Thị trường khó, càng cần minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh thị trường càng thách thức, những doanh nghiệp minh bạch thông tin, quản trị công ty tốt đang có lợi thế về mặt thời gian và tốc độ trong việc tiếp cận đối tác, tiếp cận nguồn vốn.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn trao kỷ niệm chương cho các đơn vị đồng hành. Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn trao kỷ niệm chương cho các đơn vị đồng hành.

Trưởng thành từ Cuộc bình chọn

Theo Hội đồng Bình chọn Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2022 - cuộc bình chọn đã gắn bó 15 năm với thị trường chứng khoán Việt Nam, các doanh nghiệp quản trị tốt cũng là các doanh nghiệp được định giá tốt hơn (hệ số P/B cao hơn). Các ngành có vốn hoá cao, có quản trị tốt sẽ là các doanh nghiệp được quan tâm chú ý của nhà đầu tư. Quản trị tốt cũng giúp tạo hiệu quả trong hoạt động và từ đó đem lại thành quả trong kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 15 - năm 2022 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Ariyana - Furama Resort Danang cuối tuần qua, bà Trần Anh Đào, Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, thị trường chứng khoán có nhiều biến động nhưng đây vẫn là kênh huy động vốn hữu hiệu được các doanh nghiệp lựa chọn.

Thống kê trên HOSE, giá trị vốn hoá toàn bộ doanh nghiệp niêm yết hiện đạt trên 3,6 triệu tỷ đồng, lượng cổ phiếu niêm yết hơn 1.300 tỷ đơn vị. Thị trường năm nay có sự suy giảm về mặt điểm số, trải qua nhịp giảm khá dài và sâu từ đầu quý II đến giữa tháng 11. Theo đó, giá trị vốn hoá sụt giảm, nhưng khối lượng niêm yết tăng 10%.

Kết quả kinh doanh kinh doanh của các doanh nghiệp qua cơn đại dịch vẫn đang cho thấy sự ổn định, bình quân lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9%, dự phóng đến cuối năm đạt khoảng 20%, là con số tương đối tốt. Số công ty thua lỗ không nhiều.

Theo bà Đào, tính đến hết tháng 11/2022, có 200 đợt phát hành cổ phiếu, tổng khối lượng niêm yết bổ sung 18,2 tỷ cổ phiếu, giá trị cổ phần mà doanh nghiệp niêm yết trên HOSE thu được hơn 54.000 tỷ đồng.

Tình hình phát hành cổ phiếu và niêm yết bổ sung trên HOSE.

Tình hình phát hành cổ phiếu và niêm yết bổ sung trên HOSE.

Từ năm 2018 tới nay, các doanh nghiệp niêm yết phát hành cổ phiếu ra bên ngoài, thu về tiền thật trên 185.000 tỷ đồng, phát hành thêm hơn 51 tỷ cổ phiếu, với 820 đợt phát hành, trong đó ngành tài chính phát hành nhiều nhất.

Vẫn theo bà Đào, trưởng thành từ Cuộc bình chọn, nhiều doanh nghiệp đã có các báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững dạng tích hợp đạt các giải thưởng quốc tế và là niềm tự hào cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Các doanh nghiệp từ chỗ chưa biết đến khái niệm quản trị công ty, phát triển bền vững, thì nay đã nhận các giải thưởng quản trị công ty tốt, báo cáo phát triển bền vững tốt và ngày một cải thiện các thực hành trong thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, hướng đến thông lệ trong khu vực và trên thế giới. Chính điều này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nhà đầu tư, tăng khả năng thành công trong việc huy động vốn.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Công ty Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho hay, 2022 là năm thứ 15, HOSE phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Báo Đầu tư và Dragon Capital tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, tiền thân là Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2008, trở thành giải thưởng uy tín, vinh danh các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên thị trường về báo cáo thường niên, quản trị công ty và phát triển bền vững.

Cuộc bình chọn góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức về vai trò quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết, thúc đẩy các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, chuyên nghiệp, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao uy tín trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Nhiều thay đổi tích cực trong mùa báo cáo 2022

Năm nay, vượt qua gần 600 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, 40 doanh nghiệp được vinh danh ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững. Ngoài ra, ở mỗi hạng mục, Ban Tổ chức chọn 1 doanh nghiệp có sự tiến bộ vượt bậc để trao giải Tiến bộ vượt trội nhằm ghi nhận nỗ lực trong việc minh bạch thông tin.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Công ty Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trao giải Top 10 báo cáo thường niên tốt nhất nhóm vốn hóa lớn.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Công ty Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trao giải Top 10 báo cáo thường niên tốt nhất nhóm vốn hóa lớn.

Về báo cáo thường niên, điểm trung bình các báo cáo được chấm năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021, tuy nhiên, nếu xét đến những thay đổi trong cấu trúc thang điểm thì điểm cao nhất và điểm thấp nhất tương đương năm 2021. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp được đưa vào đánh giá năm nay gia tăng đáng kể so với năm 2021, nên có thể nói, năm 2022 ghi nhận nỗ lực cải thiện trong việc soạn thảo và công bố báo cáo thường niên của các doanh nghiệp.

Các báo cáo thường niên vào vòng chung khảo năm nay đều được đánh giá xuất sắc, trình bày đầy đủ, lôi cuốn, khoa học về thông tin, cơ cấu tổ chức hoạt động. Các doanh nghiệp còn đầu tư soạn thảo báo cáo bằng tiếng Anh, đáp ứng thông lệ tốt. Một số doanh nghiệp còn làm báo cáo phát triển bền vững riêng, đồng thời áp dụng chuẩn mực GRI.

Các báo cáo tốp đầu có các phân tích tình hình kinh doanh, tài chính đầy đủ, rõ ràng, thông tin có tính thống nhất và kết nối, giúp cổ đông nắm bắt tốt hơn về tình hình tài chính, hoạt động và quản trị của doanh nghiệp. Trong các báo cáo đạt điểm cao ghi nhận một số điểm nổi trội tại hạng mục công bố về danh sách công ty con, công ty liên kết, thông tin về lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính, cùng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp tại các công ty này.

Số lượng doanh nghiệp có báo cáo phát thải khí nhà kính năm 2022 tăng mạnh, 80 doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin về tổng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp, so với số lượng năm 2021 là 37 doanh nghiệp. Về công bố giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, năm nay, có 120 doanh nghiệp thực hiện, gấp gần 2 lần so với năm trước (64 doanh nghiệp).

Đối với hạng mục Quản trị công ty, năm 2022 đánh dấu cột mốc 5 năm ra đời giải thưởng Quản trị công ty trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết.

Số lượng doanh nghiệp đánh giá tăng dần qua từng năm và chạm mốc 581 doanh nghiệp vào năm 2022. Bộ tiêu chí cũng được liên tục sửa đổi, bổ sung. Trải qua vòng đánh giá sơ khảo, 45 doanh nghiệp cao điểm nhất được lựa chọn vào vòng chung khảo để Hội đồng Giám khảo thảo luận và bỏ phiếu bầu chọn ra danh sách trao giải.

Nhìn chung, kết quả đánh giá cho thấy điểm số chưa có khác biệt đáng kể so với năm 2021, nhưng nếu nhìn suốt hành trình 5 năm, sự tăng điểm trung bình qua từng năm là minh chứng cho những nỗ lực cải thiện công bố thông tin, tăng tính minh bạch của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hành trình chỉ mới bắt đầu. Để có thể rút ngắn khoảng cách so với các nước ASEAN, cần nhiều hơn các doanh nghiệp áp dụng những thông lệ quốc tế tiên tiến.

Đối với báo cáo phát triển bền vững, năm 2022 đánh dấu lần thứ 10 các công ty niêm yết của Việt Nam công bố thông tin về phát triển bền vững. Đây cũng là năm có nhiều dấu mốc và thay đổi đáng nhớ đối với các hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam.

Số lượng doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững riêng tăng từ 12 năm 2020 lên 14 năm 2021 và 16 năm 2022. Trong bối cảnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo sức khỏe, sự an toàn, công việc, phúc lợi cho nhân viên; không giảm lương, không trễ lương và đảm bảo tiền thưởng.

Hầu hết các báo cáo đều đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn một cách rõ rệt hơn. Nhiều báo cáo sử dụng dịch vụ đảm bảo bên ngoài bên cạnh vai trò kiểm toán độc lập truyền thống, có cam kết rõ nét hơn về quản trị ESG được thể hiện qua việc thành lập ủy ban chuyên trách/cố vấn thuộc hội đồng quản trị, sự tham gia của các phòng, ban trong toàn bộ doanh nghiệp với trách nhiệm, kế hoạch hành động rõ ràng.

Mặc dù còn nhiều điểm cần cải thiện, nhưng với những thay đổi tích cực trong công bố thông tin phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong mùa báo cáo năm 2022 và sự thay đổi ở góc độ chính sách, quy định pháp luật, dự báo trong những năm tới, chất lượng công bố thông tin sẽ tiếp tục được cải thiện

Theo bà Đào, Cuộc bình chọn trong tương lai sẽ tiếp tục đổi mới, tập trung vào chất lượng quản trị doanh nghiệp và những xu hướng đang được quan tâm dẫn dắt thị trường trong vấn đề giảm tác động của biến đổi khí hậu, mong muốn tác động tốt hơn nữa, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital Group chia sẻ, các cơ quan quản lý đang nỗ lực cùng HOSE để đưa Việt Nam lên thị trường mới nổi. Tổng giá trị tài sản được quản lý (AUM) vào các thị trường mới nổi là 25.000 tỷ USD. Nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng thì sẽ tiếp cận được dòng vốn này, chỉ cần 0,4 - 0,5% cũng có thể thu hút được 100 tỷ USD. Hiện nay, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 40 tỷ USD.

“Điều này mở ra cơ hội tiếp cận vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam và khi họ muốn tìm cơ hội đầu tư thì chắc chắn họ chỉ muốn gặp các doanh nghiệp mạnh, có quản trị công ty tốt”, ông Dominic Scriven nói.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục