Thị trường lình xình chờ tin mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 3 tháng qua, VN-Index dao động trong vùng 1.030 - 1.080 điểm. Chỉ số đang tiệm cận ngưỡng hỗ trợ, nhưng dòng tiền vẫn có dấu hiệu thận trọng nên “lướt” nhanh.
Từ mùa công bố báo cáo quý II/2023, nhà đầu tư có thể bắt đầu tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng hoặc hồi phục lợi nhuận Từ mùa công bố báo cáo quý II/2023, nhà đầu tư có thể bắt đầu tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng hoặc hồi phục lợi nhuận

Sự đồng thuận của yếu tố kỹ thuật và vĩ mô

Xét yếu tố kỹ thuật ngắn hạn, VN-Index cuối tuần qua tiến sát ngưỡng hỗ trợ 1.030 điểm, nhưng chỉ số chưa có dấu hiệu bứt phá khỏi xu hướng đi ngang. Biên độ dao động của VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì vùng 1.030 - 1.080 điểm và thanh khoản không cao, nên tỷ suất sinh lời cổ phiếu mục tiêu chỉ khoảng 5 - 10%.

Về mặt vĩ mô, ở thời điểm này, thị trường chứng khoán có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Các yếu tố rủi ro bất định từ trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu có thể kể đến như lo ngại kinh tế thế giới suy thoái, rủi ro hệ thống ngân hàng quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Diễn biến VN-Index và lực mua - bán.

Diễn biến VN-Index và lực mua - bán.

Tuy nhiên, triển vọng thị trường có chuyển biến tích cực khi lạm phát dần hạ nhiệt, Fed tiến tới việc ngừng tăng lãi suất và chính sách tiền tệ của Việt Nam dần nới lỏng khi Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt hạ lãi suất điều hành trong tháng 3/2023, cùng với đó là một số chính sách mới được ban hành nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế.

Kỳ vọng lãi suất sẽ giảm

Thông điệp lớn nhất mà giới đầu tư quan tâm ở cuộc họp đầu tháng 5/2023 của Fed là cơ quan này tiến tới việc ngừng tăng lãi suất. Trong năm 2022, hành động tăng lãi suất nhanh nhất trong 4 thập kỷ của Fed là yếu tố chính đẩy thị trường chứng khoán thế giới rơi vào thị trường “con gấu”. Thực tế, động thái của Fed quyết định rất nhiều hướng đi của thị trường.

Cùng với cuộc khủng hoảng ở nhiều ngân hàng nhỏ của Mỹ thời gian vừa qua, giới đầu tư toàn cầu kỳ vọng, tháng 5 này là đợt tăng lãi suất cuối cùng và Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2023. Theo đó, một dấu hiệu tích cực là áp lực tỷ giá hạ nhiệt, chỉ số đồng USD (DXY) giảm mạnh so với mức đỉnh giữa tháng 9/2022. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối thêm 4 tỷ USD kể từ đầu năm 2023.

Nhà đầu tư kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất, qua đó tác động tích cực tới tâm lý giao dịch và các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ…

Trong bối cảnh lạm phát ở các nước lớn phần nào hạ nhiệt, dư địa cho việc giảm lãi suất của Việt Nam vẫn còn.

Động thái giảm lãi suất Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3/2023 cho thấy sự độc lập trong chính sách tiền tệ và sự tự tin trong việc ổn định vĩ mô, sẵn sàng hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Điều này đã được thị trường chứng khoán phản ứng một cách khá tích cực.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất, qua đó tác động tích cực tới tâm lý giao dịch trên thị trường và các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, hay nhóm doanh nghiệp vay nợ cao như thép. Tuy nhiên, tác động dự kiến sẽ chậm và thông tin vĩ mô toàn cầu còn đan xen việc kinh tế Trung Quốc phục hồi và Fed tăng lãi suất.

Cơ hội đầu tư tháng Năm trong biên độ hẹp

Thị trường trong tháng Năm thường có hiệu ứng “Bán tháng Năm và đi chơi”, nhưng năm nay có thể sẽ khác khi khá nhiều cổ phiếu gần đây có diễn biến đi lên, bất chấp VN-Index giảm điểm.

Có những doanh nghiệp công bố báo cáo hoạt động kinh doanh quý I/2023 với kết quả xấu, nhưng giá cổ phiếu lại không sụt giảm, thậm chí còn tăng. Điều đó chứng tỏ, yếu tố tiêu cực đã phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước, sắp tới là kỳ vọng vào tương lai. Trong khi đó, có những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý I đầu năm 2023 tăng trưởng mạnh, giúp cổ phiếu thu hút dòng tiền và tăng giá. Chẳng hạn, mã BMP tăng từ vùng giá 6x lên 8x, mã KBC tăng từ vùng giá 24.000 đồng/cổ phiếu lên 26.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù vậy, các cổ phiếu có diễn biến phân hóa, kéo theo việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư không còn theo nhóm ngành hay theo dòng, mà tập trung vào các mã dẫn dắt, có độ “nhạy” về giá và ưu tiên lướt sóng trong bối cảnh thị trường dao động trong biên độ hẹp, thanh khoản thấp, tâm lý giao dịch nói chung còn thận trọng.

Diễn biến giá trên thị trường cho thấy, các cổ phiếu hiện chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm đang tích lũy với thanh khoản giảm dần cùng pha với thị trường, gồm thép, chứng khoán, khu công nghiệp, đầu tư công... Nhóm thứ hai đang đi ngược thị trường.

VN-Index điều chỉnh từ đầu tháng 4/2023, nhưng nhóm này, trong đó có hàng hóa, lương thực, thực phẩm, bước vào pha tăng nhờ các thông tin hỗ trợ gần đây.

Lãi suất là một trong những yếu tố có tác động lớn tới thị trường chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước nỗ lực kéo giảm lãi suất và thực tế, lãi suất huy động cũng như cho vay thời gian qua được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Nhưng để yếu tố này ngấm vào nền kinh tế và thể hiện tác động tích cực vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì cần 3 - 6 tháng. Theo đó, từ dịp công bố báo cáo tài chính quý II/2023 trở đi, nhà đầu tư có thể bắt đầu tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng hoặc hồi phục lợi nhuận.

Với thực tế trên, thị trường đang tồn tại hai chiến lược đầu tư cơ bản. Một là, mua gom cổ phiếu ở nhóm thứ nhất, đang tích lũy với thanh khoản giảm dần, nhưng doanh nghiệp có triển vọng phục hồi kể từ quý II/2023. Hai là, giao dịch ngắn hạn (trading) theo dòng tiền ở các cổ phiếu khỏe, đi ngược thị trường giai đoạn gần đây. Dù vậy, cổ phiếu lên nhanh vì có nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng rất dễ “quay đầu” khi thông tin trở nên nguội và dòng tiền rút ra.

Hà Thu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục