Thị trường khí đốt tự nhiên trở nên ổn định hơn dự kiến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa Đông mà nhiều người sợ hãi ở châu Âu dường như không xảy ra.
Thị trường khí đốt tự nhiên trở nên ổn định hơn dự kiến

Các thị trường năng lượng đã bắt đầu năm 2023 trong thời tiết mùa Đông ấm áp và lo ngại rằng suy thoái kinh tế đang đến với các khu vực của nền kinh tế toàn cầu.

Trọng tâm của thị trường năng lượng hiện tại là các thị trường khí đốt tự nhiên, với mức giá giảm mạnh ở châu Âu đã xóa sạch đà tăng có được do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine kể từ tháng 2/2022.

Thị trường khí đốt tự nhiên bình lặng giữa cuộc chiến năng lượng

Khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm ngoái và khởi động một cuộc chiến năng lượng chưa từng có trên lục địa này, đã có những dự báo rằng, điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng mùa Đông và phá vỡ sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.

Tuy nhiên, mùa Đông không diễn ra theo cách đó. Thời tiết ấm áp bất thường cùng với việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu và nỗ lực phối hợp để dự trữ khí đốt tự nhiên đã khiến giá khí đốt trên khắp châu Âu lao dốc trong những ngày gần đây, xóa sạch lợi nhuận thu được sau ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022 và làm giảm bớt lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng gây thiệt hại kinh tế.

Giá khí đốt TTF của Hà Lan đã giảm xuống còn khoảng 64,20 euro/MWh (tương đương với khoảng 20 USD/1 triệu BTU) vào ngày 5/1/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Mức giá đó đã giảm hơn một nửa so với mức cao trong tháng 12/2022 và thấp hơn khoảng 80% so với mức cao kỷ lục vào mùa Hè năm ngoái.

Giá khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu

Giá khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu

Mặc dù giá khí đốt vẫn ở mức cao so với các tiêu chuẩn lịch sử, nhưng mùa Đông mà nhiều người lo sợ có thể khiến người châu Âu phải chịu cảnh thiếu điện và sưởi ấm trong bối cảnh nhiệt độ đóng băng và phải trả chi phí năng lượng khắc nghiệt, dường như đã không xảy ra.

Điều này không chỉ diễn ra ở châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã tăng, nhưng không bằng mức cao gây sốc của châu Âu, cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm và giao dịch ở mức khoảng 4 USD/triệu BTU trong ngày 5/1. Giá khí đốt của Mỹ đã tăng vọt lên hơn 10 USD/triệu BTU vào mùa Hè năm ngoái, mức cao nhất trong kỷ nguyên đá phiến, khi cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng và chi phí nhiên liệu cao đã thổi bùng tỷ lệ lạm phát cao trong nhiều thập kỷ.

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ

Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, những thị trường chính khác của thị trường toàn cầu, cũng giảm theo.

Trong số các điểm dữ liệu đáng chú ý nhất là lượng khí đốt dự trữ của châu Âu vẫn đầy đến tháng 1, đây là một dấu hiệu cho thấy việc mua khí đốt tự nhiên tốn kém vào năm ngoái đang được đền đáp, với một ít may mắn về mặt thời tiết.

Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cho thấy, mức lưu trữ khí đốt trên toàn EU ở mức khoảng 83%, là một trong số các mức cao nhất chưa từng có vào thời điểm này trong năm. Thời tiết ấm áp gần đây thậm chí còn cho phép mức dự trữ tăng vào mùa Đông hiếm hoi trong vài ngày đầu tiên của năm mới. Mức lưu trữ thậm chí còn cao hơn ở các nền kinh tế quan trọng của châu Âu như Đức (91%) và Ba Lan (97%).

Lượng lưu trữ khí đốt ở châu Âu

Lượng lưu trữ khí đốt ở châu Âu

Mức lưu trữ khí đốt cao quan trọng vì hai lý do. Mức lưu trữ cao và dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu liên tục khiến châu Âu có vị trí thuận lợi để đáp ứng nhu cầu tăng nếu và khi nhiệt độ giảm vào cuối mùa đông này gần như ngay lập tức.

Điều này cũng khiến các nước châu Âu có vị thế mạnh mẽ hơn để lên kế hoạch cho mùa Đông tới, điều mà các nhà điều hành và phân tích trong ngành đã cảnh báo mùa Đông năm tới có thể sẽ nguy hiểm như năm nay.

Ngoài ra, mức lưu trữ cao hơn vào mùa Đông này sẽ tạo điều kiện cho châu Âu phải bổ sung ít khí đốt hơn trong những tháng tiếp theo, điều này sẽ giảm bớt áp lực lên giá trong thời gian còn lại của năm. Chính cơn sốt mua LNG của châu Âu vào mùa Hè năm ngoái đã giúp đẩy giá khí đốt tự nhiên toàn cầu lên mức cao kỷ lục.

Mặc dù vậy, giá khí đốt có thể sẽ phải duy trì ở mức cao hơn so với những năm trước để giữ sản lượng LNG cao từ Mỹ, Qatar và những nơi khác chảy vào lục địa. Nga cũng vẫn còn một lượng khí đốt chảy vào châu Âu mà nước này có thể cắt bỏ để cố gắng gây thêm áp lực lên châu Âu. Tuy nhiên, chiến lược đó đã không được đền đáp cho đến nay và sẽ gây ra nhiều thiệt hại kinh tế hơn cho chính Nga.

Nhưng, sự hỗn loạn của năm ngoái giờ đây dường như ít có khả năng lặp lại hơn so với vài tháng trước. Đó là tin tốt cho nền kinh tế và an ninh năng lượng của châu Âu.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục