Thị trường lao động phục hồi, song vẫn còn bất ổn

0:00 / 0:00
0:00
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32% - thấp nhất kể từ năm 2011 (ngoại trừ năm 2020), nhưng thị trường lao động vẫn phục hồi trên tất cả mọi chỉ số. 
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

“Thị trường lao động phục hồi tích cực, chứ không phải sáng sủa, song còn nhiều bất ổn nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II/2023 không tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động phục hồi tích cực. Thưa ông, điều này liệu có bất hợp lý?

Nói chính xác là thị trường lao động phục hồi tích cực, khả quan, chứ không phải sáng sủa.

Cụ thể, trong quý I vừa qua, lực lượng lao động tăng 88.700 người so với quý IV/2022 và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp đều giảm. Thu nhập của người lao động tăng.

Tuy nhiên, tình hình khả quan này không diễn ra ở tất cả mọi vùng. Các địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp, tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… số lao động có việc làm giảm, thu nhập của người lao động giảm; ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm lại gia tăng.

Nhưng dù sao, về tổng thể, thị trường lao động quý I vừa qua vẫn sáng sủa?

Tôi không nghĩ như vậy, mà bức tranh thị trường lao động đã phản ánh đúng hoạt động của nền kinh tế. Cụ thể, dân số Việt Nam mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người, trong đó trên 51% bổ sung vào lực lượng lao động thì lực lượng lao động tăng lên là đương nhiên. Nhưng tốc độ tăng lực lượng lao động đã giảm dần xuống chỉ còn tăng 0,2% (so với quý trước), thay vì tăng 0,5 - 0,9% như các năm trước. Trong 3 quý đầu năm 2022, doanh nghiệp “ngập đơn hàng”, nhiều doanh nghiệp còn đơn hàng sản xuất đến hết quý I năm nay, nên tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm. Nhưng tại trung tâm công nghiệp như TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… thì tình hình không tươi sáng như vậy.

Thu nhập bình quân của người lao động hiện đạt khoảng 7 triệu đồng/tháng, chỉ tăng 197.000 đồng so với quý IV/2022 là do Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào quý I, người lao động tăng thu nhập nhờ tiền thưởng, lương tháng thứ 13… Còn so với cùng kỳ năm trước, thu nhập của người lao động trong quý I vừa qua tăng 640.000 đồng là do tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 1/7/2022.

So với cùng kỳ năm 2022, lạm phát quý I năm nay tăng 4,18%. Như vậy, mặc dù thu nhập của người lao động tăng, nhưng trừ đi lạm phát thì bị giảm.

Phân tích thị trường lao động trên khía cạnh ngành nghề thì sao, thưa ông?

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nếu chưa đến mức phải đóng cửa, giải thể, phá sản, thì dù muốn hay không cũng phải giảm bớt lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ việc luân phiên. Đã có gần 294.000 người phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với hơn 44%, dệt may gần với 19%. Trong 3 tháng đầu năm có gần 149.000 lao động bị mất việc, tăng 31.000 người so với quý IV/2022, trong đó ngành dệt may chiếm 19,5%, da giày chiếm 18,6%, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử chiếm 17%.

Nếu không có sự phục hồi khu vực dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, lưu trú, ăn uống, chắc chắn, số lao động mất việc, giãn việc, thất nghiệp còn cao hơn rất nhiều.

OPEC+ bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô sẽ tác động ngay tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo ông, việc này tác động thế nào đến thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới?

OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác 1,6 triệu thùng/ngày, sau khi Nga tuyên bố cắt giảm 500.000 thùng mỗi ngày nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây là việc hết sức bất ngờ, ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã liên tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nhưng thời gian gần đây, biên độ tăng lãi suất đã giảm do lạm phát giảm dần và người ta hy vọng, đà tăng lãi suất sẽ chấm dứt và giảm xuống, nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu sớm phục hồi trở lại, thương mại toàn cầu gia tăng.

Khi OPEC+ và Nga giảm sản lượng khai thác dầu thô, ngay lập tức tác động đến lạm phát toàn cầu, đến mục tiêu giảm dần và đi đến chấm dứt tăng lãi suất, sau đó lãi suất sẽ giảm trở lại, qua đó kích thích sản xuất, tiêu dùng. Nhưng mọi toan tính của phương Tây khó trở thành hiện thực.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong đó, Hoa Kỳ và EU là hai trong số 6 thị trường lớn nhất. Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 20,6 tỷ USD và EU là 10,3 tỷ USD, giảm tương ứng 21,6% và 10,8%, kéo kim ngạch xuất khẩu chung giảm gần 12%. Kim ngạch xuất khẩu giảm, ngay lập tức tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, thu nhập của người lao động bị giảm xuống do doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới.

Chưa kể, trong hoàn cảnh khó khăn này, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn với doanh nghiệp của nhiều nước cũng dựa vào xuất khẩu hàng hóa thâm dụng lao động như Philippines, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ... Đặc biệt là Trung Quốc đã mở cửa trở lại, hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn này, Việt Nam cần những giải pháp gì để ứng phó?

Muốn thị trường lao động phát triển thì kinh tế phải tăng trưởng vì giữa tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong bối cảnh khó khăn này, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất chỉ trong vòng nửa tháng (ngày 15/3 và 3/4/2022) và các giải pháp phục hồi, đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế.

Khi vốn được bơm ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, thu nhập của người dân tăng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ (trong quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 14%) sẽ bù đắp lại một phần do xuất khẩu giảm. Thu hút khách du lịch quốc tế sẽ tăng được xuất khẩu tại chỗ, cũng bù đắp được phần nào do xuất khẩu giảm.

Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực là một lợi thế rất lớn để hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh. Vì vậy, cần phải tận dụng tối đa các FTA để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tự khắc, thị trường lao động sẽ phát triển bền vững.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục