Thị trường M&A sôi động ngầm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nửa cuối năm được nhìn nhận là giai đoạn tăng tốc của thị trường M&A, bất chấp nhiều thách thức đang được giới chuyên gia đề cập.
Thị trường M&A sôi động ngầm

Ngày 23/9/2022, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức phiên đấu giá cả lô gần 90% vốn của SCIC tại Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen). Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 580,18 tỷ đồng, tương ứng với hơn 58 triệu cổ phần. SCIC đưa ra bán 56,9 triệu cổ phần, giá khởi điểm cả lô là hơn 1.348 tỷ đồng, tương ứng 23.700 đồng/cổ phiếu. Đợt đấu giá này chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước.

Viwaseen hoạt động trong hai lĩnh vực chính, gồm xây lắp và sản xuất nước thô, nước sạch. Ngoài ra, đơn vị có kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng và quản lý tòa nhà, kinh doanh vật tư.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kém khả quan khi doanh thu giảm dần từ 1.714 tỷ đồng năm 2019 xuống 828 tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận ròng cũng giảm từ 11,6 tỷ xuống lỗ 1,2 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, Tổng công ty báo cáo doanh thu tăng 36% đạt 424 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ ròng 6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 12,4 tỷ đồng. Yếu tố được cho là hấp dẫn nằm ở quỹ đất của doanh nghiệp. Hiện Công ty đang hợp tác đầu tư 2 dự án, gồm Khu phức hợp quận 9 tại TP.HCM và tổ hợp chung cư Hạ Đình tại Hà Nội.

Trong danh sách các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn của SCIC đủ điều kiện đưa ra bán từ nay đến cuối năm, có gần 10 doanh nghiệp. Đây cũng có thể là những thương vụ M&A đáng chú ý trong nước.

Cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp lớn thoái vốn nhà nước là Tổng công ty Viglacera (mã VGC). Hiện Bộ Xây dựng đại diện sở hữu 38% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2023, Viglacera phải thực hiện thoái vốn nhà nước, nếu không thoái được thì vốn Nhà nước sẽ chuyển về SCIC quản lý.

Đây là doanh nghiệp kinh doanh đầu tư hiệu quả, bởi vậy, thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Viglacera được nhận định thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Năm 2022, Viglacera đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất và công ty mẹ là 1.700 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 4% so với thực hiện năm 2021. Theo kết quả mới nhất được Viglacera công bố, trong 8 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty vượt xa kế hoạch cả năm, với lợi nhuận hợp nhất đạt 118%, công ty mẹ đạt 128%.

Ông Andrea Guerzoni, Phó Chủ tịch EY toàn cầu – Lãnh đạo bộ phận Chiến lược và giao dịch tài chính cho biết: “Không giống như khi Covid-19 bùng phát (thời điểm hoạt động M&A chững lại), chúng tôi nhận thấy, thời điểm này đa phần các doanh nghiệp vẫn có tâm thế lạc quan, tiếp tục tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua các thương vụ M&A.

Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu thực hiện các giao dịch M&A xuyên quốc gia vẫn rất lớn, nhưng các CEO ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác cho các thương vụ. Họ ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất và theo đuổi các giao dịch tài chính trong biên phí thấp hơn, thay vì thực hiện chiến lược mở rộng toàn cầu một cách thuần túy".

Theo số liệu của EY, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường M&A toàn cầu ghi nhận 2.274 thương vụ, với tổng giá trị 2.020 tỷ USD, giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, hoạt động này vẫn đang đi lên với mức tăng 13% về thương vụ và 35% về giá trị.

Với riêng thị trường Việt Nam, ông Trần Vinh Dự, lãnh đạo bộ phận Chiến lược và giao dịch tài chính, EY Đông Dương cho biết: “Hoạt động đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ.

Theo nghiên cứu của EY, tổng giá trị thương vụ giao dịch nửa đầu năm 2022 gần bằng cả năm 2021 (4,97 tỷ USD).

Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận, hoạt động M&A có thể sẽ giảm nhiệt trong 6 tháng cuối năm 2022 do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao.

Ông Guerzoni kỳ vọng nguồn vốn tư nhân sẽ là động lực chính cho các giao dịch cả về vốn và nợ trong những tháng sắp tới. Bởi nguồn vốn tư nhân đang dồi dào trong khi lãi suất ngân hàng ở mức cao, hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò cơ bản hơn của thị trường vốn tư nhân đối với nền kinh tế toàn cầu.

Mai Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục