Vị lãnh đạo Maritime Bank đã phân tích tình hình vĩ mô của nền kinh tế và khẳng định không thiếu ngoại tệ để DN này yên tâm. Tuy nhiên, đến ngày thứ Tư (26/11), khi khách hàng quyết định mua ngoại tệ thì Ngân hàng không có nguồn để bán, dù DN chấp nhận mức giá lúc đó tăng 20 điểm phần trăm so với đầu tuần, chốt ở mức 21.420 VND/USD.
Lãnh đạo phụ trách khối nguồn vốn của một ngân hàng khác cho hay, tình hình này cũng tương tự tại ngân hàng ông. Cụ thể, trong ngày thứ Tư, một khách hàng lớn cần mua 50 triệu USD, nhưng Ngân hàng không có nguồn để cung cấp.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, ngày thứ Ba (25/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp với 6 ngân hàng chủ chốt trên thị trường ngoại hối và một số ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn. Thị trường chờ đợi, sáng ngày hôm sau, NHNN sẽ bán ngoại tệ, nhưng đến chiều muộn cơ quan này mới cung tiền. Có lẽ vì vậy mà trong ngày 26/11, hoạt động ngoại hối tại nhiều ngân hàng đứng im, thậm chí không niêm yết tỷ giá.
“Chiều muộn ngày thứ Tư, NHNN mới bán ngoại tệ. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua ngoại tệ, thậm chí chấp nhận mức giá lên đến 21.450 - 21.470 VND/USD, cao hơn giá trần của NHNN, nhưng thị trường có thanh khoản rất thấp”, vị lãnh đạo phụ trách khối nguồn vốn nêu trên nói.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, việc NHNN can thiệp vào cung - cầu ngoại hối nhằm bình ổn thị trường đang nặng về yếu tố tâm lý là chính. Các yếu tố cơ bản để giảm giá VND gần như không có, bởi cán cân xuất nhập khẩu thặng dư 2 tỷ USD, lượng vốn FDI tăng 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, VietinBank dự báo, năm 2014, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, đạt 12,1 tỷ USD. Điều này có nghĩa, ngoại tệ vào hệ thống khá lớn.
Giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng nêu quan điểm, trước những biến động của thị trường ngoại hối, NHNN cần có thời gian để đánh giá chính xác mức độ căng thẳng là nhu cầu thực của nền kinh tế, phục vụ cho việc thanh toán xuất nhập khẩu cuối năm, hay chỉ là các biến động nhất thời trên thị trường liên ngân hàng. NHNN sẽ không can thiệp bù đắp cho thị trường liên ngân hàng, mà chỉ cho nền kinh tế, nên không phải cứ có biến động, hay căng thẳng trên thị trường ngoại hối là phải “nhao ra”.
“NHNN cần thiết mới can thiệp vào thị trường ngoại hối, dù nguồn cung khá dồi dào. Bản thân các ngân hàng cần xem các biến động trên thị trường là nhất thời hay xu hướng để điều chỉnh chính sách kinh doanh phù hợp”, vị giám đốc trên nói.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, lượng mua ngoại tệ của BIDV từ khách hàng lớn hơn so với nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng nên khả năng cân đối của ngân hàng cho các nhu cầu cân đối thanh toán, L/C, trả nợ vay… vẫn đáp ứng bình thường. Ngoài ra, trong 2 ngày gần đây, thị trường ngoại hối có những biến động và tác động một phần lên tâm lý của khách hàng, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp, hỗ trợ kịp thời nên thị trường hiện đang giao dịch ổn định ở mức giá 21.394 - 21.395 VND/USD.
Trong một tương quan khác, lãnh đạo một ngân hàng nhận định, NHNN đứng ở vị trí thấy được tổng nguồn cung hay nhu cầu của thị trường, nên đã có động thái chủ động hơn. Xu hướng tăng giá ngoại tệ có từ 1 - 2 tháng nay và dần dần cao hơn, thậm chí chỉ số thâm hụt thương mại đã âm. Dĩ nhiên, tổng thể cung - cầu trên thị trường ngoại tệ là bình ổn, nhưng như ở thời điểm ngày hôm qua, thị trường trong tình trạng căng thẳng, chỉ cần bơm ra một chút ngoại tệ là có thể hạ nhiệt ngay.
“Con số chính thức cung ngoại tệ ra bao nhiêu không được công bố rộng rãi, nhưng thị trường đoán NHNN bán ra 200 triệu USD. Hiện thị trường đã tạm bình ổn, tỷ giá dưới mức trần của NHNN, nhưng với lượng ngoại tệ bán ra không lớn, không đủ với thị trường nên không loại trừ khả năng tiếp tục tạo áp lực. Do đó, mọi việc vẫn cần chờ đợi thêm”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.