Thị trường hàng hóa tuần từ 8-15/4: Năng lượng “chiếm sóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 8-15/4, mặt hàng năng lượng “chiếm sóng” thị trường hàng hóa thế giới với việc giá dầu thô, khí tự nhiên và than cùng bật mạnh do gián đoạn nguồn cung, khi các sàn giao dịch phương Tây đều nghỉ Lễ Phục sinh trong phiên cuối tuần.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Năng lượng: Dầu thô tăng gần 9%, khí tự nhiên Mỹ tăng 16%, than luyện kim Úc tăng vượt 505 USD/tấn

Thị trường dầu tuần qua kết thúc vào phiên 14/4 và nghỉ lễ trong ngày 15/4.

Cụ thể, phiên cuối tuần 15/4, giá dầu Brent tăng 2,92 USD (+2,68%) lên 111,7 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,7 USD (+2,59%) lên 106,95 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng gần 9% - là tuần tăng đầu tiên trong tháng 4/2022.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 13/4/2022 cho biết, bất chấp những tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tiếp tục bị gián đoạn, các kho dự trữ dầu ở Mỹ đã tăng hơn 9 triệu thùng vào tuần trước, một phần do nước này giải phóng kho dự trữ chiến lược của quốc gia. Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước nữa - cao hơn nhiều so với mức dự đoán, bên cạnh tồn kho các sản phẩm dầu chưng cất cũng giảm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, từ tháng 5/2022, mỗi ngày có khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga có thể không tiếp cận được thị trường do các lệnh trừng phạt hoặc các khách hàng tự nguyện tránh mua hàng hóa Nga.

Trên thị trường khí đốt, hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng khoảng 16%, đóng cửa ở mức cao nhất trong 13 năm, do lượng dự trữ thấp hơn bình thường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty tiện ích đã bổ sung thêm 15 tỷ feet khối (bcf) khí đốt trong tuần.

Cụ thể, trong phiên 15/4, hợp đồng khí đốt giao sau của Mỹ tăng 30,3 cent lên 7,3 USD triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), tương đương tăng khoảng 4% - mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2008. Tính cả tuần, hợp đồng này tăng khoảng 16%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 8/2020.

Như vậy, hợp đồng khí đốt kỳ hạn của Mỹ đã tăng khoảng 96% trong năm nay. Giá khí đốt của Mỹ đã tăng khoảng 57% trong tháng qua.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 94,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tháng 4/2022 từ mức 93,7 bcfd vào tháng 3/2022, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng của tháng 12/2021 là 96,3 bcfd.

Lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 12,9 bcfd vào tháng 3/2022 xuống 12,4 bcfd cho đến nay.

Trên thị trường châu Á, giá LNG giao ngay ổn định trong tuần qua khi nhu cầu tiếp tục giảm khi Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” để ngăn ngừa dịch bệnh Covid lây lan.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình cho đợt giao tháng 5/2022 khu vực Đông Bắc Á ước đạt khoảng 33 USD/mmBtu, không thay đổi so với tuần trước, giá trung bình cho đợt giao hàng tháng 6/2022 khoảng 29 USD/mmBtu.

Trên thị trường than, giá than nhiệt trên thị trường châu Âu tăng trên 355 USD/tấn. Châu Âu có kế hoạch thay thế 50 triệu tấn nguyên liệu của Nga bằng nguồn cung cấp từ Mỹ, Úc, Indonesia, Colombia và Nam Phi.

Giá than tại Nam Phi tăng trên 325 USD/tấn trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường than quốc tế và nhu cầu từ các nước châu Âu tăng lên, nhằm thay thế nguồn cung than của Nga.

Nhu cầu cũng đang tăng lên từ Ấn Độ do tình trạng thiếu điện. Các nhà chức trách Ấn Độ đã thông báo nhu cầu tăng nhập khẩu mặc dù giá cao.

Tại Trung Quốc, giá than nhiệt lượng 5500 NAR giao ngay giảm gần 16 USD/tấn xuống còn 188 USD/tấn FOB Qinhuangdao. Giá than giảm tại thị trường nội địa Trung Quốc trong bối cảnh tiêu thụ giảm ở một số tỉnh, bao gồm Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang, nơi các biện pháp hạn chế được áp dụng do Covid-19 lây lan mạnh.

Hoạt động giao dịch cao hơn của người tiêu dùng châu Âu đã tác động tích cực lên các chỉ số giá than Úc, trong đó giá than luyện kim tăng vọt lên trên 505 USD/tấn.

Báo giá 5900 GAR của Indonesia tiếp tục giảm xuống còn 185 USD/tấn do hoạt động giao dịch của khách mua Trung Quốc giảm do sự lây lan của dịch ở Trung Quốc. Công ty khai thác lớn nhất Indonesia Bumi Resources cho biết có kế hoạch tăng khai thác thêm 9-15% vào năm 2022 lên mức 85-90 triệu tấn, cho dù năm 2021 chưa đạt mục tiêu này với việc sản xuất chỉ đạt 78 triệu tấn - thấp nhất từ năm 2012 do mưa quanh năm.

Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 2, sắt thép tiếp tục tăng giá

Ở nhóm kim loại quý, thị trường kim loại quý tuần qua cũng kết thúc vào ngày 14/4 do khu vực châu Âu nghỉ lễ trong ngày 15/4.Trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.971,04 USD/ounce, vàng kỳ hạn tương lai giảm 0,5% xuống 1.974,9 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng 1,3% - là tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua (tính đến ngày 9/4) tăng 18.000 người (+10,8%) lên 185.000 người. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho hay, doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Ba tăng 0,5% sau khi điều chỉnh mức tăng 0,8% trong tháng Hai.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, trên sàn Thượng Hải, phiên giao dịch 15/4, giá đồng tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng do kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế và lo ngại nguồn cung bị thắt chặt do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 1,4% lên 74.970 CNY (11.768,68 USD)/tấn, có thời điểm giá đạt 75.100 CNY (11.789,08 USD)/tấn - cao nhất kể từ 8/3/2022. Tính chung cả tuần, giá tăng 1,4% - là tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa để nghỉ lễ trong phiên 15/4.

Ủy ban Đồng Chile ngày 14/4 đã nâng dự báo giá đồng năm 2022 lên 4,4 USD/lb trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, được cho là do xung đột Nga-Ukraine.

Về các kim loại công nghiệp khác, giá nhôm trên sàn Thượng Hải tăng 2,3%; nickel tăng 3,2%; chì tăng 0,4% và thiếc giảm 0,2%.

Dự trữ nhôm trong các kho được LME phê duyệt tính đến 13/4/2022 ở mức 608.000 tấn, thấp nhất kể từ năm 2005.

Giá sắt thép cũng tăng trong phiên 15/4, với quặng sắt giao dịch tại Trung Quốc tăng gần 4% do các nhà máy thép tăng sản lượng với kỳ vọng nhu cầu tăng và hoạt động giao thông ở nước này được nối lại sau giai đoạn phong tỏa chống dịch.

Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên 15/4 tăng 916 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng 3,9% lên 925 CNY (145,19 USD)/tấn.

Đối với mặt hàng thép, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 1,3% lên 5.049 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 5.198 CNY/tấn, thép không gỉ tăng 0,4% lên 19.835 CNY/tấn.

Cơ quan hoạch định nhà nước của Trung Quốc đã phê duyệt 32 dự án đầu tư tài sản cố định trong năm 2022, tổng trị giá 520 tỷ CNY và đang nghiên cứu kế hoạch dự phòng chính sách mới để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Nông sản: Ngô và lúa mì tăng giá, đậu tương giảm giá, gạo diễn biến trái chiều

Giá ngô tại Mỹ tăng khi nguồn cung ngũ cốc toàn cầu thắt chặt và sự không chắc chắn về triển vọng sản lượng khi xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 6-3/4 US cent lên 7,9-1/4 USD/bushel, sau khi đạt mức cao 7,93 USD/bushel. Cùng kỳ hạn, giá đậu tương tăng 6-1/4 US cent lên 16,82-1/4 USD/bushel, lúa mì giảm 17 US cent xuống 10,96-1/2 USD/bushel.

Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 2,8%, lúa mì tăng 4,3% và đậu tương giảm 0,4%.

Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tuần này giảm do nguồn cung tăng. Theo đó, gạo đồ 5% tấm giảm xuống 364-368 USD/tấn so với mức 365-369 USD/tấn cách đây một tuần.

Ở chiều ngược lại, giá gạo Việt Nam tăng, với loại 5% tấm tăng lên 420-425 USD/tấn so với mức từ 400-415 USD/tấn trong tuần trước. Gạo cùng loại của Thái Lan không đổi ở mức từ 408-412 USD/tấn do thị trường đóng cửa nghỉ lễ Songkran.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường và dầu cọ cùng tăng mạnh, cao su và cà phê biến động trái chiều

Giá đường thô giảm trong phiên 14/4/2022 sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng trong phiên trước đó. Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 0,04 US (-0,2%) xuống 20,06 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng (20,51 US cent/lb) trong phiên 13/4/2022. Giá đường trắng cùng kỳ hạn trên sàn London cũng giảm 7,4 USD (-1,3%) xuống 568,8 USD/tấn.

Giá dầu cọ Malaysia tăng lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên 15/4 do nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu vẫn khan hiếm do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 169 ringgit (+2,69%) lên 6.457 ringgit (1.525,4 USD)/tấn - cao nhất kể từ ngày 11/3/2022. Tính chung cả tuần, giá tăng 9% - mức tăng mạnh nhất trong 6 tháng qua.

Trên thị trường cà phê, giá robusta Việt Nam xuất khẩu loại 2 (5% đen và vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 250-260 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 240-250 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 40.500-41.500 VND (1,77-1,81 USD)/kg, không thay đổi so với 1 tuần trước đó.

Trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu 581.693 tấn cà phê, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng 60% lên 1,3 tỷ USD.

Tại Indonesia, giá robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 và không thay đổi so với cách đây 1 tuần.

Trong tháng 3/2022, Indonesia xuất khẩu 7.604,4 tấn robusta, giảm 48,63% so với cùng kỳ năm trước.

Tại New York (Mỹ), giá arabica kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 1,4 US cent (-0,6%) xuống 2,2375 USD/lb, phiên trước cũng giảm 3,6%.

Tại London, giá robusta kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 6 USD (-0,3%) xuống 2.099 USD/tấn.

Trên thị trường cao su, giá cao su Nhật Bản phiên 15/4 tăng do JPY giảm so với USD, song mối lo ngại nhu cầu tại nước mua hàng đầu Trung Quốc chậm lại, khi dịch Covid-19 bùng phát đã hạn chế đà tăng.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Osaka tăng 1,5 JPY (+0,6%) lên 265,5 JPY (2,1 USD)/kg. Như vậy, giá cao su có tuần tăng thứ 5 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10/2021.

Trong khi đó, giá cao su cùng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 90 CNY xuống 13.340 CNY (2.094 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục