Đánh giá của ông về diễn biến thị trường ngoại hối từ đầu năm 2016 đến nay?
Nhìn chung, thị trường ngoại hối Việt Nam từ đầu năm 2016 diễn biến khả ổn định. Trái ngược với dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ tăng mạnh của nhiều chuyên gia và tổ chức trong, ngoài nước vào cuối 2015. Cụ thể, tỷ giá USD/VND 7 tháng 2016 đã giảm khoảng 1% so với cuối 2015 về mức 22.300 đồng/USD. Mặc dù có một số thời điểm biến động tăng do yếu tố tâm lý và mùa vụ, đáng chú ý là vào cuối tháng 3 và cuối tháng 5, nhưng tỷ giá nhanh chóng đảo chiều và giảm trở lại về mức ổn định 22.300 đồng/USD.
Theo thông tin từ báo chí, ước tính có 8-9 tỷ USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào từ thị trường ở mức giá trên. Điều này cho thấy, tỷ giá hoàn toàn có thể giảm sâu hơn nếu NHNN không sớm đưa ra ngưỡng chặn giá mua vào.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh
Tỷ giá ổn định theo ông nguyên nhân do đâu?
Trước hết, việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp trì hoãn các đợt nâng lãi suất trong năm 2016. Tới thời điểm hiện tại, dự báo khả năng FED chỉ tăng lãi suất 1 lần trong các tháng cuối năm 2016, thay vì 4 lần như dự báo đầu năm. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước diễn biến khá tích cực. Trong đó, cán cân thương mại thặng dư khoảng 1,5 - 1,6 tỷ USD đến tháng 7, so với thâm hụt 3,9 tỷ USD cùng kỳ năm 2015; FDI giải ngân tăng khoảng 20%, đạt 8,6 tỷ USD, so với 7,2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Sự điều hành khá linh hoạt và nhanh nhạy của NHNN, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016 khi cho phép các NHTM mua kỳ hạn có thể hủy ngang, cũng như áp dụng cơ chế tỷ giá mới (tỷ giá trung tâm), đã giúp triệt tiêu đáng kể áp lực tâm lý đầu cơ trong thị trường lên tỷ giá.
Ngoài ra, việc tỷ giá duy trì ở một mặt bằng trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất và ổn định tâm lý cho dân cư, nâng vị thế của VND. Các chính sách nhằm chống đô-la hóa cũng có những chuyển biến tích cực. Trên hệ thống ngân hàng, huy động vốn ngoại tệ có dấu hiệu giảm mạnh trong năm 2016, đặc biệt là trong khối dân cư, cho thấy xu hướng chuyển hóa tiền gửi ngoại tệ thành VND trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD được giới hạn ở mức 0%, tỷ giá ổn định, lãi suất VND tương đối hấp dẫn và lạm phát thấp.
Còn vai trò của cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt?
Theo quan sát của chúng tôi, trong những giai đoạn trước khi NHNN duy trì tỷ giá tham chiếu cố định, các tổ chức kinh doanh trên thị trường thường có xu hướng giữ trạng thái âm lớn trong phạm vi giới hạn được phép để hưởng chênh lệch lợi suất giữa VND và USD, đặc biệt khi họ dự đoán mức tăng của tỷ giá thấp hơn lợi suất chênh lệch thu được khi nắm giữ trạng thái âm. Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn một áp lực rất lớn tại các thời điểm thị trường có biến động ngược chiều, khi đó, cộng hưởng với yếu tố tâm lý sẽ tạo ra áp lực tăng/phá giá mạnh.
Với việc điều hành tỷ giá trung tâm, NHNN đã phát đi tín hiệu rằng, có thể sẽ điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và không “giật cục”. Điều này đồng nghĩa với các trạng thái mang tính chất đầu cơ sẽ phải đối diện với rủi ro lớn hơn rất nhiều. Trong năm 2016, các NHTM có xu hướng thường xuyên duy trì trạng thái dương và như vậy, các áp lực mang tính cộng hưởng cả về tâm lý từ các nguyên nhân đầu cơ như trên lên tỷ giá hầu như không còn. Tỷ giá chủ yếu chịu tác động từ diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới và các yếu tố kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt.
NHNN cũng đã và đang rất chủ động can thiệp thị trường một cách đồng bộ, linh hoạt thông qua các công cụ thị trường mở để tác động lên đồng thời lãi suất, thanh khoản và tỷ giá trong những giai đoạn thị trường ngoại hối có dấu hiệu căng thẳng do tâm lý hoặc đầu cơ.
Cú sốc Brexit chỉ khiến thị trường này có chút biến động. Vậy dự báo tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?
Sau sự kiện Brexit, theo quan sát của chúng tôi, đồng bảng Anh giảm mạnh khoảng 10,5% tính tới thời điểm cuối tháng 6 - khoảng 1 tuần sau Brexit, trong khi các đồng tiền của quốc gia khác sau các biến động tâm lý ngắn hạn cũng dần ổn định. Ví dụ, EUR giảm 2,4% và JPY tăng 2,8%, đây là mức biến động thông thường trên thị trường. Trên thị trường ngoại hối Việt Nam, tác động của sự kiện trên cũng khá hạn chế, khi tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 40 điểm trong 2 ngày làm việc, sau đó giảm trở lại về mức ổn định 22.300 đồng/USD.
Như vậy, sự kiện Brexit dường như mới chỉ có một số tác động rất ngắn hạn tới thị trường ngoại hối Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng ta cũng cần tiếp tục quan sát và theo dõi các tác động mang tính gián tiếp và dây chuyền có khả năng xảy ra do hệ quả của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Theo ông, NHNN cần lưu ý những vấn đề gì trong điều hành tỷ giá giai đoạn tới?
Thị trường ở 3 khu vực châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đang diễn biến phức tạp và cần theo dõi sát để có dự báo và phản ứng chính sách kịp thời. Đối với châu Âu, hệ quả tiếp theo của Brexit có thể sẽ tiếp tục làm cho GBP và EUR mất giá so với USD, nhưng tốc độ như thế nào thì còn phụ thuộc khả năng tăng lãi suất của FED và khả năng xử lý các khủng hoảng sau Brexit ở châu Âu.
Hiện giờ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố cơ chế tỷ giá mới, qua đó, đồng Nhân dân tệ (CNY) được neo theo giá của một rổ tiền tệ, cho phép CNY giảm giá một cách từ từ, tránh những cú sốc cho thị trường như đã xảy ra tháng 8/2015. Tuy nhiên, có một thực tế là CNY đã giảm giá khoảng 2,5-3,0% so với USD từ đầu năm tới nay, trong khi VND lại tăng giá khoảng 1%. Như vậy, CNY đã giảm giá khoảng 3,5-4,0% so với VND.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 24,2 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu được 7,7 tỷ USD. Cùng kỳ 2015, Việt Nam nhập khẩu 23,2 tỷ USD từ Trung Quốc và xuất khẩu 9,1 tỷ USD. Như vậy, nhập khẩu đã tăng khoảng 1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu lại giảm 1,4 tỷ USD. Chưa tính đến con số xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch, có vẻ như việc CNY giảm giá so với VND đã tạo ra một lợi thế nhất định cho hàng hóa Trung Quốc.
Nền kinh tế Mỹ gần đây có những thông tin trái chiều khi GDP quý II của nước này tăng chậm, chỉ đạt 1,2% so với kỳ vọng 2,6%, trong khi số liệu về việc làm phi nông nghiệp tiếp tục cao hơn kỳ vọng. Với những số liệu này, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, khả năng FED nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 9 và tháng 11 là không cao, với xác suất nâng lãi suất vào 2 thời điểm này khoảng 26%. Khả năng nâng lãi suất trong tháng 12 cao hơn, khoảng 47%. Nếu FED tăng lãi suất, tỷ giá USD có xu hướng tăng mạnh hơn so với các ngoại tệ khác, bao gồm cả EUR, GBP, CNY và tạo áp lực lên chính sách tỷ giá của NHNN để đảm bảo mức cạnh tranh của xuất khẩu.
Tuy nhiên, như phân tích ở trên, trong ngắn hạn những dịch chuyển kinh tế vĩ mô và chính sách trong nước đã và đang là yếu tố quyết định và thuận lợi để hỗ trợ NHNN chủ động thực thi chính sách tỷ giá như mong muốn trong năm nay. Những yếu tố bên ngoài như thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ ít có khả năng tác động mạnh lên thị trường ngoại hối Việt Nam.
Về trung-dài hạn, từ năm 2017, thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi gánh nặng về tổng nợ của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về giá trị tương đối, trong khi chính sách kích cầu thông qua các gói nới lỏng định lượng và lãi suất âm của EU và Nhật lại không có hiệu quả và kinh tế Mỹ bị nghi ngờ sẽ suy thoái vào năm 2017. Tất cả các yếu tố trên sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng theo nhiều hướng và cần được theo dõi sát sao để có cảnh báo và ứng xử kịp thời.