Thị trường ô tô đi ngược kịch bản
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, lũy kế 10 tháng 2017, toàn thị trường bán được 204.999 xe, giảm 9% so với cùng kỳ 2016 (đạt 217.386 xe).
Thực tế, hầu hết các phân khúc xe đều có doanh số giảm. Theo VAMA, trong 10 tháng qua, ô tô du lịch giảm 10%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 18% so với cùng kỳ 2016. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14%. 10 tháng đầu năm, lượng xe lắp ráp trong nước đạt 157.221 xe, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 183.438 xe.
Trong khi các loại xe lắp ráp trong nước đang có đà giảm, thì ngược lại, sản lượng xe nhập khẩu về Việt Nam lại tăng 6%. VAMA cho biết, 10 tháng qua, lượng xe nhập khẩu trong nước đạt 62.900 xe (cùng kỳ là 59.263 xe). Theo VAMA, đà tăng của xe nhập khẩu sẽ còn tiếp diễn trong 2 tháng cuối năm và đặc biệt, sang năm 2018, khi các mức thuế ưu đãi được áp dụng, sản lượng xe nhập khẩu sẽ có sự đột biến.
“Người tiêu dùng đang có tâm lý chờ đợi chính sách mới và mua ô tô giá rẻ. Vì thế, khác với mọi năm, thị trường ô tô tiêu thụ từ đầu năm đến nay vừa chậm, vừa giảm”, đại diện VAMA nói.
Cổ phiếu ô tô tràn sắc đỏ
Thực trạng thị trường cũng khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô trên sàn chứng khoán kém tích cực.
Chẳng hạn, tại CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH), dù trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt doanh thu hơn 1.104 tỷ đồng, tăng 80% cùng kỳ 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 254 tỷ đồng, giảm 11%.
Báo cáo tài chính quý III/2017 của CTCP Dịch vụ ô tô Hàng xanh (HAX) cho thấy, 9 tháng 2017, doanh thu thuần của HAX đạt 2.759 tỷ đồng, tăng 47% cùng kỳ 2016, song lợi nhuận sau thuế cũng giảm 8%, đạt 58 tỷ đồng. Bước sang quý IV, tình hình kinh doanh của HAX đã cải thiện hơn khi lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng trưởng, trong đó có dòng Mercedes mà HAX là đại lý ủy quyền phân phối.
Lũy kế 9 tháng năm 2017, CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long (HTL) đạt 555 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt là 40% và 79%.
HTL cho biết, các dòng xe thương mại đã bão hòa từ năm 2016 và giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2017, sự cạnh tranh khốc liệt của các dòng xe đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là các nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của Công ty giảm mạnh. Hết 3 quý mà HTL mới hoàn thành 34% kế hoạch kinh doanh cả năm 2017.
Tình hình kinh doanh không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sức hút của cổ phiếu các doanh nghiệp ngành này. Đơn cử, giao dịch của các cổ phiếu HAX, TCH, CTF, HTL… liên tục giảm kể từ đầu tháng 11 đến nay.
Cụ thể, trong đầu tháng 1, cổ phiếu HAX chỉ có 3 phiên tăng nhẹ, còn lại là 5 phiên giảm mạnh và 1 phiên không có thanh khoản; cổ phiếu CTF giảm điểm 9 phiên liên tiếp; cổ phiếu HTL tắc thanh khoản trong cả tuần đầu tiên của tháng 11 và tiếp tục giao dịch ảm đạm trong tuần tiếp theo của tháng này.
Ngoài vấn đề thị trường, một trong những điều khiến nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ngành này quan ngại, đó là tình trạng tồn kho tăng.
Trong đó, TMT là doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn nhất, với 1.721 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Theo thống kê, tổng lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp ô tô niêm yết tính đến 30/9/2017 đạt 4.983 tỷ đồng, tăng tới 215% so với thời điểm đầu năm.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua ô tô trên thị trường được dự báo tăng cao hơn, các doanh nghiệp đang chạy đua về đích với các chương trình kích cầu tăng trưởng. Nhà đầu tư đang kỳ vọng những cú huých mới từ thị trường, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và chờ đợi sắc xanh từ cổ phiếu nhóm ngành này.