có chút rung lắc nhẹ nhưng UPCoM-Index đã sớm hồi phục.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,42%) lên 93,9 điểm với 183 mã tăng và 167 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71 triệu đơn vị, giá trị 664 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,68 triệu đơn vị, giá trị đạt 75,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNG giao dịch đột biến với hơn 18 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 6,7% lên mức 4.800 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi cổ phiếu dầu khí gồm BSR và OIL lần lượt khớp 5,8 triệu đơn vị và 4,62 triệu đơn vị. Kết phiên, BSR giảm 1,2% xuống mức 24.500 đồng/CP, còn OIL giảm 4,4% xuống 13.000 đồng/CP.

Ngoài HNG, một số mã vừa và nhỏ cũng ghi nhận phiên khởi sắc như VHG tăng trần và khớp 3,11 triệu đơn vị, BCR tăng 1,9% và khớp 1,77 triệu đơn vị, HBC tăng 3,9% và khớp 1,42 triệu đơn vị, AAH có thời điểm tăng trần và đóng cửa tăng 2,6% với thanh khoản đạt 1,13 triệu đơn vị...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm nhẹ, trong đó hợp đồng VN30F2410 giảm 0,9 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.355,5 điểm, khớp lệnh gần 223.510 đơn vị, khối lượng mở 55.910 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVPB2315 có thanh khoản đột biến lên tới gần 10,12 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,3% lên 170 đồng/cq. Tiếp theo đó, CSTB2333 khớp 2,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 13% lên 1.130 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục