Thị trường nhiên liệu biến động mạnh

(ĐTCK) Lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng từ Nga có thể gây gián đoạn nguồn cung ứng, tạo ra những xáo trộn lớn trên thị trường nhiên liệu toàn cầu.
Giá dầu tại châu Âu tăng vọt sau khi Nga cấm xuất khẩu mặt hàng này Giá dầu tại châu Âu tăng vọt sau khi Nga cấm xuất khẩu mặt hàng này

Ngày 21/9, Nga cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng tới tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu do Moscow đứng đầu, bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, nhằm ổn định giá và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhiên liệu trong nước, đã góp phần thúc đẩy giá nhiên liệu trên thế giới tăng cao.

Trước đó, Moscow đã cắt giảm gần 30% xuất khẩu dầu diesel và khí đốt vận chuyển theo đường biển trong 20 ngày đầu tháng 9 so với cùng kỳ tháng 8.

Trong phiên giao dịch ngày 21/9, khi Nga thông báo về quyết định cấm xuất khẩu, giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng gần 5%, lên hơn 1.010 USD/tấn.

Ảnh hưởng của lệnh cấm tới giá dầu thô sẽ tuỳ thuộc vào việc chính sách này sẽ kéo dài trong bao lâu, trong khi Nga vẫn chưa xác định rõ thời điểm bỏ lệnh cấm.

Sản phẩm dầu diesel hay gasoil thường được châu Âu sử dụng nhiều trong giai đoạn mùa Đông cho mục đích sưởi ấm. Nếu lệnh cấm kéo dài, sẽ ảnh hưởng lớn tới nhu cầu dầu cho tinh chế nhiên liệu.

Các sản phẩm dầu thô từ Nga hay Trung Đông được đánh giá là phù hợp cho sản xuất dầu diesel, trong khi Saudi Arabia đang cắt giảm nguồn cung, còn dầu đá phiến của Mỹ để tinh chế ra các sản phẩm này tương đối hạn chế.

Nỗi lo nguồn cung thắt chặt gia tăng khi các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại Trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng, do nhu cầu lọc và xuất khẩu tăng mạnh.

Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, nước này đã vận chuyển trung bình 1,07 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày từ đầu năm 2023 đến ngày 25/9, chiếm hơn 13,1% tổng giao dịch dầu diesel bằng đường biển.

Sau khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga do xung đột với Ukraine, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Bắc và Tây Phi, cũng như các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông. Các quốc gia vùng Vịnh, nơi có các nhà máy lọc dầu lớn của riêng họ, tái xuất khẩu nhiên liệu.

Nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga đến Brazil đạt khoảng 4 triệu tấn trong năm 2023 tính đến ngày 25/9, so với mức 74.000 tấn trong cả năm 2022. Nhiên liệu của Nga đã thay thế việc nhập khẩu dầu diesel của Brazil từ Mỹ.

Nhưng lệnh cấm của Nga sẽ làm thay đổi dòng chảy dầu trên toàn cầu một lần nữa.

Đến ngày 25/9, Nga đã nới lỏng một số lệnh cấm, nhưng lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao vẫn được áp dụng.

Một số nguồn tin cho biết, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel của Nga có thể buộc Brazil phải thay thế tới 400.000 tấn nhiên liệu mỗi tháng, nhiều nước khác cũng phải tìm nguồn cung thay thế.

Vậy nguồn cung thay thế đến từ đâu? Các nguồn tin thương mại và vận chuyển cho hay, các quốc gia châu Phi dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nguồn cung được vận chuyển từ Trung Đông, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler và 2 công ty môi giới tàu cho thấy, ít nhất 132.000 tấn dầu diesel giao tháng 9 hướng tới châu Phi từ nhà máy lọc dầu Duqm mới của Oman.

Các thương nhân cho hay, các nhà nhập khẩu Mỹ Latinh có thể sẽ chuyển sang Bờ Vịnh Mỹ và Trung Đông.

Với châu Âu, kể từ khi cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga, khu vực này đã tìm kiếm nhà cung cấp ở nơi khác, bao gồm Trung Đông. Sự cạnh tranh để giành được những nguồn cung đó giờ đây gia tăng do lệnh cấm xuất khẩu của Nga.

Các thương nhân kỳ vọng, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu.

Dữ liệu theo dõi tàu biển của Kpler và dữ liệu từ một nguồn môi giới tàu biển cho biết, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 190.000 tấn dầu diesel sang châu Âu trong tháng 9 và 45.000 tấn dự kiến được vận chuyển trong tháng 10.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục