Thị trường phái sinh: Công ty chứng khoán chờ chính sách

(ĐTCK) Nếu theo đúng tiến độ, dự kiến tháng 5/2017, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đủ điều kiện đi vào hoạt động. Để có thể bắt nhịp thị trường, các công ty chứng khoán (CTCK) đang có nhiều động thái tích cực chuẩn bị, đồng thời chờ đợi khung pháp lý và chính sách ưu đãi được ban hành.
Thị trường phái sinh: Công ty chứng khoán chờ chính sách

Hào hứng bắt đầu

Ông Phan Anh Vũ, Phó tổng giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh tại VCBS theo đúng tiến độ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty đã lên kế hoạch chi tiết và tích cực thực hiện công tác chuẩn bị.

Về vốn điều lệ, với mục tiêu làm thành viên giao dịch và thành viên bù trừ trực tiếp trên thị trường chứng khoán phái sinh, VCBS đã hoàn thiện hồ sơ và đang trình phê duyệt các cấp quản lý để nâng vốn điều lệ lên mức 1.000 tỷ đồng trong quý II/2017. Về hạ tầng công nghệ, Công ty đang đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh và phối hợp kiểm tra kiểm thử cùng các đợt tổng duyệt của Trung tâm Lưu ký (VSD) và HNX.

Bên cạnh đó, VCBS đã ký kết Hợp đồng khung về kết nối hệ thống với Ngân hàng Thanh toán là VietinBank để đảm bảo quá trình vận hành giao dịch được thông suốt và nhanh chóng.

Dự kiến, trong thời gian đầu sẽ có gần 10 CTCK lớn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh như SSI, HSC, VCBS, MBS, BVSC… Các CTCK này cũng đang gấp rút kiểm tra hệ thống và hoàn thành các khâu còn lại.

Đánh giá tích cực về các sản phẩm mới được triển khai, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cho biết, thị trường phái sinh đang được nhà đầu tư chờ đợi và bản thân các CTCK cũng rất háo hức với sản phẩm này. Cụ thể, MBS đã thành lập Ban Dự án chứng khoán phái sinh, bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2015 để có sự chuẩn bị kịp thời về mọi mặt.

Bên cạnh việc chuẩn bị về hạ tầng công nghệ, công tác đào tạo cũng được các CTCK chú trọng. Thực tế, để đưa vào vận hành một sản phẩm mới, các CTCK phải giúp nhân viên và nhà đầu tư hiểu, làm quen với các khái niệm, phương thức giao dịch… Chính vì vậy, nhiều CTCK cho biết đã bắt đầu thực hiện công tác đào tạo từ năm 2016, thông qua việc phối hợp với Trung tâm đào tạo của Ủy ban Chứng khoán, HNX…

Các CTCK cũng tích cực tham gia và đóng góp ý kiến trong các buổi hội thảo, giới thiệu, đào tạo của Ủy ban Chứng khoán, HNX và VSD về thị trường chứng khoán phái sinh.

Khó tránh vướng mắc 

Là một thị trường mới nên trong quá trình xây dựng, triển khai, các thành viên thị trường, đặc biệt là các CTCK, không thể tránh khỏi những vướng mắc. Ông Vũ cho biết, VCBS đang tích cực hoàn thiện quy chế và quy trình tác nghiệp nội bộ. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống khung pháp lý trên thị trường phái sinh còn chưa hoàn thiện, 2 quy chế quan trọng là quy chế thành viên và quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh vẫn chưa được ban hành. Do vậy, VCBS cũng như các CTCK đang gặp khó khăn nhất định trong việc hoàn thiện các văn bản nội bộ.

Bên cạnh đó, cách thức vận hành của thị trường chứng khoán phái sinh cần sự kết nối trực tuyến giữa các công ty thành viên với HNX, VSD và ngân hàng thanh toán. Việc kết nối trực tuyến này đòi hỏi quá trình xây dựng hệ thống và phối hợp kiểm thử khá phức tạp, tốn nhiều thời gian của các bên tham gia.

Đại diện CTCK SSI cho biết, để đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, nhà quản lý và các thành viên thị trường phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Điều này xuất phát từ khái niệm sản phẩm mới, cho đến phương thức vận hành hoàn toàn mới so với thị trường cơ sở hiện nay. Kiến thức và hiểu biết của nhà đầu tư về chứng khoán phái sinh còn tương đối hạn chế, nên sẽ là rủi ro khi sử dụng công cụ có tính đòn bẩy cao này để phòng ngừa rủi ro cũng như đầu cơ.

Thực tế, các CTCK khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh phải đầu tư rất nhiều nguồn lực về cả tài chính lẫn nhân sự. Trong khi đó, khả năng tham gia thị trường của các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu có thể chưa thực sự sôi động. 

Lãnh đạo VCBS đề xuất các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế thuế, phí phù hợp và có tính chất động viên, thúc đẩy đối với cả thành viên giao dịch lẫn các nhà đầu tư để thị trường có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà đầu tư, giảm/miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh của CTCK, thiết lập các mức phí ưu đãi liên quan đến hoạt động giao dịch đặt lệnh, ký quỹ, thanh toán bù trừ…

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục