Những mảnh đất ở nhỏ lẻ, diện tích từ 30 - 40 m2 tại các khu ven đô, có giá từ 800 - 1.200 triệu đồng/mảnh
Vẫn là nhu cầu thực
Trao đổi với phóng viên ĐTCK, lãnh đạo nhiều sàn giao dịch bất động sản khu vực Hà Nội cho biết, so với hồi đầu năm - thị trường “phập phù”, lúc bán được, lúc không - kể từ đầu quý III/2013 đến nay, kể cả khi đã bước vào tháng “ngâu”, thị trường bất động sản vẫn có giao dịch ổn định hơn trước.
Theo số liệu thống kê không chính thức thì đến nay, có đến hơn 80% các nhà môi giới bất động sản đã chuyển nghề. Số còn lại dù rất yêu nghề và xác định sẽ gắn bó lâu dài với thị trường nhưng đang phải xoay xở đủ kiểu để tồn tại. Một trong những cách để tồn tại của các môi giới bất động sản là tiết giảm hoa hồng và chăm sóc khách hàng nhiệt tình, chu đáo hơn.
Nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại khu vực Mỹ Đình cho hay, hiện mỗi giao dịch thành công, anh chỉ nhận được hoa hồng cao nhất là 20 triệu đồng, trong nhiều trường hợp, con số này chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng. “Có còn hơn không”, anh nói và cho biết, hoa hồng đã thấp nhưng nhiều khi phải chiều lòng khách bằng cách đưa đi xem nhà đất ở nhiều nơi cho đến khi khách hàng chọn được hàng ưng ý mới thôi.
Ngoài ra, anh còn nhận làm các thủ tục sang tên, chuyển tên hợp đồng hay vào tên “sổ đỏ” cho khách mà chẳng dám tính phí dịch vụ, với mong muốn, cốt sao vẫn duy trì được hoạt động, giữ được các mối quan hệ với chủ đầu tư và khách hàng.
Tuy nhiên, mặc dù biết các loại bất động sản giá rẻ là phù hợp với nhu cầu thật của khách hàng, nhiều nhà môi giới cũng phải thừa nhận, dù có hàng rồi cũng không phải dễ bán. Và để bán được hàng, nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phải thay khách hàng đứng ra đàm phán với chủ đầu tư về giá cả, chất lượng vật tư thiết bị, thiết kế… Đặc biệt, trong một số trường hợp, còn điều chỉnh cả nội dung hợp đồng do chủ đầu tư đã soạn thảo trước đó để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, điều chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay trên thị trường bất động sản bởi đa phần hợp đồng đều bao gồm những quy định có lợi cho chủ đầu tư.
Nhân viên tại nhiều sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội đều có chung nhận định, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khách hàng thực sự đã trở thành thượng đế khi có ý định tìm mua nhà đất. Và để đáp ứng nhu cầu ngày càng “khó tính” của các thượng đế, nhiều sàn đã phải đầu tư công sức ngay từ khâu tìm nguồn hàng.
Tín hiệu khả quan
Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã nhận định: “Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2013, tại các thành phố lớn, giá cả tiếp tục có xu hướng giảm, lượng giao dịch vẫn còn thấp. Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động và cởi mở hơn trong việc cho vay mua nhà ở, nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường, nguồn vốn cho thị trường bớt căng thẳng giúp thị trường bất động sản bắt đầu có tín hiệu khả quan. Các doanh nghiệp đã tích cực chủ động hơn trong việc đề xuất các giải pháp bán hàng, khuyến mại, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện...”
Theo Bộ Xây dựng, giá bán các căn hộ chung cư tại các dự án mới hoặc các căn hộ mới công bố giá bán thấp hơn so với các dự án và căn hộ cùng loại tại các thời điểm trước. Hầu hết chủ đầu tư đều thực hiện hạ giá bán để phù hợp hơn với nhu cầu của người mua. Điều đó cho thấy, phân khúc căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2 hoặc một số ít dự án có giá bán trên 20 triệu đồng/m2 đã xây dựng xong hoặc chuẩn bị bàn giao có kết quả giao dịch tăng.
Ghi nhận giá đất nền tại các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở tại Hà Nội không có biến động nhiều so với thời điểm quý I/2013, Bộ Xây dựng nhận định, lượng giao dịch đối với đất nền rất ít, nguyên nhân cơ bản là do các dự án có vị trí xa trung tâm và hạ tầng không đồng bộ, giá trị giao dịch vượt khả năng thanh toán của người dân. Tuy nhiên, những mảnh đất ở nhỏ lẻ diện tích từ 30 đến 40 m2 tại các khu vực ven đô có giá khoảng từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/mảnh phù hợp với khả năng thanh toán và nhu cầu thực của khách hàng ngoại tỉnh...