Thị trường mất hơn 15 điểm, cổ phiếu YEG lấy lại sắc tím

(ĐTCK) Trong khi áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến VN-Index mất hơn 15 điểm và thủng mốc 1.255 điểm, thì cổ phiếu YEG lại được giải cứu và kéo trần thành công sau chuỗi 5 phiên lao dốc.

Sau phiên hồi phục nhẹ ngày đầu tiên của năm mới 2025, thị trường đã nhanh chóng trở lại với sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên 3/1. Áp lực bán ngày càng dâng cao hơn đã khiến VN-Index dần nới rộng biên độ giảm và tạm dừng phiên sáng ngay sát mốc 1.260 điểm, khi các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đều giảm sâu hơn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu lạc quan. Giao dịch khá ảm đạm khi lực bán vẫn chiếm áp đảo khiến thị trường chung tiếp tục lùi sâu hơn và VN-Index dễ dàng để thủng ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm.

Đà giảm điểm nới rộng thêm đôi chút trong đợt khớp lệnh ATC đã đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất trong ngày dưới vùng giá 1.255 điểm khi để mất hơn 15 điểm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý chính là lực cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, cho thấy tâm lý chung vẫn chờ đợi thị trường tiếp tục giảm thêm nữa.

Hôm nay là một phiên giảm điểm mạnh, nhưng nếu nhìn chu kỳ gần 1 năm qua, khi VN-Index chỉ dao động trong khoảng 1.200-1.300 điểm thì diễn biến như phiên hôm nay không có gì bất thường. Về trung hạn, chỉ số đang đi ngang, và nếu nhìn một cách tích cực thì đây là giai đoạn tích lũy trong biên độ hẹp, tích lũy càng dài thì độ nén càng lớn. Nếu, kinh tế có những dấu hiệu lạc quan, VN-Index có thể tăng tốc rất nhanh.

Đóng cửa, sàn HOSE có 69 mã tăng và 353 mã giảm, VN-Index giảm 15,12 điểm (-1,19%) xuống 1.254,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 560,5 triệu đơn vị, giá trị 13.750 tỷ đồng, tăng 30,93% về khối lượng và 27,88% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,8 triệu đơn vị, giá trị 1.727 tỷ đồng.

Gánh nặng chính của thị trường đến từ nhóm VN30 khi kết phiên giảm tới hơn 22 điểm, với 24 mã giảm, chỉ 3 mã tăng và 3 mã đứng giá. Trong đó, BVH giảm sâu nhất là 3,4%, tiếp theo là MWG giảm 3,3% và TCB giảm 3,1%, cùng phần lớn các mã giảm trong khoảng 1-3%; ngược lại chỉ có PLX tăng 0,8%, SSB tăng 0,3%, VCB tăng 0,1%, cùng 3 mã là BID, SHB, VHM đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, bên cạnh cặp đôi vừa và nhỏ TMT và HAP vẫn trong trạng thái dư mua trần vài chục nghìn đơn vị, trong phiên chiều có thêm sự góp mặt của YEG. Như vậy, trải qua những ngày đón nhận “cây thông” với 5 phiên lao dốc, trong đó có 3 phiên nằm sàn, cổ phiếu YEG đã được giải cứu thành công trong phiên hôm nay. Kết phiên, YEG tăng 6,83% lên mức giá trần 19.550 đồng/CP và khớp lệnh xấp xỉ 4,7 triệu đơn vị.

Thông tin đáng chú ý mới đây tại YEG là Công ty đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con là CTCP Giải trí ANA và CTCP Tập đoàn Care. Theo đó, CTCP Giải trí ANA, CTCP Tập đoàn Care cùng các công ty con, công ty liên kết của các công ty này không còn là công ty con, công ty liên kết của Yeah1.

Xét về nhóm ngành, bảo hiểm đang là nhóm giảm sâu nhất bởi BVH giảm 3,4%, PVI giảm 3,77%, MIG và BMI cùng giảm hơn 3%...

Bên cạnh đó, với diễn biến thiếu tích cực của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thuộc top giảm mạnh, với SSI, HCM, FTS, VCI, CTS đều giảm hơn 2%, BSI và ORS giảm hơn 3%... Trong đó, SSI và HCM thuộc top 5 mã giao dịch sôi động nhất thị trường, tương ứng đạt hơn 16 triệu đơn vị và 12,2 triệu đơn vị, kết phiên lần lượt giảm 2,3% và 2,6%.

Nhóm ngân hàng cũng gia tăng sức ép, ngoại trừ VCB giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,1%, còn lại đều giảm sâu hơn như TCB giảm hơn 3% với thanh khoản dẫn đầu ngành, đạt 17,43 triệu đơn vị; CTG, HDB, STB, LPB, TPB, VIB, VPB đều giảm hơn 2%.

Nhóm bất động sản cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, nhưng NVL vẫn là điểm sáng ngược dòng thành công, kết phiên tăng 1,4% và khớp lệnh 11,64 triệu đơn vị; trong khi DXG giữ được mốc tham chiếu với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 20,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép “giật lùi”, với mã lớn HPG giảm 1,5%, kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 26.600 đồng/CP và thanh khoản đứng thứ 4 toàn thị trường với hơn 13,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều, với tâm điểm là các cổ phiếu nhóm HNX30, đã khiến HNX-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 55 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 2,03 điểm (-0,89%) xuống 225,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,48triệu đơn vị, giá trị gần 817 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,96 triệu đơn vị, giá trị 26,67 tỷ đồng.

Các cổ phiếu họ P tích cực hơn so với thị trường chung, với PLC kết phiên tăng 3,2% lên mức 22.600 đồng/CP, PVS tăng nhẹ 0,6% lên 34.000 đồng/CP và khớp 2,25 triệu đơn vị, PVC đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm mạnh hơn trong phiên chiều, với MBS kết phiên giảm 3,5% và khớp 3,7 triệu đơn vị, SHS giảm 2,3% và khớp 5,58 triệu đơn vị, BVS giảm 3%, APS giảm 3,1%, VIG và EVS cùng giảm 1,8%, PSI giảm 2,5%... Điểm sáng ngành là IVS khi cổ phiếu này có thời điểm khoe trần và kết phiên tăng 4,9% với khối lượng khớp lệnh 0,81 triệu đơn vị, đáng chú ý là khối ngoại mua ròng gần 0,7 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ITQ vẫn giữ được sắc tím khi kết phiên tăng 7,1% và thanh khoản đạt hơn 2,21 triệu đơn vị, trong khi LIG đứng giá tham chiếu và khớp 2,8 triệu đơn vị, còn TIG tăng nhẹ 1,5% và khớp 2,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,75%), xuống 94,34 điểm với 145 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,86 triệu đơn vị, giá trị 566 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNG vẫn là tâm điểm của thị trường. Đóng cửa, HNG tăng 7,4% lên mức 7.300 đồng/CP với thanh khoản vượt trội đạt gần 12 triệu đơn vị. Cổ phiếu nhỏ khác là BCR tăng 2,2% lên mức 4.700 đồng/CP và khớp lệnh 1,87 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR đứng thứ 2 về thanh khoản với hơn 5 triệu đơn vị, tuy nhiên áp lực bán đã khiến mã này giảm 2,6% về mức thấp nhất trong phiên là 22.100 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm khá mạnh, trong đó VN30F2501 giảm sâu nhất khi để mất 22,9 điểm, tương đương -1,7% xuống 1.324 điểm, khớp lệnh hơn 172.870 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.930 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập, với CMWG2314 dẫn đầu thanh khoản với 3,39 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 16,3% xuống mức 770 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2334 khớp 2,83 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 42,9% xuống mức 40 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục