Điều này báo hiệu đã bắt đầu có sự chuyển biến lớn về chất trong tiến trình phát triển của hệ thống kênh phân phối trong nước với sự xuất hiện của các “đại gia” nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh nảy lửa với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết gia nhập WTO.
Mới đây nhất, một thành viên của HĐQT Công ty Trung Nguyên đã không ngần ngại thổ lộ kế hoạch đầy tham vọng về việc thành lập tập đoàn và mở rộng hơn nữa hoạt động sang lĩnh vực phân phối. Theo kế hoạch này, Tập đoàn Trung Nguyên gồm khoảng 10 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê, kinh doanh bất động sản, truyền thông... dự kiến đi vào hoạt động ngay trong năm nay, với mục tiêu phát triển quy mô hoạt động của các công ty hiện có trên cơ sở phân ngành chuyên sâu, huy động vốn, kỹ thuật, công nghệ cao cho sản xuất, kinh doanh; tranh thủ mở rộng thị trường... Lĩnh vực chủ đạo trong sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên vẫn là mặt hàng cà phê. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác sẽ được Tập đoàn Trung Nguyên tập trung đầu tư và phát triển là tiếp tục xây dựng, mở rộng và phát triển kênh phân phối nội địa trên cơ sở liên kết các nhà bán buôn và bán lẻ đang hoạt động ở các địa phương trên toàn quốc.
Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nguyên, nhà sáng lập hệ thống phân phối bán lẻ G7 Mart cho biết, việc mở rộng và phát triển hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dựa trên xương sống là hệ thống bán lẻ G7 Mart do Trung Nguyên thành lập trong thời gian vừa qua. Theo ông Vũ, mục tiêu phát triển của Tập đoàn từ nay đến năm 2010 là phấn đấu hoàn thành việc tổ chức một mạng lưới kênh phân phối nội địa thông suốt khoảng 100 nhà phân phối hàng đầu trên 64 tỉnh, thành trong cả nước. Các nhà phân phối nội địa này sẽ là những đầu mối điều phối việc cung cấp các nguồn hàng hoá đến các cửa hàng phân phối cấp thấp hơn và các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc để đưa hàng đến với người tiêu dùng.
Như vậy, với sự ra đời và đi vào hoạt động của VDA và Tập đoàn Trung Nguyên, thị trường phân phối Việt Nam đã chính thức có ít nhất là hai “đại gia” có đủ quy mô, tầm vóc và tiềm lực để tập hợp và “lãnh đạo” hệ thống phân phối nội địa cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Theo đánh giá của Bộ Thương mại, đây sẽ là những đầu tàu hết sức quan trọng của hệ thống phân phối nội địa, góp phần điều tiết và vận hành hệ thống kênh phân phối trong nước một cách hiệu quả theo quy luật của thị trường và quy luật cung cầu, đồng thời đây cũng chính là đối trọng để hệ thống phân phối trong nước có đủ khả năng đứng vững trong cơn lốc cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài khi Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO.