Thị trường phản ứng với lộ trình IPO?

(ĐTCK-online) Trái ngược lại với sự hồ hởi trước đây khi biết tin Chính phủ chấp nhận cho Vietcombank đẩy nhanh tiến độ CPH, tâm lý nhà đầu tư nói riêng và kết quả của thị trường nói chung trong những phiên giao dịch đầu tuần đã có diễn biến ngược lại.
Thị trường phản ứng với lộ trình IPO?

Chỉ số của cả 2 sàn đều sụt giảm mạnh được coi là có sự góp phần từ sự phản ứng tiêu cực của thị trường đối với thời hạn IPO bị chậm trễ của đơn vị này, bởi theo kế hoạch mà lãnh đạo Vietcombank đề ra, thời hạn IPO có thể là cuối tháng 10/2007. Tuy nhiên, đến ngày 30/10, thông tin về cuộc đấu giá cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn “bặt vô âm tín”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thị trường có thể sẽ tăng mạnh bởi dòng tiền chuẩn bị cho cuộc đấu giá này được cơ cấu lại và nhiều khả năng “chảy” trở lại thị trường niêm yết, tạo điều kiện để thị trường phát triển.

Nhưng theo giới phân tích, những nhà đầu tư lớn và lâu dài thường chỉ cơ cấu một phần vốn của mình để “lướt sóng” trên thị trường niêm yết. Vì thế, với khoản tiền mà họ đã cơ cấu để đầu tư vào đợt IPO của Vietcombank sẽ khó được chuyển đổi mục đích. Vì thế, thị trường trong ngắn hạn sẽ nghiêng về tâm lý thất vọng của nhà đầu tư, khả năng điều chỉnh giảm của thị trường là có thể xảy ra.

Ở sàn TP. HCM, trong phiên giao dịch đầu tuần 29/10, VN-Index mất tới 28,28 điểm, tạo sự ngỡ ngàng với hầu hết nhà đầu tư. Như “hiệu ứng đàn cừu”, chỉ số của sàn Hà Nội cũng giảm theo. HASTC-Index giảm 6,49 điểm, đặc biệt, các cổ phiếu “họ” Sông Đà vốn đang giữ phong độ tăng giá cũng đột ngột quay đầu giảm mạnh. Sự suy giảm này còn tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch thứ Ba 30/10 với lực rơi 3,54 điểm cho dù sàn TP. HCM đã “xanh” trở lại.

Nhìn ở góc độ tâm lý của nhà đầu tư, sự suy giảm chỉ số ở cả hai sàn đã diễn ra ở thời điểm nhạy cảm nhất - những ngày cuối cùng chờ thông tin về đợt đấu giá cổ phiếu Vietcombank theo kế hoạch.

Tuy nhiên, nhìn ở chiều hướng ngược lại, những diễn biến của thị trường vẫn mang nhiều yếu tố tích cực. Theo đó, giá trị giao dịch ở sàn TP. HCM đã đạt mốc mới là 2.000 tỷ đồng. Ở sàn Hà Nội, trong hai ngày đầu tuần, giá trị giao dịch vẫn đứng vững ở mức trên 600 tỷ đồng. Các con số này cho thấy, nhà đầu tư vẫn mặn mà với TTCK.

Sự gắn bó với thị trường còn được nhìn nhận qua động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là việc khối nhà đầu tư này vẫn tiếp tục mua cổ phiếu với khối lượng nhiều hơn bán ra. Đáng nói là, bất chấp diễn biến giảm của thị trường, khối nhà đầu tư này liên tiếp tăng mua. Trong suốt tuần qua, khối lượng mua của họ theo hình thức khớp lệnh trên 2 sàn trung bình đạt 1,99 triệu đơn vị, trị giá gần 400 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những ngày điều chỉnh của thị trường (ngày 25 - 26/10), khối nhà đầu tư này đặt mua 2,5 - 2,6 triệu, trong khi hai tuần trước đó, con số trung bình là 900.000 - 1,2 triệu đơn vị.

Những động thái của giới đầu tư chuyên nghiệp đã khiến nhiều nhà đầu tư không còn hoài nghi về hiện tượng “rút củi đáy nồi” đối với thị trường. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường trong những phiên giao dịch gần đây chỉ là những phản ứng tức thời của nhà đầu tư và của thị trường đối với quá trình IPO của Vietcombank - đơn vị được coi là có ảnh hưởng lớn tới cả thị trường niêm yết và thị trường OTC. Chính vì thế, có thể nói những phản ứng của thị trường trong thời điểm hiện tại khó thể trở thành yếu tố khiến TTCK Việt Nam suy thoái.

Theo giám đốc một công ty chứng khoán, dù chậm trễ, nhưng là doanh nghiệp tốt nên đợt IPO của Vietcombank vẫn sẽ được chào đón. Còn thị trường, sự đan xen giữa những phiên tăng giá và giảm giá là tất yếu. “Mặc dù cả hai chỉ số sụt giảm, giá trị giao dịch hai sàn vẫn vững vàng, đó là cơ sở tin cậy cho chiều hướng đi lên và cần được hiểu là thị trường đang nén mình chờ bật dậy”, vị giám đốc này nói.

Tuấn Dũng
Tuấn Dũng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ