Ông bình luận thế nào về việc đồng NDT vừa được đưa vào rổ SDR?
Tổ chức Tài chính quốc tế (IMF) vừa quyết định đưa đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (NDT) vào rổ tiền tệ Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) đã nằm trong sự kỳ vọng của thị trường, nên biến động không lớn khi thông tin chính thức được công bố.
Khi Trung Quốc đưa NDT vào SDR cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cuộc chơi mới, đó là sự biến động của NDT sẽ nhiều hơn trong tương lai, có khả năng tăng hoặc giảm giá. Khi đó, những biến động này cũng sẽ có những tác động lên các đồng tiền khác, trong đó có đồng Việt Nam (VND).
Theo ông, đâu là yếu tố ảnh hưởng lớn đến VNĐ thời gian vừa qua?
Việt Nam càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thì quyết định của các ngân hàng trên thế giới sẽ đều gây ảnh hưởng lên đồng Việt Nam. Nhìn vào thực tế hiện nay có thể thấy, những biến động của USD sẽ có tác động nhiều hơn tới VND do phần tỷ trọng thanh toán bằng USD vẫn lớn nhất, khoảng trên 90%.
"Nếu nhìn vào tổng thể của Việt Nam trong năm 2016, cán cân thanh toán vẫn dương nên áp lực lên đồng tiền là không nhiều so với các nước khác với cán cân thanh toán âm sẽ phải phá giá hoặc bù đắp…".
Bên cạnh đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên những biến động của NDT sẽ có những tác động nhất định lên VNĐ. Một số động thái quốc tế như quyết định rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Vậy theo ông, biến động những ngày qua liệu có yếu tố đầu cơ?
Sau khi NHNN can thiệp mạnh mẽ cách đây khoảng 1 tháng và ban hành Thông tư 15 thì nhu cầu thị trường thời gian gần đây là nhu cầu thực, việc tăng lên có thể do nhu cầu mua hàng chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý nền kinh tế có sự phục hồi trở lại, nên nhu cầu mua máy móc, thiết bị tăng lên.
Nhiều DN trước đây không dám mở rộng nhà xưởng, sản xuất thì hiện nay đã tự tin khởi động lại hoạt động để đón đầu chu kỳ kinh tế mới của Việt Nam. Do vậy, cầu ngoại tệ xuất phát từ chính nhu cầu thực của các DN hiện nay.
NHNN cũng sắp tổng kết toàn ngành 2015 và định hướng cho năm 2016, theo ông, liệu có nên tiếp tục công bố một biên độ nào đó cho tỷ giá?
Nếu nhìn vào việc NHNN đưa ra định hướng biên độ tỷ giá cho 3 năm trở lại đây, thực tế đã có những tác động tích cực với thị trường là ổn định tâm lý. Nếu NHNN đưa ra định hướng năm 2016 cũng chỉ mang tính chất, mức độ nhất định, trong điều kiện thị trường không có biến động lớn vì có những biến động nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN, thì sẽ làm thay đổi chiến lược của NHNN.
Thị trường phải chấp nhận rằng, không NHNN nào có thể cam kết một cách chắc chắn không điều chỉnh tỷ giá ở mức nào đó trong bất kỳ tình huống nào.
Báo cáo kinh tế của HSBC vừa công bố, có lẽ đã đưa ra nhận định khá lạc quan về sự ổn định tỷ giá Việt Nam trong năm tới…?
Dự báo của HSBC dựa trên các nhân tố là tổng thể kinh tế Việt Nam và trên những biến động của thị trường thế giới. Thực tế, nhiều yếu tố bất ngờ phát sinh trên thị trường thế giới nằm ngoài dự báo của các ngân hàng và NHNN cũng phải rất linh hoạt, chứ không thể có mục tiêu cố định cho cả năm.
Tuy nhiên, về tổng thể 2015, NHNN đã rất kiên định trong việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND và định hướng này đang được NHNN tiếp tục khẳng định cho năm 2016.
Nhìn về thị trường ngoại hối những ngày cuối năm 2015 và năm 2016, ông có nhận định gì?
Năm 2015 thị trường ngoại hối khá ổn định. Chúng ta đã trong tháng cuối của năm và mặt bằng tỷ giá hiện nay vẫn dưới trần quy định của NHNN. Mặc dù cầu có tăng lên chút ít, nhưng NHNN cũng rất quyết liệt khi bán ngoại tệ ra thị trường, qua đó thể hiện rõ thông điệp ổn định tỷ giá trong năm 2015.
Tất nhiên, không thể khẳng định một cách chắc chắn VNĐ không thể bị ảnh hưởng bởi các đồng tiền khác trên thế giới trong năm 2016. Đặc biệt, trong bối cảnh 2016 nhiều khả năng xu hướng biến động của các đồng tiền sẽ tiếp tục.
Các chính sách của các NHTW đang ngược chiều nhau, ví dụ như Mỹ dự kiến tăng lãi suất trong tháng 12, trong khi châu Âu thì giảm lãi suất, Nhật Bản nhiều khả năng vẫn tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, động thái của Trung Quốc khó lường đoán…
Những tác động ngược chiều và đối nghịch nhau đó có khả năng sẽ tạo nên những chuyển động trên thị trường ngoại hối trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể của Việt Nam trong năm 2016, cán cân thanh toán vẫn dương nên áp lực lên đồng tiền là không nhiều so với các nước khác với cán cân thanh toán âm sẽ phải phá giá hoặc bù đắp…
Tuy nhiên, NHNN phải tính tới việc định giá VND ở mức nào để tạo sự cạnh tranh cho VND. Nhưng cần chú ý, tỷ giá không phải là giải pháp duy nhất để giúp tăng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam, mà yếu tố hàng đầu là chất lượng, thương hiệu sản phẩm, độ uy tín trong việc cung cấp hàng…
Đây là những yếu tố tổng thể cần phải giải quyết để duy trì yếu tố cạnh tranh của hàng Việt Nam trên trường quốc tế.
Do vậy, với định hướng giữ ổn định và khả năng tất cả các yếu tố khác vẫn giữ ở mức ổn định như hiện nay, chúng tôi dự báo, VNĐ có khả năng được điều chỉnh khoảng 2-3%.
Nếu có những biến động lớn của thị trường trên thế giới, chắc chắn NHNN sẽ xem xét lại tổng thể cung cầu trên thị trường để đưa ra chiến lược hợp lý nhưng định hướng chung vẫn sẽ là ổn định.