Thị trường phân hóa, hai mã FPT và MSN giữ VN-Index ở lại trên tham chiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vẫn là hai mã lớn FPT và MSN đứng vững, giao dịch sôi động và là động lực chính giúp chỉ số VN-Index duy trì sắc xanh trong bối cảnh thị trường phân hóa và thiếu đi nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Thị trường phân hóa, hai mã FPT và MSN giữ VN-Index ở lại trên tham chiếu

Sau phiên giao dịch sáng tương đối khởi sắc về thanh khoản, thị trường bước vào phiên chiều đã chậm lại đáng kể, bảng điện tử bắt đầu phân hóa mạnh và dần đảo chiều sang tiêu cực khi động lực dẫn dắt ngoài hai cổ phiếu đơn lẻ MSN và FPT đã không còn nhóm ngành nào xuất hiện.

Chỉ số VN-Index theo đó dần hạ nhiệt, nhưng vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa nhờ vào động thái tiết cung giá thấp của nhà đầu tư.

Chốt phiên, sàn HOSE có 163 mã tăng và 206 mã giảm, VN-Index tăng 4,51 điểm (+0,35%), lên 1.286,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 720 triệu đơn vị, giá trị 18.471,4 tỷ đồng, tăng hơn 6% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,7 triệu đơn vị, giá trị 1.286,3 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chia đôi ngả, với 14 mã tăng và 14 mã giảm cùng SSB, GVR đứng tham chiếu. Trong đó, hai cổ phiếu FPT và MSN vẫn là động lực tăng điểm chính, với FPT+4,7% lên 141.700 đồng, khớp gần 10 triệu đơn vị, mức cao nhất trong hơn một tháng qua.

Cổ phiếu MSN nới thêm đôi chút đà tăng so với cuối phiên sáng, đóng cửa +3,9% lên 80.000 đồng, khớp lệnh gần 19,9 triệu đơn vị - mức cao nhất của mã này, khối ngoại giao dịch cũng rất sôi động khi mua vào hơn 7 triệu đơn vị và bán ra hơn 2,4 triệu đơn vị.

Phần còn lại đa số biến động nhẹ về giá, trong đó, ở nhóm cổ phiếu tăng còn SAB nhích 2,3% lên 57.700 đồng, các mã MWG, VPB, BVH, HDB nhích trên dưới 1,5%. Trái lại, cổ phiếu STB dẫn đầu đà giảm, nhưng chỉ để mất 1,6% xuống 33.600 đồng.

Các bluechip có thêm một phiên chiếm sóng về khối lượng giao dịch, khi những cái tên SSI, VIB, TCB, MSN, STB, HPG, TPB, VPB thuộc nhóm khớp lệnh cao nhất, với 14,8 triệu đến hơn 45,2 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu vừa và nhỏ hoạt động kém, với biên độ giá ít thay đổi, ngoại trừ CMG +4,9% lên 53.500 đồng, APG +3,3% lên 10.100 đồng, NTL +3,1% lên 21.600 đồng, TCO +3% lên 17.300 đồng, nhích hơn 2% toàn sàn đi kèm thanh khoản khá cũng chỉ còn TTA, YEG, SJD, PAN, EVF, ELC, CNG.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chịu thêm sức ép về cuối phiên và đóng cửa dưới tham chiếu, dù mức giảm cũng không lớn.

Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,21%), xuống 231,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,5 triệu đơn vị, giá trị 834,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,2 triệu đơn vị, giá trị 102,8 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn như SHS, MBS, PVS, CEO, TNG, VGS đều đảo chiều giảm, nhưng mức giảm cũng dừng lại ở mức thấp, khớp lệnh MBS cao nhất sàn khi có hơn 5,92 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu còn tăng điểm không nhiều và đều là các mã nhỏ như MST, TIG, NAG, VC3, IPA, trong khi HUT, IDC, API, VFS, LIG, APS về giá tham chiếu, khớp từ 0,54 triệu đến hơn 2,47 triệu đơn vị.

Đáng kể khác là cổ phiếu AMV, khi bị bán tháo và giảm sàn -8,33% xuống 2.200 đồng, khớp 1,86 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đuối sức ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều và lùi về dưới tham chiếu trước khi bật lên tăng điểm nhẹ về cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%), lên 92,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31 triệu đơn vị, giá trị 446,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 49 triệu đơn vị, giá trị 601 tỷ đồng, với đóng góp lớn từ 12,76 triệu cổ phiếu VNX trị giá 344,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu trên bảng điện tử phân hóa, với BSR, BVB, ABB VGI, QNS, MSR tăng điểm nhẹ, trong khi HNG, BCR, VGT, AAH, HBC, SBS về tham chiếu.

Cổ phiếu LTG bị bán mạnh, giảm xuống giá sàn -14,7% xuống 9.900 đồng, khớp hơn 3,59 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, từ hơn 6 điểm đến gần 10 điểm. Trong đó, VN30F2410 tăng 7,9 điểm, tương đương +0,58% lên 1.366,2 điểm, khớp lệnh hơn 208.900 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, những cái tên thanh khoản cao nhất đã kết phiên trong sắc xanh, với CMSN2402 khớp lệnh dẫn đầu khi có hơn 6 triệu đơn vị và tăng vọt hơn 57% lên 660 đồng/cq. Theo sau là CMWG2314 với 4,2 triệu đơn vị và tăng 6,7% lên 1.590 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục