Thị trường nổi sóng lớn, "tưng bừng" kỷ niệm 25 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sóng lớn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán đã lan rộng sang các nhóm ngành khác, với hàng loạt mã ngân hàng, bất động sản cũng đua nhau khoe sắc tím, giúp thị trường lập đỉnh mới cả về điểm số và thanh khoản.
Thị trường nổi sóng lớn, "tưng bừng" kỷ niệm 25 năm

Không nằm ngoài nhận định của giới phân tích rằng, chỉ số tăng mạnh kèm thanh khoản lập kỷ lục cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan về triển vọng mở rộng đà tăng của thị trường. Sắc xanh ngày càng lan rộng hơn trên bảng điện tử, với “điểm nóng” đến từ nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã giúp VN-Index leo lên đỉnh cao mới 1.550 điểm trong phiên giao dịch sáng 28/7.

Bỏ qua những lo ngại về việc thị trường đang tăng nóng và cần có những nhịp nghỉ để lấy đà bước tiếp, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều sau diễn biến khá thuận lợi của phiên sáng.

Lực mua giá cao ồ ạt nhập cuộc ở tất cả các nhóm ngành, đặc biệt là bộ đôi lớn ngân hàng – chứng khoán, đã giúp các mã đua nhau tăng tốc. Bên cạnh “điểm nóng” từ nhóm chứng khoán, hàng loạt mã vừa và nhỏ từ nhóm cổ phiếu bất động sản cũng khoe sắc tím, kéo VN-Index tăng vọt tới hơn 26 điểm.

Thị trường đã khép lại một phiên giao dịch ý nghĩa trong lễ kỷ niệm mừng 25 năm hoạt động và sự ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới KRX, khi xác lập đỉnh cao mới cả về điểm số và thanh khoản.

Với những kết quả ghi nhận được trong 25 năm qua cùng niềm tin thị trường chứng khoán sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng tiền đang vận động vô cùng tích cực trên thị trường. Và về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục tăng sát theo dải trên Bollinger, kỳ vọng tiếp tục hướng tới các mốc điểm số cao hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 258 mã tăng (33 mã tăng trần) và 81 mã giảm, VN-Index tăng 26,29 điểm (+1,72%), lên 1.557,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,85 tỷ đơn vị, giá trị 46.715 tỷ đồng, tăng 27,6% về khối lượng và 24,9% về giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 25/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 61,3 triệu đơn vị, giá trị 2.252,4 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 chỉ còn PLX, VRE và BCM giảm nhẹ quanh mức 0,5%, cùng CTG đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, SHB đã kéo trần thành công, đóng cửa đứng tại mức giá 16.100 đồng/CP với thanh khoản lên tới hơn 137,7 triệu đơn vị và dư mua trần gần 5,6 triệu đơn vị.

Các mã tăng mạnh tiếp theo đó là TPB tăng 5,4%, SSI tăng 5,3% và VPB tăng 4,4%, với thanh khoản đều thuộc top sôi động của thị trường, đạt trên 40-50 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc tím lan rộng hơn với hàng loạt mã dư mua trần chất đống như VIX dư mua trần tới 10,66 triệu đơn vị, VND dư mua trần 7,4 triệu đơn vị, DLG dư mua trần 6,6 triệu đơn vị, DIG dư mua trần hơn 4 triệu đơn vị, VSC dư mua trần 3,7 triệu đơn vị…., thanh khoản các mã này cũng đạt vài triệu đến vài chục triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, toàn thị trường chỉ còn 3 nhóm thiết bị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, năng lượng, xe và linh kiện giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm không đáng kể.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn tăng mạnh nhất thị trường với hàng loạt mã khoe sắc tím như VIX, VND, AGR, ORS, DSC; các mã khác như VDS tăng 6%, BSI tăng 5,8%, FTS tăng 5,5%, HCM tăng 5,4%, SSI tăng 5,3%...

Nhóm cổ phiếu vua là một trong những động lực tiếp sức lớn cho thị trường, với VCB, BID, MBB, TCB, ACB đều tăng hơn 1%... Bên cạnh SHB, điểm sáng khác của dòng bank là VPB tăng 4,4% lên mức 25.100 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường, đạt 57,2 triệu đơn vị, TPB tăng 5,4% và khớp hơn 42 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản và xây dựng cũng khởi sắc hơn trong phiên chiều, với cặp đôi lớn VHM và VIC tăng tương ứng 2% và 1,3%, nhiều mã vừa và nhỏ đã kéo trần thành công như PDR, DIG, SJS, NHA, AGG, TDC, FIR, ITC, CII. Trong đó, CII sôi động nhất ngành với 51,4 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 2 triệu đơn vị, NVL tăng 2,3% và khớp 49,3 triệu đơn vị, PDR khớp 44,2 triệu đơn vị và dư mua trần 2,2 triệu đơn vị…

Các nhóm cổ phiếu thép, tiêu dùng, vận tải cũng có nhiều điểm sáng như NKG giao dịch bùng nổ với hơn 36,6 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 2,6 triệu đơn vị; VSC tiếp tục khoe sắc tím với khối lượng dư mua trần 3,7 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, thị trường cũng nới thêm biên độ tăng trong phiên chiều nhờ dòng tiền chảy mạnh cùng đà tăng tốc của nhiều mã bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 126 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 9,23 điểm (+3,63%), lên 263,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 199,1 triệu đơn vị, giá trị 4.038 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tăng tới hơn 24 điểm, với hàng loạt mã tăng tốc bên cạnh MBS và SHS tăng kịch trần từ phiên sáng, như CEO cũng tăng 9,6% lên mức giá trần 25.100 đồng/CP và thanh khoản đạt xấp xỉ 36 triệu đơn vị, LHC cũng tăng kịch trần, HUT tăng 6,9% và khớp lệnh 6,36 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, MST tăng 6,3% với khối lượng khớp lệnh gần 7,6 triệu đơn vị, TIG tăng kịch trần và khớp 3,94 triệu đơn vị, VC7, VC2… cũng đua nhau khoe sắc tím.

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán nổi sóng lớn. Cụ thể, SHS, MBS, APS, VIG, PSI đều tăng kịch trần, BVS tăng sát trần 9,1%, EVS tăng 6,8%, VFS tăng 5,7%..., với SHS sôi động nhất thị trường khi có hơn 43,6 triệu đơn vị khớp lệnh, MBS khớp 10,93 triệu đơn vị, VFS khớp hơn 7 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, đà tăng có chút thu hẹp về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 1,17 điểm (+1,11%), lên 106,94 điểm với 187 mã tăng và 104 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 108,7 triệu đơn vị, giá trị 1.419,6 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu ngân hàng là ABB và BVB vẫn là tâm điểm giao dịch của nhà đầu tư. Kết phiên, ABB tăng 12,9% với thanh khoản đạt 17,9 triệu đơn vị; còn BVB tăng 5,4% và khớp 13,14 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán cũng tỏa sáng với SBS tăng kịch trần với hơn 8,3 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần gần 1 triệu đơn vị; AAS tăng 7,8% lên mức 11.100 đồng/CP và khớp gần 2 triệu đơn vị, BMS tăng 10,7% và khớp 1,35 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng mạnh, trong đó 41I1F8000 tăng 20 điểm, tương đương 1,2% lên 1.693 điểm, khớp lệnh 187.650 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.540 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CFPT2514 khớp 3,6 triệu đơn vị và giảm 3,4% xuống 1.410 đồng/cq. Theo sau là CHPG2504 với 3,25 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 8,7% lên 2.120 đồng/cq.

T.Thúy

Tin cùng chuyên mục