Thị trường phân hóa cao, ngành cao su có trợ lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, bán lẻ thiết yếu và chăn nuôi thu hút dòng tiền, trong khi ngành chứng khoán, thép, bán lẻ không thiết yếu chịu sức ép điều chỉnh.
Thị trường phân hóa cao, ngành cao su có trợ lực

VN-Index đi ngang

Trong tuần giao dịch từ ngày 14 - 18/10/2024, VN-Index chưa vượt qua ngưỡng 1.300 điểm do dòng tiền chưa phân bổ rộng rãi và áp lực bán tại vùng giá cao gia tăng. Thanh khoản tương đương tuần trước đó và thấp hơn bình quân 20 tuần gần nhất cho thấy dòng tiền chưa chủ động tham gia thị trường.

Diễn biến thị trường có sự phân hóa rõ nét trước thềm mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Ngành ngân hàng, bất động sản, bán lẻ thiết yếu và chăn nuôi thu hút dòng tiền nhờ vào kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao, trong khi ngành chứng khoán, thép, bán lẻ không thiết yếu chịu sức ép điều chỉnh.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn có khả năng giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn, khi giới đầu tư thận trọng trước thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp được các doanh nghiệp công bố. Theo đó, thị trường ít có khả năng biến động mạnh và chỉ số chung cần thêm động lực để phá vỡ ngưỡng kháng cự hiện tại, với các nhóm ngành chưa nhận được sự quan tâm của dòng tiền cần thêm thời gian tích lũy để tham gia vào xu hướng tăng. Dự báo, VN-Index sẽ đi ngang tích lũy trong vùng 1.270 - 1.300 điểm.

Thực tế, VN-Index gặp áp lực bán khi tiếp cận vùng 1.290 - 1.300 điểm và mức độ phân hoá đang cao. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các thời điểm chỉ số tiếp cận vùng điểm này để hiện thực hoá lợi nhuận đối với các vị thế ở nhịp tăng vừa qua. Trong trường hợp mua mới, nhà đầu tư cần có sự chọn lọc, tập trung vào nhóm cổ phiếu có nội tại tốt, có câu chuyện tăng trưởng, đồng thời thu hút được sự chú ý của dòng tiền. Một số nhóm ngành đáng quan tâm là ngân hàng (ACB, MBB, STB), bán lẻ (MWG, FRT), công nghệ thông tin (FPT), vật liệu xây dựng - thép (HPG).

Ngành cao su có trợ lực

Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã hạ dự báo sản lượng cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu tấn xuống 14,5 triệu tấn. Sự điều chỉnh này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.

Một là, khí hậu bất lợi. Sự chuyển đổi từ pha El Nino sang La Nina khiến điều kiện thời tiết kém thuận lợi, mưa nhiều tại khu vực Đông Nam Á ảnh hưởng đến việc khai thác cao su, dẫn tới sản lượng giảm

Hai là, bệnh rụng lá lan rộng. Loại bệnh này không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cao su.

Ba là, diện tích chưa được mở rộng. Tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, người nông dân vẫn chưa sẵn sàng mở rộng diện tích trồng cao su, tức khả năng tăng trưởng sản lượng bị hạn chế.

Kết quả, ANRPC dự báo, sản lượng cao su toàn cầu năm 2024 chỉ tăng 0,4%, trong khi sản lượng của các quốc gia thành viên dự kiến giảm 0,6% so với năm 2023. Điều này có thể dẫn đến áp lực về nguồn cung và tác động đến giá cao su trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhu cầu cao su có thể tiếp tục tăng khi Trung Quốc có động thái sẽ mạnh tay tung các gói kích thích nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Giá cao su toàn cầu có xu hướng phục hồi sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Một số doanh nghiệp bắt đầu đa dạng hóa hoạt động sang lĩnh vực chế biến, bất động sản, hoặc các sản phẩm cao su kỹ thuật cao. Điều này giúp giảm bớt rủi ro khi thị trường cao su tự nhiên gặp khó khăn.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cao su có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất do những yếu tố như điều kiện khí hậu bất lợi và tình trạng bệnh rụng lá lan rộng, nhưng giá cao su tăng sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của ngành. Về dài hạn, khi thị trường bất động sản phục hồi và hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh, nhu cầu về cao su sẽ tăng rõ nét, đặc biệt trong các ngành sản xuất ô tô, lốp xe và xây dựng. Khi đó, các doanh nghiệp cao su sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục